ĐD Lại Bắc Hải Đăng: Điều ước thứ 7 mang lại nhiều cảm xúc cho nhóm thực hiện

Lê Hoa - Ảnh: Hải Hưng-Thứ sáu, ngày 18/04/2014 06:10 GMT+7

Mới “trình làng” trên sóng VTV3 từ cuối tháng 3, Điều ước thứ 7 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Mới “trình làng” trên sóng VTV3 từ cuối tháng 3, Điều ước thứ 7 (phát sóng lúc 13h vào thứ Bẩy hàng tuần) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Với việc thực hiện những ước mơ cụ thể của những nhân vật có đời sống nội tâm đẹp, có câu chuyện cá nhân lay động lòng người, chương trình là món quà cho niềm tin yêu cuộc sống của khán giả. VTV Online đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng – Trưởng phòng Ý tưởng và Tổ chức sự kiện – về những chuyện hậu trường của chương trình.

PV: Điều ước thứ 7 vừa ra đời và nhận được nhiều sự chú ý của khán giả bởi ý nghĩa nhân văn của nó. Ý tưởng thực hiện chương trình này xuất phát từ đâu, thưa anh?

Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng: Ban đầu, tên chương trình của chúng tôi là Điều ước số 8 và chỉ tập trung vào đối tượng phạm nhân, bắt nguồn từ một ý tưởng của một cộng tác viên trong phòng. Bạn ấy xem một bộ phim của Hàn Quốc, trong đó người ta tặng một món quà cho người phạm nhân là một đứa bé. Thực ra ý tưởng đó không mới, vì nó khá giống một vài chương trình đã tồn tại. Vấn đề chính là khi đặt vấn đề với Bộ Công an, họ rất nhiệt tình nhưng theo họ chỉ phù hợp làm một tháng một số hoặc một quý một số bởi có nhiều lí do về an ninh, nhận thức để tuần nào cũng làm một số. Ban biên tập đã họp bàn và chuyển hướng là thực hiện điều ước cho nhiều đối tượng, trong đó có cả phạm nhân. Và Điều ước thứ 7 ra đời.

Chương trình Điều ước thứ 7 đã mang lại nhiều cảm xúc nhất cho tất cả nhóm thực hiện. Và trùng hợp là khi chương trình ra đời đúng dịp thành lập VTV3, nên không chỉ bản thân chúng tôi mà ngay cả lãnh đạo cũng thích làm điều gì đó khác lạ. Lãnh đạo Ban đã xác định sẽ làm chương trình đề cao tính nhân văn, là nơi để khán giả trút bầu tâm sự, đặt ra các điều ước mà họ muốn thực hiện được và chương trình sẽ thực hiện giúp họ. Sẽ có những điều ước rất nhỏ như một em bé ước mơ thành ca sỹ hay một người nghệ sỹ già mong một lần nào đó trước khi tạm biệt cuộc đời có thể đứng trên sân khấu hát, hay là lời nói xin lỗi của người con gửi cho bố mẹ…

Đó là những điều ước có thể rất nhỏ hay lớn nhưng điều quan trọng là khi khán giả xem sẽ tạo ra sự lạc quan và muốn cảm thấy sẵn sàng tin tưởng cho điều xảy ra tiếp theo. Chúng tôi không đi vào những chương trình như thông tin cho xã hội biết những hoàn cảnh cần được giúp đỡ để xã hội quan tâm mà chỉ đặt ra mục tiêu tích góp lại những điều ước nhỏ nhoi mà nó có thể trở thành sự thật trong cuộc sống.

Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, những người đi học ở nước ngoài trở về đôi khi muốn thực hiện những điều quá to tát? Và thực tế, chương trình Điều ước thứ 7 đã không thể đi theo đường ray ban đầu mà nhóm đã vẽ ra.

Tôi không nghĩ như vậy. Như tôi đã chia sẻ, ý tưởng ban đầu xuất phát từ một bạn cộng tác viên trong phòng. Thêm nữa, khi mới xây dựng format chương trình với đối tượng là các phạm nhân đang trong thời gian cải tạo, chúng tôi đã nghĩ là mới. Nhưng khi xây dựng xong, làm việc với một số bộ phận, chúng tôi phát hiện ra đã có nhiều chương trình làm về phạm nhân trên VTV. Thực tế, chương trình này được xây dựng từ những chương trình được xem và đã có.

Và chúng tôi đã học hỏi một số format nước ngoài về hình thức thể hiện. Người Nhật và Hàn Quốc có một khuynh hướng sáng tác format trên thế giới rất mạnh. Họ không mất tiền mua mà lấy chương trình này một ít chương trình kia một ít bằng văn hóa của họ và đẩy lên thành chương trình mới và họ lại bán khắp thế giới. Đấy là xu hướng, thậm chí học thuật thế giới phải nghiên cứu xem tại sao Hàn Quốc và Nhật Bản làm giỏi như thế.

Ở góc độ người Việt Nam, việc cảm thấy giống có thể bị gọi là ăn cắp bản quyền, nhưng người Nhật và Hàn Quốc làm rất đúng luật, họ coi việc lấy và biến đổi thành cái mới là chuyện bình thường. Tương tự như vậy, trong phần thể hiện chương trình, chúng tôi đã xem một số chương trình của nước ngoài và có học hỏi một số thủ pháp. Nó cũng giống như việc tôi muốn quay một chương trình cũng chỉ có cảnh toàn, trung, cận, lia, zoom, dùng flying cam… Và việc tôi chọn cái gì vào chương trình của mình cho phù hợp là quyền cá nhân, không ai nói được.

Cụ thể của sự học hỏi ấy trong chương trình này sẽ như thế nào, thưa anh?

Ở chương trình này, chúng tôi chú trọng xây dựng các chi tiết giống như người ta xem các bộ phim hình sự, đi từ tình tiết này, vật chứng kia rồi mới ra tình huống này, nếu không phải là thủ phạm lại đi tìm sang một cái khác, cuối cùng mới tìm ra đúng đường dây của nó. Chúng tôi đã xem một số chương trình và thấy họ làm rất tốt việc thay vì để người làm chương trình tìm hiểu điều ước như gọi điện và bí mật gặp người thân của nhân vật, tất cả những việc đó chúng tôi sẽ thể hiện cho khán giả thấy, chứ khán giả không chỉ thấy nhân vật, biết được điều ước của họ, tìm cách thực hiện điều ước và nhân vật bất ngờ rồi chấm hết.

Chúng tôi sẽ đi từ những cái nho nhỏ, làm sao để tìm thấy điều ước của nhân vật. Ví dụ trong chương trình đầu tiên, phải làm sao để nhân vật nữ xuất hiện bất ngờ trước mặt phạm nhân. Rồi bố trí máy quay thế nào để các nhân vật có thể biết đến máy quay nhưng không bị ảnh hưởng bởi nó. Rồi tình huống diễn ra, phạm nhân đang làm gì khi cô này đến? Phản ứng của nhân vật nữ và phạm nhân ra sao? Tất cả bố trí lo lắng ấy chúng tôi sẽ phải thể hiện cho khán giả thấy. Để rồi khi câu chuyện diễn ra lại rất đơn giản. Khán giả sẽ thấy sự lo lắng nhiều quá nhưng cuối cùng nó lại không có gì. Đó là một giải pháp về mặt gây hiệu ứng thu hút với khán giả và cũng là điều chúng tôi học tập từ các chương trình nước ngoài.

Vì chúng tôi mới tập làm nên dự định thì to tát thế nhưng khi lên sóng hiệu ứng có thể rất nhỏ nhưng đó là hướng đi chúng tôi muốn làm. Đối với thể loại chương trình khác, chúng tôi chỉ gọi người chơi vào và buộc cho người ta cái mic là xong, hỏng thì quay lại. Đây thì không, chúng tôi phải bí mật nhất có thể, tránh người ta bị ảnh hưởng.

Tức là chương trình sẽ hoàn toàn thực tế và không có sự sắp xếp?

Chúng ta thường bị nhầm lẫn giữa truyền hình thực tế và tài liệu truyền hình. Tài liệu truyền hình là thật như thế nào, người ta sẽ quay cái thật đấy. Tất nhiên nó có cái không thật là góc nhìn và cách dựng của tác giả. Nhưng những diễn biến là thật hoàn toàn và phải xảy ra trong cuộc sống. Còn truyền hình thực tế là đẻ ra các tình huống có thể thật hoặc không thật nhưng phản ứng của nhân vật trong đó là thật với tình huống ấy. Cũng giống như chương trình Big Brother, việc tự dưng có rất nhiều người không quen biết đến ở trong một ngôi nhà đâu có thật. Nhưng khi đến đấy và phải ở trong vòng bao nhiêu ngày thì phản ứng hàng ngày của họ dần dần sẽ trở thành phản ứng thật.

Nhiều người vẫn chưa hiểu ý nghĩa của tên chương trình, anh có thể giải thích rõ hơn được không?

Chúng tôi chọn tên chương trình là Điều ước thứ 7 bởi vì nó phát sóng vào ngày thứ Bảy. Con số 7 cũng là con số đặc biệt như 7 ngày trong tuần, 7 sắc cầu vồng, 7 màu, chiếc xương sườn thứ 7. Hay đối với lĩnh vực nội thất nhà, con số 7 cũng rất quan trọng. Nói chung, chúng tôi không nghĩ quá nhiều đến lý do nhưng đầu tiên đó là ngày phát sóng. Và thứ hai là nghĩ ngay đến những thứ đẹp như Bảy sắc cầu vồng – một hình ảnh lung linh, gắn với mơ ước.

Anh đã gặp những khó khăn nào khi đề xuất ý tưởng thực hiện Điều ước thứ 7?

Có những khó khăn mà người trong cuộc rất khó để chia sẻ với khán giả. Như tìm nhân vật để không biến chương trình thành chương trình của những tấm lòng hảo tâm. Có 8 BTV được lãnh trách nhiệm tìm, nhưng lúc đầu, chỉ có 5 BTV là có câu chuyện khả thi, còn 3 BTV vẫn đang chơi vơi mà kế hoạch sản xuất đã được ấn định. Thiết bị kĩ thuật cũng là một vấn đề. Ví dụ như ở nước ngoài, thiết bị họ mạnh đến mức có nguyên một phòng điều khiển. Họ định quay khu vực bãi sông thì họ lắp một phòng điều khiển bí mật ở đấy. Máy quay của họ đều không dây, đi đâu cũng quay được và truyền hết về phòng điều khiển, từ đó, đạo diễn, kĩ thuật viên có thể kiểm soát được.

Chúng tôi thì hoàn toàn không có và đang sử dụng các màn hình nối với máy quay. Khi di chuyển thì phải dứt dây nối ra, chạy di chuyển theo nhân vật và đôi khi mất điều khiển. Lần đầu tiên chúng tôi làm, đạo diễn hình đã bỏ cả phòng điều khiển, chạy ra ngoài để kiểm soát được quay phim. Âm thanh cũng là vấn đề. Chúng tôi cũng được trang bị một số thiết bị mới nhưng với đặc thù chương trình này tôi nghĩ là chưa đủ, rất dễ có những chương trình phải đánh phụ đề cho khán giả.

Và cái khó nhất là làm sao để thật nhất? Trong chương trình đầu tiên, chúng tôi phải tính toán trước cuộc gặp gỡ giữa vợ nạn nhân và phạm nhân, phải phỏng vấn và chuẩn bị để người ta có tâm lí tốt để hôm sau gặp nhưng lại không được phép để cho nhân vật biết. Khó khăn nữa là chúng tôi không lường trước hết được những sự cố phát sinh trong khi thực hiện. Ví như trong cảnh quay phạm nhân đi cuốc đất, chúng tôi đã bố trí máy nhưng đến khi quay thì họ lại cuốc theo hướng ngược lại máy quay. Nếu như những chương trình bình thường thì chúng tôi hoàn toàn có thể ra nói họ quay lại. Nhưng vì muốn mọi thứ diễn ra tự nhiên nên chúng tôi phải tìm cách xoay sở để “lừa” nhân vật quay lại.

Đó là khó khăn, còn thuận lợi thì sao?

Thực ra đến giờ chúng tôi chưa nhìn thấy thuận lợi. Bởi đây là chương trình khó làm. Thường chúng tôi quen với chương trình theo format, sản xuất hàng tuần rất dễ làm. Nhưng ở đây thì mỗi người một câu chuyện, mỗi người một ước mơ, mỗi người một địa phương. Câu chuyện của mỗi nhân vật sẽ được thực hiện như một bộ phim, không thể có format cứng được.

Nhưng để nói thuận lợi trong từng số thì có. Ví dụ số đầu tiên thuận lợi là có thư mời của trại giam Thủ Đức mời nhà báo Lại Văn Sâm tham dự hội nghị tổng kết những bức thư gửi lời xin lỗi của phạm nhân dành cho những người nhà nạn nhân và chúng tôi biết được nhân vật ấy. Đồng thời, Trại giam Thủ Đức cũng như Tổng cục 8 của Bộ Công an rất nhiệt tình hỗ trợ trong việc thực hiện chương trình. Phải nói là đợt số 1 chúng tôi chọn đối tượng rất khó làm nhưng ngược lại cũng dễ làm bởi vì có sự hỗ trợ tối đa. Còn các câu chuyện sau này chúng tôi tự túc hết, tôi nghĩ là sẽ… căng.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước