Lần đầu tiên đảm nhận vị trí giám khảo tại một kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng thổ lộ anh cảm thấy có phần lo lắng nhưng cũng hết sức háo hức trước vinh dự lớn này.
“Ngay từ khi bắt đầu công tác ở Đài THVN, tôi luôn háo hức trước mỗi kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc và không biết Ban của mình có tác phẩm nào được dự thi hay không. Đến dự Liên hoan đã là một vinh dự lớn, được mời tham gia làm giám khảo, tôi vừa cảm thấy may mắn, vừa cảm thấy mình sẽ phải gánh vác một trách nhiệm to lớn. Trước khi liên hoan bắt đầu, tôi cũng hơi lo lắng nhưng cũng cảm thấy vô cùng háo hức” - đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng cho biết.
Từng tham gia sản xuất một số chương trình ăn khách như "Vườn cổ tích" hay "Đồ Rê Mí", đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ quan điểm về cách đánh giá một tác phẩm truyền hình hay dành cho trẻ em: “Để nói về tiêu chí cụ thể thì rất khó. Trẻ em xem chương trình thiếu nhi không chỉ vì hình ảnh bắt mắt, âm nhạc sinh động hay những người xuất hiện trong chương trình cười nói vui vẻ mà là tổng hòa của rất nhiều mối quan hệ. Đối với truyền hình hiện đại bây giờ, chương trình thiếu nhi phải thực sự để cho thiếu nhi xem. Các chương trình thông thường hay nhầm lẫn giữa tính định hướng, giáo dục, thẩm mỹ và đôi khi lại thành một tác phẩm dành cho người lớn xem. Vì vậy, điều quan trọng nhất là dù hình thức chương trình như thế nào thì đối tượng vẫn là trẻ em”.
“Chúng ta cần phải hiểu trẻ em suy nghĩ như thế nào. Ví dụ, khi chúng tôi làm chương trình Đồ Rê Mí, mọi người thắc mắc rằng ‘trẻ con thế này lớn quá’ nhưng nếu tiếp xúc trực tiếp với các cháu thì có thể thấy trẻ em bây giờ 'khôn' hơn thời trước khá nhiều. Nhận thức, tiếp nhận về truyền thông của trẻ em hình thành từ rất sớm nên người làm chương trình cần sản xuất nhưng tác phẩm đúng với sở thích, ý muốn của các cháu” - đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng khẳng định.
Anh cũng cho rằng, ngoài yếu tố giải trí, các chương trình thiếu nhi cần chú trọng đến tính định hướng giáo dục: “Những người có ý thức làm chương trình thiếu nhi luôn đặt ra mục tiêu cuối cùng là tính giáo dục để truyền thông điệp dành cho trẻ em. Nhưng nếu không có tính giải trí, hấp dẫn thì trẻ em không bao giờ xem. Mức tiếp cận đầu tiên của một chương trình giống như một chiếc áo nên trước tiên cần phải đẹp; còn nếu 'chiếc áo' đó tốt, bền và mặc lúc nào cũng được thì các cháu sẽ dần dần nhận ra”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!