Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, do đó, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng những cơ hội và giải quyết những thách thức trong quá trình hội nhập. Trong những năm qua, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện với mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.
Đăng ký độc quyền sáng chế có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích và quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sáng chế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều nhà sáng chế vẫn chưa quan tâm đến vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho chính những đứa con tinh thần của mình. Điều này gây ra những hậu quả tranh chấp, thậm chí làm mất quyền thương hiệu và nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Vậy khi nào thì nhà sáng chế có thể thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình? Đây cũng là nội dung chính được đề cập trong chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ. Để làm rõ hơn về chủ đề này, chương trình đã mời tới trường quay luật sư sáng chế Phan Quốc Nguyên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo chia sẻ của luật sư, trước khi thương mại hóa tài sản trí tuệ, nhà sáng chế cần phải trang bị những kiến thức về sở hữu trí tuệ, sau đó nộp đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Cuối cùng, nhà sáng chế có thể thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình với điều kiện tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù mỗi năm có tới hàng chục, hàng trăm sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đồng nghĩa với việc có rất nhiều nhà sáng chế tại Việt Nam, tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng có kiến thức về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền sáng chế. Do đó, các nhà sáng chế cần phải trang bị kiến thức để tránh vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!