Gian nan việc phục dựng hình ảnh người anh hùng Lý Tự Trọng

Trung Khánh-Thứ năm, ngày 16/10/2014 20:00 GMT+7

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh người anh hùng Lý Tự Trọng, VTV đã sản xuất bộ PTL “Anh hùng Lý Tự Trọng”. Tuy nhiên, công tác phục dựng hình ảnh người anh hùng là quá trình gian nan.

Hiếm tư liệu về người anh hùng Lý Tự Trọng

Nhắc tới người anh hùng Lý Tự Trọng, chúng ta đều nhớ về một thiếu niên cộng sản trẻ tuổi, người đã bắn chết viên thanh tra mật thám Pháp Legrand. Sự kiện chấn động ấy là đề tài nổi bật xuất hiện trên trang nhất các tờ báo lớn đầu năm 1931. Đó là tấm gương sáng về lòng yêu nước thời kháng chiến chống thực dân Pháp và câu chuyện về Lý Tự Trọng đậm chất huyền thoại về một con người, về một cái tên in đậm dấu ấn trong lịch sử.

 

Người anh hùng Lý Tự Trọng (1914 - 1931) với câu nói nổi tiếng: Con đường của thanh niên chỉ có thể là con
 đường cách mạng, không thể là con đường nào khác.

Người anh hùng Lý Tự Trọng (1914 - 1931) với câu nói nổi tiếng: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác". Ảnh: VnExpress

Thế nhưng, quãng thời gian hoạt động cách mạng và đến khi anh dũng hi sinh ở tuổi 17 là khá ngắn ngủi, lại cách nay đã gần trăm năm. Do đó, gần như không còn ai từng gặp trực tiếp người anh hùng Lý Tự Trọng để kể chi tiết về ông. Những tài liệu ghi chép về người anh hùng được Bác Hồ đặt tên còn lại không còn nhiều. Hiện tại, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM là địa chỉ hiếm hoi lưu giữ những bài báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp về người anh hùng Lý Tự Trọng nhưng cũng không còn nhiều.

Gian nan công tác phục dựng hình ảnh người anh hùng

Với những tư liệu ít ỏi thu thập được, ê-kíp thực hiện đã quyết định sử dụng phương pháp phục dựng những hình ảnh minh họa. Những người thực hiện đã tìm đến gặp bà Lê Thị Bảy – em gái út của Lý Tự Trọng hiện vẫn sống tại nền nhà cũ của gia đình tại Hà Tĩnh. Bà là người duy nhất trong số anh chị em còn sống tại Việt Nam. Tuy chưa một lần gặp mặt anh nhưng hình bóng của người anh cả vẫn được bà nuôi dưỡng qua hồi ức là lời kể của cha mẹ, của các anh chị khác trong gia đình.

Ngoài ra, ê-kíp cũng tìm đến nhà sử học Văn Tùng - người đã dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu về cuộc đời người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng để có cái nhìn đa chiều và xác thực hơn trong quá trình thực hiện bộ phim.

Ê-kíp cũng đã sử dụng đồ họa 3D để tái hiện sinh động những hình ảnh từ những năm 30 của thế kỷ trước như Khám lớn Sài Gòn - một biểu tượng của 80 năm chế độ thực dân, đồ họa tuyến đường đi từ Thái Lan sang Quảng Châu (Trung Quốc)... Cùng với những hình ảnh và phim tư liệu quý những năm đầu thập kỷ 30 của thể kỷ trước thu thập được, ê-kíp đã thành công khi khắc họa hình ảnh về người anh hùng Lý Tự Trọng, đặc biệt là ở hai thời điểm từ khi ông bị bắt khi ám sát tới khi hi sinh khi mới 17 tuổi.

“Chúng tôi thực hiện bộ phim tài liệu này trong khoảng 3 tuần. Về mặt hình ảnh, gần như không còn gì nhiều nên chúng tôi đã phục dựng những hình ảnh minh họa. Cùng với đó, chúng tôi đã liên hệ với những nhân chứng gián tiếp hay các chuyên gia sử học, cố vấn chuyên môn PGS, TS. Ngô Quang Hải - Viện sử học để có chất liệu trước khi tiến hành hậu kì kịp phát sóng trong tháng 10 này nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của người anh hùng Lý Tự Trọng”, đạo diễn Vũ Hoài Nam chia sẻ.

Với mục đích phác họa lại một cách rõ nét về cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng đầy hào hùng của người đoàn viên đầu tiên, người thanh niên anh hùng của dân tộc gửi tới khán giả, phòng Phim tài liệu khoa học, Ban Khoa giáo, Đài THVN đã quyết định thực hiện bộ phim tài liệu Anh hùng Lý Tự Trọng dài 25 phút. Qua bộ phim tài liệu này, cuộc đời, sự nghiệp và những câu chuyện liên quan tới anh hùng Lý Tự Trọng sẽ được tái hiện sinh động và hấp dẫn.

PTL Anh hùng Lý Tự Trọng sẽ lên sóng lúc 20h05 thứ 6 (17/10) trên VTV1. Mời quý độc giả chú ý đón xem!

 

Bức ảnh quý hiếm hoi về anh hùng Lý Tự Trọng do Bảo tàng Cách mạng còn lưu trữ tới nay.

Bức ảnh quý hiếm hoi về anh hùng Lý Tự Trọng do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh khai thác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh gửi ê-kíp làm phim.

Anh hùng Lý Tự Trọng

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng còn được gọi là Lê Văn Trọng hay Huy. Quê gốc ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm. Sinh năm 1914 và lớn lên ở Thái Lan, gửi làm con nuôi.

Đầu mùa hè năm 1926, Lê Hữu Trọng lúc đó mới 11 tuổi là một trong số các thiếu niên được đồng chí Hồ Tùng Mậu lựa chọn sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên Cộng sản ở Việt Nam.

Qua thử thách trong đấu tranh thực tiễn, 8 học sinh Việt Nam đều lần lượt được kết nạp vào Đoàn. Lý Tự Trọng là người đoàn viên thứ tám do đến năm 1929, Trọng mới đủ 15 tuổi. Một trong những đoàn viên đầu tiên. Được xác định là thành viên ưu tú để đào tạo làm nguồn nhân lực chủ chốt cho cách mạng.

Năm 1931, Lý Tự Trọng ám sát viên thanh tra mật thám Pháp Legrand, bị bắt và hi sinh khi mới 17 tuổi

Người đoàn viên thanh niên Lý Tự Trọng (1914 - 1931) với câu nói đanh thép trước tòa án Pháp: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác", chính là biểu tượng sinh động của thanh niên Việt Nam trên con dường dấn thân cứu nước.

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước