Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Còn khoảng cách lớn giữa phim truyền hình quốc tế với phim trong nước

Thục Miên-Thứ năm, ngày 05/06/2014 11:49 GMT+7

Tại sự kiện Triển lãm phim và công nghệ truyền hình – Telefilm 2014, phim truyền hình luôn là mảng nội dung được chú trọng và thu hút sự quan tâm, bình luận sôi nổi của nhiều người. Phóng viên VTV Online đã có cuộc phỏng vấn NSƯT, Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài THVN xung quanh vấn đề này.

- PV: Nhìn nhận công nghệ sản xuất phim truyền hình Việt Nam trong những năm qua, anh thấy có sự thay đổi như thế nào?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Trong những năm qua, bên cạnh việc đầu tư cho kịch bản và mở rộng đề tài phim, có thể thấy phim truyền hình Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về công nghệ sản xuất, trong đó việc đạt quy chuẩn chất lượng hình ảnh phát sóng chuẩn HD là điểm nổi bật.

Những thiết bị sản xuất phim bao gồm cả máy quay, thiết bị âm thanh, ánh sáng… đều được đầu tư thêm và bắt kịp công nghệ làm phim hiện đại. Quy trình sản xuất phim cũng được hoàn thiện và ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Sự tiến bộ về công nghệ sản xuất phim nói chung đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng nhiều bộ phim truyền hình phát sóng trên VTV.

‘ - Tuy nhiên, dù đã có những bước cải thiện hơn so với trước đây nhưng nếu đưa ra thị trường phim quốc tế, phim Việt Nam vẫn còn “lép vế” và khá lạc hậu. Theo anh, sự thiếu chuyên nghiệp trong sản xuất phim truyền hình Việt Nam thể hiện ở những khâu nào?

Để so sánh với chất lượng phim truyền hình quốc tế thì phim của chúng ta còn có khoảng cách xa với họ về nhiều mặt. Trước hết là thiết bị làm phim, chúng ta vẫn là nước nghèo nên sự đầu tư chỉ có hạn, hệ thống trường quay phục vụ cho sản xuất phim chưa có, nhiều thiết bị máy quay, âm thanh đều chưa đạt chất lượng cao đúng yêu cầu chuẩn làm phim của quốc tế.

Bên cạnh đó, dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận là kinh phí cho sản xuất phim của chúng ta còn hạn chế nên các đoàn phim phải cắt bỏ nhiều chức danh và giản lược nhiều công đoạn chuẩn bị sản xuất. Vì vậy, dẫn đến tình trạng ê kíp sản xuất khi làm phim tại hiện trường gặp khó khăn hoặc phải xoay xở, điều chỉnh kịch bản cho phù hợp thực tế.

Và cuối cùng, đó là vấn đề nhân lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ sáng tạo, diễn viên, người làm phim… Tư duy của chúng ta có thể tốt nhưng do không có đủ các điều kiện sản xuất, những yếu tố hỗ trợ nên khi trực tiếp tổ chức các cảnh quay ở hiện trường thường chỉ đạt 60-70% ý đồ sáng tạo nghệ thuật.

‘ Hàn Quốc, Nhật Bản… đều là những quốc gia xuất khẩu phim truyền hình mạnh vì khâu tổ chức sản xuất của họ mang tính quốc tế. Ở Việt Nam, khâu tổ chức sản xuất này như thế nào?

Trong đoàn phim, có một vị trí rất quan trọng là: nhà sản xuất (producer). Họ là người lựa chọn và điều phối đội ngũ sáng tạo, kiểm soát, tạo điều kiện làm phim và tham gia vào mọi giai đoạn cho đến khi dự án phim hoàn thành.

Ở Việt Nam, vai trò của nhà sản xuất chưa thực sự rõ ràng và đôi khi chỉ gói gọn trong các công việc đứng ra tổ chức, lo tiền bạc rồi khoán việc tổ chức quay phim, chất lượng nội dung… cho một ê kíp sáng tạo khác (thường là đạo diễn). Vì vậy, đôi khi sự đầu tư cho bộ phim khá lớn nhưng do không hiểu chuyên môn, bị chi phối việc kinh doanh lỗ lãi, chạy theo bề ngoài của những yếu tố sáng tạo… nên chất lượng phim bị ảnh hưởng, cái cần đầu tư thì không có, cái không đáng lại bị đẩy lên thành sự quan tâm quá mức. Do đó, các dự án phim dần đi lệch quỹ đạo ban đầu và rơi vào tình trạng chung là: có gì làm nấy, làm theo tốc độ bị nhà sản xuất ép.

Khi sản phẩm hoàn thiện thì thiếu những người có trình độ và kinh nghiệm làm phim để thẩm định, đôi khi bị chi phối bởi ý kiến nhận định về kinh doanh hơn là chuyên môn. Lẽ ra, cần có 2 bộ phận phối hợp và phải tương hỗ cho nhau: Bộ phận sản xuất và bộ phận marketing, phân phối, PR. Trong đó, bộ phận sản xuất với vai trò đầu tàu, người tổ chức sản xuất phải có sự quan tâm đến thị trường và ngược lại, bộ phận phân phối thị trường phải có kiến thức và sự hiểu biết nhất định về sản xuất phim.

‘ Phim truyền hình Việt Nam vẫn đang phấn đấu để chạm đến tiêu chí chuyên nghiệp cơ bản, vậy theo anh, phải bắt đầu từ đâu để khắc phục những hạn chế ấy?

Muốn sản xuất phim chuyên nghiệp thì phải có những con người chuyên nghiệp và khâu đào tạo là rất quan trọng. Ngoài ra, những thay đổi về đầu tư kinh phí, hệ thống kĩ thuật, cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là phim trường cũng là điều hết sức cần thiết.

Cá nhân anh nhận định, khoảng bao lâu nữa thì phim truyền hình Việt Nam có thể được bán ở thị trường phim quốc tế?

Hiện tại, chúng ta đã tiếp cận đến việc bán bản quyền nhưng để trở thành một thị trường phim đúng nghĩa, nếu thực sự cố gắng thay đổi thì tôi nghĩ phải ít nhất 5 năm nữa.

VFC là một trong những đơn vị đầu tiên hợp tác với nước ngoài sản xuất phim truyền hình, hậu hợp tác, VFC đã có sự khác biệt như thế nào về cách thức làm phim, công nghệ làm phim, đội ngũ làm phim…?

Trước hết, việc hợp tác sản xuất với các đối tác nước ngoài giúp cho đội ngũ quản lí, ê kíp trực tiếp sản xuất nhận thức đầy đủ về quy trình làm việc tổ chức và điều hành một dự án phim, những đòi hỏi mang tính bắt buộc trong các khâu sản xuất phim truyền hình. Tất nhiên, đi kèm với đó là sự đầu tư cần thiết để hạn chế cẩu thả và hỗ trợ tối đa cho đội ngũ sáng tạo.

Tôi cũng hiểu, không thể đòi hỏi chỉ sau 1, 2 lần hợp tác, trong thời gian ngắn sẽ ngay lập tức tạo ra những bộ phim truyền hình Việt Nam với sự khác biệt lớn. Nhưng chúng tôi đã học hỏi, áp dụng được nhiều kĩ năng, đặc biệt là cách thức tổ chức ê kíp đoàn phim, bổ sung thêm các vị trí làm việc theo mô hình mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng trong quy trình sản xuất phim.

Có những công việc phải cần thời gian để hoàn thiện nhưng cũng đã có những việc được điều chỉnh và thay đổi ngay trong các công đoạn sản xuất tiền kì, hậu kì. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến ý thức làm nghề và thái độ làm phim chuyên nghiệp.

‘ Vậy khi tham gia các Hội chợ phim quốc tế, Triển lãm quốc tế Phim và Công nghệ truyền hình Telefilm,… VFC đã có những hoạt động nào nhằm quảng bá và phát triển thương hiệu của một đơn vị sản xuất phim truyền hình uy tín hàng đầu Việt Nam?

Một triển lãm quốc tế như Telefilm sẽ là cơ hội tốt để VFC có thể gặp gỡ những công ti, đối tác trong và ngoài nước. Thông qua các cuộc gặp gỡ này, VFC cũng có thể giới thiệu phần nào những bộ phim, chương trình đặc sắc chúng tôi đã sản xuất, đồng thời cũng tiếp cận được với những sản phẩm của các công ti khác.

Đây có thể là điều kiện thuận lợi để nảy sinh quan hệ hợp tác sản xuất hoặc giao dịch phim giữa VFC và các đối tác. Trong vài năm gần đây, VFC đã phối hợp với Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVAd) đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm tại các Hội chợ phim quốc tế và rõ ràng đã thấy hiệu quả được cải thiện hơn nhiều trước.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước