Mẹ chồng - nàng dâu: Vấn đề muôn thuở
Chào Thu Quỳnh, bộ phim Sống chung với mẹ chồng đang gây bão dư luận bởi động chạm đến vấn đề mà ai cũng phải trải qua. Cơ duyên nào khiến Quỳnh nhận vai Trang trong bộ phim này?
Quỳnh đã nhận được lời mời thử vai của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Khi đọc kịch bản Quỳnh rất thích vì câu chuyện phim rất cuốn hút. Và đây cũng là cơ hội để mình quay trở lại màn ảnh nhỏ sau một thời gian dài vắng bóng.
Trang là một nhân vật cá tính và sắc sảo, bạn đã thể hiện rất thành công vai diễn này. Ở ngoài đời, Quỳnh là một người phụ nữ thế nào?
Mình và Trang giống nhau ở điểm đều là người trẻ tuổi, có lý tưởng sống và cách nghĩ hiện đại nhưng lại khác nhau về cách giải quyết và định hướng cuộc sống. Trong khi Trang là cô gái luôn áp đặt mọi người theo mình, kể cả mẹ chồng thì mình ngoài đời mình lại tìm cách cân đối cuộc sống, dĩ hoà vi quý với các mối quan hệ. Mình lắng nghe nhiều hơn…
Nhiều người sau khi xem phim không đồng tình khi cho rằng phim đã phản ánh một cách tiêu cực về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Bạn nghĩ sao về ý kiến này?
Có nhiều khán giả nói rằng phim phi thực tế nhưng cũng không ít khán giả cho biết họ thấy chính mình trong phim và rất đồng cảm... Bởi vậy mà chuyện giữa mẹ chồng - nàng dâu mới là vấn đề muôn thuở. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, chỉ có điều bạn chưa gặp phải những tình huống trớ trêu nên chưa tin... Phim đưa ra những sự việc như vậy là để chúng ta cùng nhìn nhận, Quỳnh tin là qua một vài tập nữa khán giả sẽ có suy nghĩ khác.
Thu Quỳnh trong phim Sống chung với mẹ chồng
Hôn nhân không phải là một trò chơi
Hiện tại, bạn và chồng cũ cư xử với nhau ra sao sau những sóng gió hôn nhân?
Mình và người cũ cùng nhau chăm sóc con và thiện chí trong chuyện này. Cuối cùng, cả hai người cùng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, mình nghĩ đó là cách cư xử văn minh nhất hậu ly hôn.
Theo bạn, nguyên nhân nào khiến hôn nhân tan vỡ?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ. Trong mỗi cuộc hôn nhân thất bại đều có những lý do riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Để giữ được sự bền vững trong hôn nhân cần phải có sự chung tay vun đắp của cả hai người, sự cảm thông, chia sẻ và rất nhiều những gia vị khác nữa.
Cuộc hôn nhân của mình đổ vỡ vì nhiều yếu tố, quan trọng nhất là không nên đổ lỗi cho người khác quá nhiều. Nếu ai cũng nhận mình đúng thì ai sẽ là người sai? Vấn đề của người trẻ trong hôn nhân (trong đó có Quỳnh) là câu chuyện của sự va vấp để trưởng thành, học cách chịu đựng, học cách bao dung, học cách đứng dậy sau vấp ngã.
Trên hết, tình yêu là câu chuyện của hai người nhưng hôn nhân thì luôn là câu chuyện của hơn hai người. Bạn đồng ý đeo vào tay chiếc nhẫn cưới và thề nguyền bên nhau trọn đời, để hai bên họ hàng chứng giám cho hôn nhân của bạn thì điều đó có nghĩa là bạn phải học cách sống khác đi, biết chia sẻ, biết cảm thông, biết nhẫn nại và dành niềm tin đúng chỗ.
Không chỉ với phụ nữ mà đàn ông cũng thế. Ai cũng phải học cách trưởng thành trong hôn nhân, dù bạn có lấy một đời chồng/vợ hay vài đời chồng/vợ thì cũng vẫn phải học cách dung hòa bởi vì hôn nhân không phải một trò chơi, thích là lấy - chán là bỏ. Nếu như không dung hòa được, không kiên nhẫn được và hết yêu - hết thương, hết tình - hết luôn cả nghĩa, lúc ấy hãy nghĩ đến buông tay.
Sau tất cả, Quỳnh không còn muốn đổ lỗi cho ai cả. Mình đã đi qua giông bão và tìm thấy bình yên!
Trải qua nhiều chuyện không vui trong hôn nhân, Quỳnh nghĩ gì về hôn nhân hiện tại? Nếu có một người đủ để bạn tin, bạn có muốn kết hôn lần nữa không?
Dù đã biết đau đủ để phải "cảnh giác" với đàn ông, nhưng mình vẫn có niềm tin vào hôn nhân. Hôn nhân không đáng sợ nếu cả hai người cùng tôn trọng và thỏa hiệp với nhau ngay từ đầu, mình nghĩ chìa khóa của hôn nhân hạnh phúc là: tình yêu + thỏa hiệp + tôn trọng + bao dung + biết cách yêu bản thân mình.
Làm thế nào để học được cách yêu bản thân mình trong hôn nhân?
Với Quỳnh, việc mình ý thức được giá trị của bản thân, có chính kiến, sống biết điều nhưng không mù quáng, biết chăm sóc vẻ bề ngoài, làm những việc mình thích, thi thoảng cứ "lười nhác" nếu muốn, cân bằng giữa việc chăm sóc bản thân và chăm sóc gia đình. Gia đình bạn không thể ổn nếu như bạn không ổn, bạn không thể mang đến cho người khác niềm vui nếu như bạn không vui…
Mình phải yêu mình thì người khác mới yêu mình được, mình vui thì con mình mới vui. Và khi ấy, hôn nhân không phải là sự chịu đựng hay hi sinh của người phụ nữ nữa, mà họ sẽ làm điều tốt nhất cho gia đình họ một cách chủ động với niềm vui, sự thỏa mãn, an yên tự đáy lòng.
Quỳnh đã là mẹ của một cậu con trai, sau này Quỳnh cũng sẽ là mẹ chồng, Quỳnh sẽ muốn cư xử với con dâu của mình như thế nào?
Chuyện này còn xa lắm mới tới! Mình chưa biết mình sẽ thế nào khi "người tình trăm năm" của mình ở bên một người con gái khác đâu, chỉ biết bây giờ cứ muốn cậu ấy cứ bé nhỏ để mình ôm ấp mãi thôi! (Cười) Mình sẽ trở thành một bà mẹ chồng như thế nào ấy à? Chắc cũng như những lần đầu chập chững, phải học làm mẹ, học làm vợ thì đương nhiên cũng phải học cách làm mẹ chồng "chuẩn 10" rồi, mỗi khi định trách con trai hay con dâu chắc cũng phải hoài niệm lại bản thân mình một chút để bao dung hơn với hai đứa và bao dung với cả chính mình nữa. Học thành người biết điều là bài học cả đời mà…
Cảm ơn và chúc bạn nhiều niềm vui trong cuộc sống!
Quý vị độc giả có thể xem thêm thông tin và tương tác với các bộ phim trên sóng VTV qua Fanpage VTV Phim của Đài Truyền hình Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!