Những cây cầu được kể trong Du xuân 2023 có thể ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu hết những giá trị xung quanh các cây cầu đó. Câu chuyện của Du xuân hấp dẫn khán giả qua hình thức phục dựng làm sống lại các giá trị lịch sử, qua trò chuyện của người dẫn chương trình với khách mời hay qua các phóng sự được thực hiện công phu.
Dù là những cây cầu ngói cổ, hay một cây cầu sắt hiện đại văn minh do người ngoại quốc xây dựng, nó vẫn gắn bó chặt chẽ với tiến trình lịch sử, văn hoá, con người Việt Nam. Bắt đầu từ hình dáng đặc biệt, kiến trúc, lịch sử..., sâu xa hơn, chương trình Du xuân 2023 khắc họa cây cầu là biểu tượng của sự gắn kết, là nhịp nối giữa đôi bờ sông. Có những cây cầu ẩn chứa những giá trị văn hoá, lịch sử sâu sắc, là biểu tượng của cả một địa phương, một vùng miền. Có những cây cầu còn nối liền đôi bờ đất nước, là khát khao của sự hòa bình, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là câu chuyện tình yêu đẹp đẽ cao cả của những đôi lứa yêu nhau phải chia xa vì chiến tranh, nhưng họ quyết hi sinh cả thanh xuân cho độc lập của Tổ quốc. Cây cầu là mạch nối, là sự tiếp biến văn hoá, đời sống của cư dân địa phương gắn liền với câu chuyện ngày xuân.
Dân gian có câu Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài, để thấy rằng xứ Sơn Nam xưa (vùng Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay) là vùng có nhiều cầu đẹp nhất nước ta. Đây vốn là vùng chiêm trũng, nhiều sông ngòi và hay lụt lội nên con người đã sớm hoàn thiện kĩ thuật xây dựng và làm thăng hoa nghệ thuật kiến trúc cầu, nổi bật là cầu đá và cầu ngói.
Du Xuân: Chuyện những cây cầu
Du xuân 2023 đã dẫn dắt khán giả đến với cây cầu ngói Chợ Lương (xây dựng đời Hồng Thuận nhà Lê (1509-1515) thuộc vùng đất Quần Anh, hiện là xã Hải Anh, cái nôi hình thành nên huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định hiện nay. Cây cầu không chỉ mang những giá trị lịch sử mà về kiến trúc, mỹ thuật, đây cũng được xem là một trong những giá trị thuần Việt nhất còn tồn tại cho đến tận ngày này.
Khách mời của chương trình - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ đã cung cấp những thông tin về lịch sử ra đời của cầu ngói chợ Lương có lịch sử đã 5 thế kỉ này. Bên cạnh đó, kiến trúc sư - nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Hiệp đã đem đến cho khán giả nhiều thông tin về đặc trưng kiến trúc Việt mà cụ thể là đồng bằng sông Hồng của cầu ngói Chợ Lương qua cách tiếp cận lí luận mĩ thuật mới mẻ và thú vị - nghệ thuật dưới góc độ di truyền.
Nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà văn Mai Tiến Nghị đem đến những câu chuyện thú vị về kỉ niệm với cây cầu ngói quê hương - nơi khơi nguồn cảm hứng cho thơ ca, sáng tác văn học của họ.
Điểm đến thứ hai của chương trình Du xuân 2023 là Chùa Cầu (Hội An) - một biểu tượng của giao lưu văn hoá. Đúng như tên gọi của nó, đây là một ngôi chùa nằm trên chiếc cầu Cầu, bắc ngang một con lạch nhỏ, trong khu phố cổ. Căn cứ vào văn bia tại cầu và những nguồn tài liệu khác, cầu được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, do các thương nhân Nhật Bản đầu tư vốn, thiết kế và thợ mộc Việt tại Hội An thi công. Chùa Cầu có rất nhiều tên gọi như cầu Nhật Bản (cầu của người Nhật Bản), Chùa Cầu (cầu được xây dựng gắn liền với chùa), Lai Viễn Kiều (do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt năm 1719) tức cầu của người phương xa đến. Chùa Cầu cổ kính trầm mặc, nơi ẩn chứa bao câu chuyện huyền bí mang màu văn hóa tâm linh, như một chứng nhân, chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của lịch sử, là dấu ấn giao thoa của nhiều nền văn hóa độc đáo.
Để giúp khán giả hình dung được lịch sử của Chùa Cầu, ekip sản xuất của BTV Lan Hương đã đầu tư công phu vào các cảnh quay phục dựng như: cảnh người ngoại quốc đến Hội An; cảnh trồng dâu nuôi tằm, se tơ dệt lụa tại Mã Châu; Cảnh chúa Nguyễn Phước Lan đi thuyền trên sông gặp gặp Đoàn Thị Ngọc trên bãi dâu; cảnh buôn bán lụa tấp nập ở làng lụa Hội An xưa... Tất cả những cảnh phục dựng này đòi hỏi phải có đông đảo diễn viên quần chúng trong những bộ trang phục xưa, với các đạo cụ không hề dễ kiếm. Tuy nhiên, với một người giàu kinh nghiệm làm phục dựng như BTV Lan Hương, chị đã nhanh chóng xoay sở, giải được bài toán khó mà chính ekip đặt mình vào thử thách. Mục đích cuối cùng là cống hiến cho khán giả những hình ảnh độc - đẹp - và quan trọng là hiểu lịch sử một cách trực quan nhất.
Chương trình còn đem đến cho khán giả câu chuyện về cầu Trường Tiền nối liền đôi bờ sông Hương ở Huế. Cây cầu này là một bước phát triển đột phá trong công nghệ xây dựng cầu sắt không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới. Theo ghi chép trong Châu bản Triều Nguyễn thì việc xây cầu không những đã được đem ra bàn bạc triều đình nhà Nguyễn, mà đích thân vua Thành Thái còn yêu cầu Toàn quyền Đông Dương đóng góp kinh phí xây dựng cầu...
Tiếp đó là cầu Hiền Lương bắc qua bờ sông Bến Hải - cây cầu của tình yêu và khát vọng gắn liền với một gia đoạn lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Trong hai mươi năm, từ năm 1954 đến 1975, nó là biểu tượng của sự chia cắt, để rồi giờ đây, cây cầu là biểu tượng của thống nhất, của hòa hợp dân tộc. Cũng ở đó, là biết bao câu chuyện tình đẹp của những người con trai, con gái anh hùng, vì nước quên thân, giờ đây, họ đã là những cụ ông, cụ bà...
Và cuối cùng là cầu Long Biên (Hà Nội) - cây cầu của ký ức và những khoảng khắc lịch sử, chứng kiến mọi thăng trầm của Thủ đô.
Du xuân 2023 - Chuyện những cây cầu không chỉ là câu chuyện thưởng ngoạn, trải nghiệm đầu năm mới qua những miền đất, những cây cầu mà trong hành trình đón xuân ấy, bằng những câu chuyện lịch sử, những ý nghĩa văn hoá... Với sự dẫn dắt của các MC cùng với những hình ảnh được quay công phu, đẹp như phim điện ảnh, khán giả sẽ như được bước đi trên mỗi cung đường của ký ức, của lịch sử qua những cây cầu. Du xuân là một hành trình ôn cố tri tân, giúp con người Việt Nam không chỉ yêu những cây cầu của lịch sử mà còn là văn hoá, lịch sử, con người Việt Nam.
Một chương trình công phu, giàu chất liệu, được thể hiện sinh động, với những cảnh quay đẹp, Du xuân 2023 là món quà thú vị trong ngày Tết dành cho khán giả trên sóng VTV2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!