Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam: Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

PV-Thứ năm, ngày 07/05/2020 14:33 GMT+7

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945.

VTV.vn - Với chủ đề "Khát vọng độc lập", phim tài liệu Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam kể về hành trình tìm đường cứu nước và giành lại độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tập đầu tiên của series 4 tập phim tài liệu Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam đã chính thức lên sóng vào tối 6/5. Với chủ đề Khát vọng độc lập, bộ phim đã làm sống dậy khoảnh khắc hào hùng của dân tộc khi giành được độc lập từ các thế lực đế quốc. Đó là công lao to lớn và vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Trong suốt gần một thế kỷ bị đô hộ, nhiều phong trào khởi nghĩa giành độc lập do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo đã liên tục nổ ra song đều thất bại. Mặc dù rất ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối, nhưng với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc, Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam: Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước bằng công việc phụ bếp trên tàu La Touche Tréville. Người ra đi mang nỗi đau của người nô lệ bị mất nước. Người đã bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 nước. Từ những nơi trung tâm văn minh nhất thế giới tới những nơi bần cùng, đau khổ nhất của nhân loại.

Trực tiếp cảm nhận và hòa mình vào của sống của những người cùng khổ trong xã hội tư bản, Người hiểu đằng sau những khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái, công lý, nhân quyền của chủ nghĩa thực dân đế quốc là nỗi đau khổ của nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột. Vì thế, Người đã đi đến kết luận: "Ở đâu chủ nghĩa thực dân của tàn ác, ở đâu các dân tộc thuộc địa cũng đau khổ". Thương nước, thương dân đã hun đúc thành tư tưởng và lòng ham muốn của Bác. "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.

Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam: Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Bản yêu sách của người dân An Nam được Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Versaille

Tháng 6/1919, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt những người dân Việt Nam yêu nước gửi kiến nghị đến Hội nghị hòa bình Versaille bản yêu sách 8 điểm đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Theo Tiến sĩ ALain Ruscio, nhà sử học Pháp: "Bản yêu sách yêu cầu tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do học hành. Đó là một chương trình đòi hỏi cải cách dân chủ, nhưng người ta thấy một điều là không ai lắng nghe bản yêu sách này. Và họ miệt thị những yêu sách của người dân An Nam".

Yêu sách không được các thế lực đế quốc để ý đến, càng khẳng định ý chí của Bác. Muốn giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân, trông cậy vào lực lượng của chính mình. Mùa xuân năm 1930, Hồ chí Minh sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã thành ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam giành những thắng lợi lịch sử.

Mở đầu là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945. Trong lúc đau ốm, thập tử nhất sinh Người vẫn thể hiện quyết tâm sắt đá. Lúc sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ: "Lúc bấy giờ, dù Bác đang mệt nhưng nằm trên giường bệnh lúc tỉnh lại Bác thấy thế giới chiến tranh phát triển như vậy là thời cơ đã đến, cho nên dù đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập".

Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam: Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/2945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với những người được may mắn chứng kiến ngày Quốc khánh đầu tiên, họ hiểu cả dân tộc đã bước sang một trang sử mới. Nhớ lại khoảnh khắc ấy, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam xúc động: "Sau khi Người đọc xong tuyên ngôn độc lập là lễ tuyên thệ lời thề độc lập, không khí lúc đó rất trang nghiêm. Bác đọc từng lời thề thì hàng triệu người dân giơ tay lên và nói 'Xin thề'.

Tôi tưởng khi đó chỉ tôi xúc động, nhưng nhìn xung quanh ai cũng rơi nước mắt. Sau này chúng tôi mới nhận ra đó là niềm hạnh phúc vô biên, vì trước đây mấy ngày đang là một người dân mất nước, thế mà hôm nay đã là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là niềm hạnh phúc mà những ai đã từng trải qua thời nô lệ mới có thể cảm nhận hết được".

Thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là biểu tượng tuyệt vời về ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam kết tinh truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đúc kết nhiều bài học quý báu, trong đó phát huy đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì mục tiêu độc lập, tự do đã tập hợp mọi lực lượng tạo nên sức mạnh vô song, thắng thù trong giặc ngoài, giành chính quyền về tay nhân dân.

Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về Bác được kể lại trong tập 1 của bộ phim Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam. Mời quý vị khán giả theo dõi qua video dưới đây:

Phim tài liệu: Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng Việt Nam - Tập 1: Khát vọng độc lập

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước