Từng là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh của một trường Đại học có tiếng ở TP.HCM, Trần Hà Duy (sinh năm 1989) không may vướng vào vòng lao lý với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy. Tháng 3/2012, trong phiên sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM, Hà Duy phải nhận mức án chung thân và bị nâng lên mức án tử hình trong phiên tòa phúc thẩm sau đó.
Đến đầu năm 2013, Trần Hà Duy nhận được quyết định ân xá của Chủ tịch nước, giảm mức án từ tử hình xuống chung thân. Đó cũng là kết quả của những ngày nắng mà cha Duy cầm đơn đi gõ cửa từng nơi, thu thập chữ ký của thầy cô và bạn bè tại những ngôi trường Duy từng theo học, chữ ký của những đứa trẻ mồ côi Duy từng dạy miễn phí ở chùa, của những CLB Duy từng là thành viên hoạt động tích cực, của hội cựu chiến binh và các cơ quan đoàn thể nơi Duy từng sống...
Câu chuyện của Trần Hà Duy còn đau lòng hơn khi chính cô, vì nhẹ dạ, đã kéo em gái ruột vào con đường phạm tội. Theo lời kể của Hà Duy, trong một lần đi xe bus, cô quen một người ngoại quốc tên Francis. Sau đó, Francis chủ động gọi điện thoại đề nghị Duy vận chuyển hàng mẫu quần áo, giày dép cho công ty của hắn với số tiền công khá lớn. Mỗi chuyến, Francis trả Duy 500 USD nếu đi Malaysia và 1.000 USD nếu đi Cotonou (Benin). Tự thấy kiếm tiền quá dễ, Duy nhận lời mà không hay biết những nguy hiểm và cạm bẫy đang rình rập. Sau này, Duy rủ thêm Tiên và một người bạn khác cùng tham gia.
Hai chị em Trần Hà Duy và Trần Hạ Tiên được giam tại hai nơi khác nhau (Ảnh: Fanpage Điều ước thứ 7)
Tháng 7/2011, Tiên mang chiếc vali quần áo, giày dép từ Cotonou về Việt Nam thì bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ. Biết tin, Duy thấy tim mình đau thắt và vội vàng trở về Việt Nam từ Phnompenh (Campuchia) để cứu em. Thời điểm đó, Francis đã cao chạy xa bay nên mọi trách nhiệm đổ dồn lên Duy. Ngày Duy bị xét án chung thân cũng là lúc Tiên nhận mức án 20 năm tù. Duy hiện đang cải tạo tại trai giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) còn Tiên thụ án tại trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). 4 năm xa em, không ngày nào Duy thôi nghĩ về Tiên với nỗi dằn vặt của "tòa án lương tâm". Càng dằn vặt hơn khi những lá thư Duy viết cho Tiên không hề có hồi âm, cùng với đó là ước mong một ngày sẽ có phép màu giúp hai chị em cô được đoàn tụ bên gia đình...
Câu chuyện về những sai lầm của một thời tuổi trẻ, về những nỗi dằn vặt và ước mơ nhỏ bé của Trần Hà Duy đã thôi thúc ê-kíp sản xuất của Điều ước thứ 7 mang đến một món quà giúp Duy bớt mặc cảm, sống nhẹ nhàng hơn và cải tạo tốt. Điều ước lần này mà chương trình thực hiện cho Hà Duy cũng như một lời cảnh tỉnh những người trẻ chớ bước chân vào con đường lầm lỗi để rồi hủy hoại tương lai của chính bản thân mình.
Hà Duy chưa một ngày nào ngừng dằn vặt lương tâm (Ảnh: Fanpage Điều ước thứ 7)
Hà Duy bật khóc nức nở khi được gặp lại bố mẹ và 2 em (Ảnh: Fanpage Điều ước thứ 7)
Chương trình lần này còn đặc biệt hơn khi 2 năm trước, điều ước đầu tiên mà ê-kíp thực hiện cũng được ghi hình tại trại giam Thủ Đức với ước mong nhận được sự tha thứ từ gia đình người bị hại của phạm nhân Trần Chinh. Đây cũng là câu chuyện đầu tiên được Điều ước thứ 7 gửi tới khán giả truyền hình.
Mời quý vị cùng xem lại chương trình Điều ước thứ 7 tuần này qua video dưới đây để lắng nghe những phút trải lòng của nữ tù nhân 27 tuổi cùng niềm hạnh phúc được gặp gia đình dù chỉ trong những phút ngắn ngủi:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!