Phi công tiêm kích "sinh ra để thuộc về bầu trời"
"Cái nỗi đau mà Không quân Mỹ gây ra cho nhân dân ta rất lớn. Nó thiêu đốt trong lòng mình...".
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát.
(Ảnh chụp lại từ phim tư liệu)
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát là một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất. Ông đã trở thành huyền thoại của Không quân Việt Nam khi bắn hạ 6 máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam.
Chia sẻ trong cuộc trò chuyện tại Những anh hùng thế kỷ XX, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát nói về nỗi canh cánh trong lòng ông - khi chứng kiến kẻ thù tàn phá quê hương mình, tàn sát nhân dân mình: "Nó làm mình cảm thấy có lỗi với nhân dân vì tại sao mình không chặn được".
Năm 1972 có lẽ là thử thách ác liệt nhất. Cực kỳ kinh khủng.
"Nên nếu như phát hiện được B52, không bắn rơi được thì sẽ đâm thẳng vào luôn, để địch không thể gây thêm tang tóc" - Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát nói thêm.
"Khả năng không chiến của phi công chúng ta không thua kém gì các phi công Mỹ. Và với trái tim và lòng căm thù, sẵn sàng hy sinh".
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát.
Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Trung tướng - Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát là một trong những "phi công huyền thoại". Ông đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ.
Nói về những ngày chiến đấu với giặc Mỹ, Anh hùng Nguyễn Đức Soát nói áp lực đầu tiên và lớn nhất của ông và đồng đội "là làm sao có thể bắn rơi máy bay địch".
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát (bên trái) trong một tấm ảnh cũ.
"Không quân Mỹ hơn chúng ta 3 thứ. Thứ nhất là số lượng thì đông hơn, vũ khí thì hiện đại hơn, trình độ phi công thì bay nhiều giờ hơn. Chứ còn thực tế trong những năm chiến tranh như vậy thì năng lực tác chiến, khả năng không chiến của các phi công của chúng ta cũng không thua kém các phi công Mỹ" - Anh hùng Nguyễn Đức Soát cho biết.
"Đặc điểm của không quân chúng tôi là tự thân mình lo, mình tự lái máy bay và mình tự quyết định tấn công như thế nào" - Anh hùng Nguyễn Đức Soát nói tiếp - "Sau đó mình tự đánh và tự rút lui. Khi đã lên trời, trực tiếp tham gia chiến đấu, mình quan sát được tình hình thì tự nhiên mình rất tự tin và không lo lắng gì. Mình tin mình có thể trở về an toàn. Mình tin mình có thể chiến thắng".
Niềm vui bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên giống như niềm vui của đứa trẻ...
Tất cả được những ký ức rền vang đạn bom và mù mịt khói lửa trong những năm tháng chiến tranh điều được Trung tướng Nguyễn Đức Soát ghi lại trong cuốn nhật ký "Phi công tiêm kích" của ông. Cuốn nhật ký như những thước phim vô cùng chân thực, trong đó có đoạn nói về lần ông bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên. Niềm vui khi ấy của chàng trai 23 tuổi được miêu tả giống như 1 đứa trẻ.
"Ngày 13/3/1969. Lòng mình đang xốn sang một niềm vui khó tả. Niềm vui thật trẻ con, làm mình cứ rạo rực, lâng lâng. Sáng nay, mình bắn rụng một máy bay không người lái. Nó rơi ở phía bắc Phủ Lý" - ông viết trong cuốn nhật ký.
"Trông thấy nó, với cái hình thù quái dị, 2 cánh chông chênh, trên cánh đỡ động cơ dưới bụng, một cảm nghĩ vừa căm thù vừa khinh bỉ dậy lên. Sau 2 giây ổn định mình ấn cò. Quả tên lửa thứ 2 đi rất căng. Nó hơi xà xuống thấp rồi bỗng ngóc thẳng lên".
"Cả một cột lửa dài phía sau đâm sầm vào cái tên ăn cắp tài liệu. Một đám lửa to lớn bùng lên với muôn vàn mảnh đen như xác một chiếc pháo nổ tung. Mình kéo máy bay ra mà còn thấy rất rõ. Mình reo lên: Trúng rồi! Cháy rồi!".
Trung tướng Nguyễn Đức Soát. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Năm 1972 có lẽ là thử thách ác liệt nhất. Cực kỳ kinh khủng.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát.
Trong một phần khác của cuốn nhật ký được viết vào ngày 23/5/1972, ông viết: "Còn gì sung sướng bằng được thấy kẻ thù bùng cháy trước mũi súng mình...".
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát trong một tấm ảnh lúc trẻ.
"Lúc lên đến H=2200m mình thấy một thằng ở phía trên. Tiếp cận lại, thấy đúng thằng A-7. Nó cơ động dích dắc để tránh bị bắn. Lúc nó vòng phải, mình bắn 1 quả từ trên xuống. Tên lửa bị văng ra ngoài. Mình chìm xuống thấp hơn nó. Và ở cự ly 1200m, mình bắn quả thứ 2. Quả tên lửa như 1 bó đuốc chui thụt vào bụng cái thằng vừa gây ra những đám cháy chết chóc ở thành Nam ấy. Nó cháy bùng lên và cắm xuống. Mình reo lên: Cháy rồi!".
Chỉ trong năm 1972, người phi công trẻ Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 5 chiếc máy bay địch. Thế nhưng, đối với người phi công chiến đấu, có lẽ, ký ức 12 ngày đêm sẽ là những thời khắc không thể nào quên.
"Có thể nói việc Mỹ sử dụng B52 đánh vào Hà Nội và một vài thành phố khác là một cuộc tập kích chiến lược lớn nhất của không quân tấn công vào 1 nước, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2" - Anh hùng Nguyễn Đức Soát nói.
"Phi công đầu tiên trong "12 ngày đêm" là đơn vị của mình đi đánh. Trận đánh ngày 22/12 là trận đánh rất ác liệt" - Trung tướng Nguyễn Đức Soát nói tiếp - "Hồi đó đường băng bị phá nát, đường lăn chỉ rộng 16 mét với 2 bên đầy hố bom nên nếu mà cất cánh hay hạ cánh chỉ cần chệch ra ngoài, động vào hố bom là máy bay sẽ bị tai nạn ngay".
"Nhưng chúng tôi vẫn cất cánh lên, trời thì đầy mây. Buộc lòng phải nhìn B52 bằng mắt thường chứ không thể nhìn bằng radar được vì nhiễu rất nhiều để cản phá được không cho địch đánh phá tên lửa của mình ngày hôm ấy".
(Ảnh chụp lại từ phim tư liệu)
"Khi mà đánh chưa được thì quả thực là áp lực, đêm không ngủ được vì trăn trở. Cái nỗi đau mà Không quân Mỹ gây ra cho nhân dân ta ta, nhân dân thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm ấy là rất lớn. Nó thiêu đốt trong lòng mình làm mình cảm thấy có lỗi với nhân dân vì tại sao mình không chặn được cái máy bay ấy để nó không thể vào đấy và gây ra tai nạn được".
(Ảnh chụp lại từ phim tư liệu)
"Không quân dù cố gắng bắn rơi được một chiếc cũng rất tốt vì có lẽ chưa lúc nào cần chiến thắng như lúc này".
"Lòng căm thù lớn lắm. Mọi người mới nói nếu mình phát hiện được B52, không bắn rơi được thì sẽ đâm thẳng vào luôn. Để địch không thể gây thêm tang tóc".
"Ngày 28/12, trong một ngày, đại đội có hơn một chục phi công thôi mà có tới 2 phi công hy sinh là cái tổn thất rất lớn".
"Đêm nay, nằm đây, mình nghĩ đến những người bạn đã mãi mãi sống trong "đại dương thứ năm". Đó là Khảo, là Giáp, là Đức, là Thiên, là Thiều, là Tuế, là Hùng... Những người bạn của mình giờ không còn nữa".
"Thật là đáng tiếc khi mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi".
"Chiến tranh ào đến ác liệt rồi qua đi rồi lại ập đến ác liệt hơn".
"Mình đã nếm trải niềm vui chiến thắng, vui muốn hét lên khi thấy máy bay Mỹ bùng cháy. Mình đã mất ăn mất ngủ khi không đánh được địch, khi đồng chí hy sinh".
"Chiến tranh đã thử thách mình và đã tôi luyện mình...".
CHIẾN TRANH KHÔNG PHẢI TRÒ ĐÙA...
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát.
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Giây phút chiến thắng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trong phần kết chia sẻ của mình, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nói rằng đối với ông, chiến tranh không phải trò đùa. Chỉ khi nào chiến tranh kết thúc thì người dân mới đỡ khổ.
"Khi Mỹ ngừng ném bom, chúng tôi khi ấy đã 25 - 27 tuổi rồi, nhưng mà vui như trẻ con. Vừa đi vừa hò hét. Có đứa vừa đi vừa lấy chậu thau khua gõ. Vì hiệp định Paris đã ký rồi..." - Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại giờ phút chiến thắng.
Vào năm 1973, ở tuổi 27, Trung tướng Nguyễn Đức Soát được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Cuốn nhật ký của ông - "Qua những cánh bay" - được xem là những tư liệu lịch sử quý giá về những năm tháng khó quên của dân tộc từ 1 góc độ đặc biệt. Nhật ký không chỉ lưu giữ ký ức của 1 người anh hùng mang tên Nguyễn Đức Soát mà còn của biết bao anh hùng – những người lính Không quân Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (bên trái). (Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Là một chương trình mới được sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) của Đài Truyền hình Việt Nam, "Những anh hùng thế kỷ XX" đã được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital bắt đầu từ ngày 15/7. Các số của "Những anh hùng thế kỷ XX" - chương trình được đồng hành của công ty Golf Long Thành - được đăng tải trên Báo điện tử VTV.VN và Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!