"Dấu ấn Bản Tuyên ngôn" giúp khán giả hiểu thêm chính mình

T.H-Thứ ba, ngày 01/09/2015 07:00 GMT+7

VTV.vn - "Dấu ấn Bản tuyên ngôn" giúp mình hiểu mình ở đâu, mình là ai, mình sinh ra như thế nào và có trách nhiệm hơn với dân tộc - ĐD Quốc Khánh nói về bộ phim VTV Đặc biệt.

Tiếp nối các phim tài liệu đã lên sóng VTV Đặc biệt những tháng trước, bộ phim được lựa chọn trong tháng 9 này - thời điểm cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 - mang tên Dấu ấn Bản Tuyên ngôn. Phim do Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài THVN thực hiện.

Đi theo mạch nội dung trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lối kể chiết tự, với thời lượng 50 phút, bộ phim sẽ mang đến cho khán giả xem truyền hình rất nhiều xúc cảm.

Trước thời điểm lên sóng, nhà báo Nguyễn Quốc Khánh - Đạo diễn của Dấu ấn bản tuyên ngôn đã có những chia sẻ cũng VTV News về quá trình thực hiện bộ phim này.

Ý tưởng về bộ phim này được hình thành như thế nào, thưa anh?

- Đây là bộ phim được đoàn làm phim ấp ủ thực hiện từ lâu bởi nếu tính ra, phim tài liệu làm về ngày Quốc khánh 2/9 rất ít, duy nhất chỉ có bản ghi của một người Pháp thực hiện cách đây khá lâu..

Điều đó có gây nhiều khó khăn cho ê-kíp khi thực hiện bộ phim?

- Cũng không hẳn vậy! Bởi có khi, do không có nhiều phim từng làm về đề tài này nên mình lại có cơ hội tìm ra những điều mới, hay hơn. Vấn đề ở đây là ở sự sáng tạo. Nếu người khác đã làm rồi rồi thì mình phải sáng tạo hơn, tìm ra những cái mới.

Còn nếu xét về khó khăn, thực sự đoàn làm phim phải đối mặt với 2 vấn đề. Đầu tiên là về hình ảnh. Phim tài liệu thường phải có tài liệu tham khảo nhưng những hình ảnh về thời điểm cách đây 70 năm lại rất ít. Khó khăn thứ hai là về mặt nội dung. Bản tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có độ dài 2 trang giấy nhưng lại là đề tài đã được rất nhiều nhà nghiên cứu, tác giả tìm hiểu, phân tích. Tất cả mọi người đều biết về nó. Vì vậy, với một chương trình truyền hình chỉ có thời lượng 50 phút thì việc làm thế nào để khai thác tốt nhất cũng là một bài toán khó.

Anh và đoàn làm phim đã giải quyết những khó khăn này thế nào?

Làm phim tài liệu cũng cần may mắn vì nếu không gặp được vấn đề, nhân vật thì không thể làm được bộ phim hay. Và Dấu ấn Bản Tuyên ngôn không phải là một bộ phim mà chúng tôi gặp may.

Theo dự kiến ban đầu, bộ phim sẽ được ghi hình đa phần tại Mỹ. Tuy nhiên, đúng thời điểm chúng ta chuẩn bị các thủ tục khởi hành thì lại không thể đi được vì hệ thống cấp visa của nước này. Do vậy, kịch bản hiện tại hoàn toàn khác hẳn so với lúc ban đầu. Nơi duy nhất mình đi được là Venezuala. Trong nhiều năm làm nghề, đây là lần tôi không gặp may nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi theo dõi bộ phim, khán giả sẽ không nhận ra được những ảnh hưởng của việc thay đổi đó.

Thêm nữa, với mỗi bộ phim tôi đều cố gắng dồn hết cảm xúc của mình vào đó để làm sao khán giả có thể đến gần và đồng cảm với những điều mình truyền tải. Với Dấu ấn Bản Tuyên ngôn, tôi cũng làm điều tương tự.

Anh đặt kỳ vọng bộ phim của mình sẽ khiến khán giả đồng cảm, có khó quá không?

- Bộ phim này sẽ mang đến cho khán giả nhiều "dấu ấn". Dấu ấn được tôi đề cập ở đây là từ chính những nhân vật trong phim và những câu chuyện mà đoàn làm phim đã ghi lại. Còn với người xem, họ có thể đồng cảm hay chia sẻ được với những điều này không lại do họ quyết định. Chúng tôi chỉ kể câu chuyện sao cho chân thực nhất, gần nhất với cảm xúc khi chúng tôi chứng kiến câu chuyện đó. Đó cũng là trách nhiệm của người làm phim.

Bản thân anh có kỷ niệm đặc biệt nào khi thực hiện bộ phim?

- Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về Bác Hồ nhưng khi làm bộ phim này, những cảm nhận về Bác trở nên thật hơn, không phải chỉ là nghe nữa. Tôi nghĩ mình tiếp tục là người thứ n kể câu chuyện về Bác Hồ. Vấn đề là tôi sẽ kết như thế nào để người sau mình có thể lần mò được những điều mới.

Trong bộ phim này kể rất nhiều câu chuyện tại Venezuela. Tôi bất ngờ khi không phải một vài mà rất nhiều người đang sống cách chúng ta nửa vòng trái đất lại tôn sùng và ngưỡng mộ Bác Hồ đến vậy, kể cả khi chưa một lần gặp. Tôi cảm giác Bác như một thứ “tôn giáo” trong tâm hồn họ.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất sau khi làm bộ phim này là tôi đã hiểu hơn về những điều Bác nói. Càng nghiên cứu sâu, tôi càng cảm thấy rõ sự vĩ đại của Bác. Một câu nói của Bác có thể cả đời mình mới hiểu được, một chữ Bác đưa ra có thể khiến nhiều thế hệ phải thật chuyên tâm mới hiểu hết triết lý từ nó, từ "đồng bào" được Bác Hồ sử dụng trong Bản Tuyên ngôn độc lập là một ví dụ điển hình cho điều đó.

Dường như bộ phim này đã để lại trong anh rất nhiều cảm xúc. Vậy anh hy vọng khán giả sẽ có cảm xúc gì khi theo dõi tác phẩm của mình?

- Làm phim là sự tinh tế tới từng chi tiết một. Vì vậy, để khám phá những yếu tố hấp dẫn của bộ phim này thì có lẽ khi xem, khán giả sẽ có cảm nhận chính xác nhất. Bộ phim này không có nước mắt mà sẽ khiến khán giả suy ngẫm nhiều hơn.

Con người có nhiều cảm xúc nhưng yếu tố dễ khai thác nhất là nỗi buồn. Điều đó không có nghĩa là mình không nên tìm kiếm những cảm xúc khác. Vì vậy, trong Dấu ấn Bản tuyên ngôn, chúng tôi mang tới cả niềm tự hào và biết ơn của những thế hệ đi sau dành cho thế hệ trước.

Không chỉ vậy, đó còn là cảm xúc của người con hiểu rõ hơn về câu chuyện mà cha mẹ mình đã làm. Cảm xúc đó giúp mình hiểu mình ở đâu, mình là ai, mình sinh ra như thế nào và có trách nhiệm hơn với dân tộc.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Phim tài liệu Dấu ấn Bản Tuyên ngôn được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt vào 20h05 ngày 1/9 trên kênh VTV1. Phim cũng sẽ được phát trên các kênh VTV2, VTV3, VTV4, VTV6 ở nhiều khung giờ khác nhau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online VTV1!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước