Đảm nhận vai trò giám khảo trong LHTHTQ và có dịp nhìn lại các bộ phim truyền hình Việt phát sóng trong thời gian vừa qua, anh có nhận xét chung gì về sự thay đổi cũng như sự phát triển của phim Việt gần đây?
Đạo diễn Trần Lực: Đối với phim truyền hình thì mỗi năm đều có sự thay đổi, bởi những bộ phim luôn gắn với cuộc sống, đề cập tới những vấn đề nóng trong xã hội. Những bộ phim truyền hình dự thi cũng đề cập những vấn đề, đề tài đó. Đấy là về nội dung, còn kỹ thuật thì tôi nhận thấy đã có sự thay đổi tốt hơn rất nhiều. Phần lớn các phim đã có định dạng chuẩn HD, chất lượng hình ảnh đẹp. Kỹ thuật là vấn đề quan trọng đối với những người làm phim đặc biệt là đạo diễn, có được kỹ thuật tốt thì khi dàn dựng phim sẽ dễ dàng thể hiện được sự sáng tạo. Ví dụ như phim hình sự, có kỹ thuật thì sẽ thể hiện được phần ánh sáng tốt, tạo không khí hồi hộp, gay cấn cho cảnh quay đó. Sự chuyển đổi về kỹ thuật sẽ giúp người làm phim thể hiện được tốt hơn.
Phim Việt được nhận xét đã có sự khởi sắc, giành được sự quan tâm của khán giả và phát sóng trong khung giờ Vàng trên sóng truyền hình. Là một đạo diễn, nhà sản xuất phim, anh có cảm nhận như thế nào?
Đạo diễn Trần Lực: Tôi thấy rất vui, phim nào cũng thế thôi, dù phim điện ảnh chiếu rạp hay phim trên truyền hình thì điều cần nhất vẫn là phải có người xem.
Chính vì vậy, đối với những người làm phim, được đông đảo khán giả đón nhận là một niềm hạnh phúc. Tôi cũng thấy rằng phải có người xem, phải được mọi người tiếp nhận thì nền điện ảnh nói chung và phim truyền hình nói riêng mới phát triển được.
Phim mà được khán giả đón nhận và được phát được vào những giờ Vàng thì đó đã là một niềm hạnh phúc rất lớn. Đối với hãng phim của chúng tôi, khi sản xuất phim và được phát sóng, chúng tôi cũng rất hồi hộp, không biết mọi người có quan tâm và đón nhận bộ phim đó không. Khi thấy khán giả đón nhận rất cởi mở, thích thú thì đối với chúng tôi, những người làm phim, sản xuất phim đó chính là động lực để sản xuất những bộ phim tiếp theo hay hơn nữa.
Phim truyền hình Việt đã có sự thay đổi, tuy nhiên nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên Thế giới thì còn rất nhiều hạn chế. Theo anh, phim Việt cần phải có thêm những yếu tố nào để phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới?
Đạo diễn Trần Lực: Tôi nghĩ mỗi một nước có đặc điểm riêng và mỗi một khu vực thì đều có nền văn hóa khác biệt như châu Á, châu Âu, Mỹ... Mỗi nước lại có Luật riêng về điện ảnh và truyền hình, nên cũng dẫn đến nhiều sự khác nhau. Nhưng điện ảnh và phim truyền hình ở thời điểm hiện nay thì có một điểm chung đó là tính mở.
Phim truyền hình trên thế giới giờ có rất nhiều thể loại, vì vậy khán giả có thêm các sự lựa chọn mới, mà khi đã có nhiều sự lựa chọn như vậy, thì những nhà sản xuất phim, những nhà đầu tư chắc chắn phải cạnh tranh nhau, thậm chí một cách khốc liệt để làm thế nào để bộ phim của mình có nhiều người xem.
Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn phim truyền hình đều đi vào mảng đề tài gắn liền với cuộc sống, nhiều nhất là về gia đình. Những bộ phim của nước ta đề tài bị lặp lại và chưa có sự đổi mới.
Do đặc thù của thể loại này mà phim truyền hình đã được BGK chấm trước khi LHTHTQ diễn ra. Vậy, anh có thể chia sẻ những nhận xét ban đầu về các tác phẩm dự thi năm nay?
Đạo diễn Trần Lực: Những bộ phim truyền hình dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay đi vào những vấn đề của cuộc sống nhiều hơn, ví dụ như buôn bán phụ nữ qua biên giới, vấn đề của giới trẻ trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là đề tài gắn liền với cuộc sống. Về thể loại phim, có thể kể đến như phim hình sự, tâm lý xã hội, gia đình, phim lịch sử chiến tranh...
Đề tài các bộ phim cũng đã phong phú hơn, nhiều phim đã chú trọng việc hướng tới khán giả. Những bộ phim hành động, hình sự cũng đã phần nào thể hiện được không khí, tinh thần của thể loại này.
Các bộ phim đã có sự sáng tạo, tính nghệ thuật, tính nhân văn, nhiều yếu tố để hấp dẫn khán giả.
Vậy anh có tiêu chí nào riêng khi chấm thể loại Phim truyền hình?
Đạo diễn Trần Lực: Tôi nghĩ một bộ phim hay thì phải có được đủ các yếu tố như kịch bản, đạo diễn, diễn viên và cả các thành viên trong đoàn làm phim. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào đề tài, ví dụ phim lịch sử thì bối cảnh, phục trang… cũng sẽ được để ý tới. Hơn nữa, phim phải mang tính đồng bộ và đạt được mục đích mà người làm phim hướng tới, nêu bật được thông điệp mà bộ phim muốn gửi tới người xem. Hy vọng rằng trong kỳ LHTHTQ năm nay, Ban giám khảo cũng sẽ tìm ra được một tác phẩm thực sự nổi trội.
LHTHTQ lần thứ 34 đánh dấu sự trở lại của dòng phim 1 tập. Anh đánh giá thế nào về dòng phim này?
Đạo diễn Trần Lực:Năm nay, LHTHTQ nhận được số lượng phim một tập khá lớn và đến từ một số Đài truyền hình như VTV, HTV. Tôi thấy phim một tập rất cần đối với truyền hình. Phim dài tập cũng có cái hay, cái riêng nhưng lại cần nhiều thời gian theo dõi. Còn đối với phim một tập, chỉ trong 90 phút đã phải nói đến cả cuộc đời, số phận của nhân vật. Phim phải rất cô đọng và hướng tới tính nghệ thuật nhiều hơn. Người làm phim cần có sự tìm tòi, nghiên cứu để làm sao trong khoảng thời gian ngắn, chuyển tải được câu chuyện, thông điệp của mình. Phim một tập là mảng phim rất cần cho truyền hình, là sự lựa chọn mới cho khán giả. Với phim một tập thì tất cả đều được giải quyết trong thời gian rất ngắn, nhân vật phải bật ra được tính cách, tình huống phải sắc nét, phải gây ấn tượng ngay.
Xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn!