Với chủ đề Tình em, "Giai điệu tự hào" tháng 10 đã kể những câu chuyện tình yêu kỳ diệu qua những lá thư tay. Những lá thư tình thời chiến bạc màu thời gian nhưng chứa đựng trong đó những ký ức xúc động của những người lính năm xưa, những ký ức vừa lãng mạn, vừa vinh quang lại vừa rất đời thường, như một dấu tích còn lại của tình yêu đã vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh.
Qua những câu chuyện được kể trong chương trình, chúng ta cảm nhận được sự dũng cảm, chân thành của những người lính và trên tất cả là sự hy sinh vì một lý tưởng cao đẹp, “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Những lá thư riêng tư, giờ đã trở thành câu chuyện của lịch sử, của ký ức, giúp con cháu hôm nay hiểu được một phần quá khứ hào hùng và nhiều mất mát, nhưng nặng tình của ông cha, thấy cả những tháng ngày lịch sử không thể nào quên của cả dân tộc. Hiểu về quá khứ, ta biết trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống hôm nay.
Một trong những câu chuyện ấn tượng được kể trong chương trình là chuyện tình yêu của hai vợ chồng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và Vũ Tú Nam đã mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho khán giả. Hơn 500 bức thư mà họ viết cho nhau trong suốt quãng thời gian xa cách đã trở thành minh chứng sống động cho tình yêu vượt thời gian. Qua những bức thư tay, khán giả được trở về những ngày đầu tiên khi hai người còn là bạn, rồi yêu nhau và sau đó là vợ chồng, qua những lá thư chuyền tay, được gửi nhờ qua các đồng chí giao liên, chưa có tem bưu điện. Những tờ giấy đã ố vàng, nhiều trang bị nhòe mực nhưng vẫn chứa đựng những cảm xúc chân thật và mãnh liệt.
Suốt 20 năm miệt mài tìm kiếm và thu thập hàng chục nghìn lá thư nhật ký thời chiến, đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng hiểu rõ giá trị của những kỷ vật này. Ông chia sẻ trong chương trình: “Những lá thư được viết trong thời gian chiến tranh đó là một sợi dây tình cảm kết nối giữa những người lính ở chiến trường với những người thân ở hậu phương”. Cũng theo chia sẻ của nhà văn Đặng Vương Hưng, chúng ta hiểu thêm về một thời khó khăn, thiếu thốn, nhưng tình cảm vẫn đong đầy.
Thời gian đó, những giấy tờ, phong bì còn rất hạn chế, hậu hết là giấy xé từ sổ tay, có những lá thư được xé từ bao thuốc lá, có lá thư viết trên mảnh vải quần… Và những lá thư đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nó là chỗ dựa, tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!