Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11

Giang Châu-Thứ tư, ngày 08/11/2023 15:01 GMT+7

VTV.vn - Ba nhân vật ở 3 miền của Tổ quốc sẽ mang đến những câu chuyện khác nhau, bất ngờ và xúc động về hành trình “gieo chữ” đặc biệt.

Có ai đó đã nói, nghề dạy học như nghề chèo đò đưa khách sang sông. Và người ta ví von, mỗi thầy, cô giáo như những người lái đò cần mẫn, chở biết bao thế hệ học trò cập bến đỗ tương lai. Trong Việc tử tế tháng 11, khán giả sẽ được gặp gỡ những người lái đò đặc biệt trên khắp cả nước, trong đó, có một người lái đò sông Đà thực thụ, cần mẫn chở học sinh qua sông đến trường.

"Con đò năm tháng" cũng sẽ là chủ đề của chương trình Việc tử tế tháng 11. Chương trình với sự đồng hành của THACO – Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải nhằm tôn vinh và tri ân các thầy cô giáo nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11 - Ảnh 1.

BTV Thụy Vân và BTV Mạnh Cường cùng đàn hát để mời khán giả đến với sân khấu Việc tử tế tháng 11

Cô giáo 18 năm chèo thuyền đưa học sinh qua sông

Xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng là vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nằm lọt thỏm trong lòng hồ sông Đà, người dân chủ yếu phải di chuyển bằng thuyền, ghe. Thế nhưng, với gần 60% gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo, có những người chẳng thể mua nổi một chiếc thuyền. Con đường đến trường của những đứa trẻ cũng vì thế mà khó khăn hơn. Thương trò vất vả, cô Quách Thị Bích Nụ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hòa, Đà Bắc, Hòa Bình đã đưa học sinh đi học qua sông trong suốt 18 năm qua.

Sau nhiều lần phải thay thuyền vì bị va vào đá, càng lo hơn về sự an toàn của học trò, cô Nụ đã bán đi đôi bò vốn được cha mẹ trang bị cho làm của hồi môn để có 11 triệu đồng mua một chiếc thuyền sắt. Dẫu vậy, với địa hình sông núi, thời tiết khó lường, hành trình đưa học sinh đến trường tìm con chữ còn vô vàn thử thách.

Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11 - Ảnh 2.
Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11 - Ảnh 3.

Cô Nụ xúc động khi bất ngờ gặp lại học trò cũ đã được cô chở qua sông để đến lớp từ năm 3 tuổi

Thầy giáo xóa mù chữ cho ngư dân làng chài ở Huế

Cũng giống như bao chàng thanh niên khác, sau năm 1975, khi hòa bình được lập lại, chàng thanh niên Trần Văn Hòa đã về mảnh đất quê hương nghèo khó để lập nghiệp. Lúc đó, đa phần người dân sống ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế không được học hành, nghề nghiệp cũng không có, chỉ biết kiếm ít tôm cá qua ngày ở vùng sông nước để lo cho bữa cơm gia đình.

Cảm thương với số phận của những con người vùng quê tại đây, thầy Hòa mạnh dạn xin mẹ mở một lớp học dạy miễn phí cho trẻ em nghèo ngay chính trong căn nhà nhỏ của mình. Lớp học tình thương ra đời từ đó.

Hàng ngày, thầy Hòa trở về trên chiếc ghe nhỏ sau mỗi buổi sớm đi đánh cá với một bữa sáng đơn sơ, có khi là chiếc bánh mì, có khi là gói mì pha sẵn... Và rồi, lớp học xóa mù chữ lại bắt đầu từ 7h sáng đến 10h trưa.

Sau hơn 30 năm, biết bao thế hệ ở làng chài đã trưởng thành qua lớp học của thầy Hòa, có công ăn việc làm ổn định. Hiện thầy còn phụ trách lớp xóa mũ chữ, học ban đêm cho nhiều bà con trong khu vực.

Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11 - Ảnh 4.
Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11 - Ảnh 5.

Thầy giáo đi bán vé số để có tiền lãi giúp đỡ người khó khăn

Đi xa hơn về miền sông nước Cần Thơ, có một thầy giáo dạy Mỹ thuật rất đặc biệt. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau giờ dạy, thầy Nguyễn Nhựt Tân (Trường Tiểu học Thị trấn Phong Điền I, Tp. Cần Thơ) lại đi lấy vé số để bán ở các quán xá, vỉa hè. Toàn bộ tiền lãi thầy dùng để hỗ trợ bệnh nhân nghèo, tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, khi xưa 4 anh em còn phải chia nhau cái bút, cuốn vở để đi học, thầy Tân đồng cảm với những trường hợp khó khăn và muốn chia sẻ ít nhiều với họ, ngay cả khi bản thân không dư dả gì. Bốn năm nay, thầy Nguyễn Nhựt Tân vẫn thường xuyên vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ người bệnh, tổ chức các buổi vá đường để người dân đi lại an toàn, đặc biệt hăng hái cứu trợ trong đợt dịch COVID – 19.

40 tuổi, vẫn chưa lập gia đình, thầy Tân coi công việc thiện nguyện cũng là một hạnh phúc của mình. Thầy không chỉ là "người lái đò" chở biết bao thế hệ học trò qua bến bờ tri thức, mà còn là một "nhà nông" mẫn cán, gieo hạt yêu thương và ươm mầm nhân ái.

Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11 - Ảnh 6.
Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11 - Ảnh 7.

Mỗi người lái đò "chèo đò" ở địa hình, hoàn cảnh khác nhau, nhưng bằng tình yêu nghề, tình thương học trò, ai cũng nỗ lực tìm mọi cách để đưa các em đến gần hơn với con chữ.

Hãy cùng theo dõi câu chuyện truyền cảm hứng của họ trong Việc tử tế tháng 11: Con đò năm tháng, phát sóng lúc 20h10 thứ 7 (11/11) trên VTV1 và ứng dụng VTVGo.

Gặp gỡ “người lái đò sông Đà” trong Việc Tử Tế tháng 11 - Ảnh 8.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước