Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển đã lật mở hành trình bí mật "xuyên bão" năm xưa của cha ông ta. Để làm nên dáng hình đất nước của chúng ta ngày hôm nay là biết bao công sức và sự hi sinh không thể đong đếm. Trong số đó có cả những hi sinh chúng ta chưa được biết tới vì khi thực hiện đó đã là bí mật tuyệt đối.
Chương trình là một lời nhắc nhớ chúng ta về một kỳ tích, một huyền thoại đã góp phần rất lớn để làm nên đất nước hôm nay. Đó là đường Hồ Chí Minh trên biển và hải trình huyền thoại của những con tàu không số.
Ở chương I của chương trình, hoàn cảnh lịch sử để dẫn đến việc hình thành con đường chi viện cho miền Nam đã được nhắc lại. Chiếc tàu đầu tiên ra khơi đêm 30 tết Canh Tý (năm 1960) lúc biển động, dưới danh nghĩa là tàu đánh cá của tập đoàn đánh cá sông Gianh. Con tàu di chuyển từ sông Gianh đến Quảng Bình, trên đường vào Nam thì gặp nạn và bị bắt. 5 chiến sĩ đã hi sinh, chỉ còn lại một người nhưng vẫn giữ trọn bí mật về kế hoạch xây dựng con đường chi viện trên biển.
Vậy sau chuyến tàu đầu tiên không đến đích ấy, chúng ta đã làm gì để hiện thực hóa tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển?
Năm 1959, với tầm nhìn sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sau Hội nghị Trung ương 15, hai tuyến đường vận tải chiến lược đã được mở: 559 trên bộ và 759 trên biển. Con đường trên biển qua bao thử thách chính thức có quyết định được khai thông vào ngày 23/10/1961 là kết quả của sự dũng cảm, sáng tạo, sự đồng lòng chung tay của nhân dân và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đã lập nhiều chiến công góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ở phần tiếp theo của chương trình, Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển ngợi ca ý chí vượt lên khó khăn để xây dựng, phát triển được con đường chi viện trên biển, cùng với đó là sự sáng tạo, tinh thần vượt bão của các chiến sĩ và sự lãnh đạo sáng suốt.
Nhiều câu chuyện bí mật đã lần đầu được tiết lộ như Cách mà đối phương nhận dạng những con tàu không số; cuộc gặp gỡ bất ngờ giải đáp những góc khuất của lịch sử; các nhân chứng cũng được gặp lại người "đồng chí đặc biệt" - con tàu 41 (HQ671) - con tàu khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển, song hành với sự tồn tại của tuyến đường cho đến ngày kháng chiến thắng lợi.
Trong suốt hành trình đầy gian khổ ấy, sự đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân một lần nữa khẳng định sức mạnh của "chiến tranh nhân dân", đã giúp con đường được khai thông và giữ bí mật. Nhân dân không giúp đỡ, không hỗ trợ, thì không thể nào thành công. Nhân dân giúp hàng hóa để ngụy trang, nhân dân báo tin trên từng tuyến đường vận chuyển, nhân dân giải vây trong những lần bị bắt, bị tra xét, nhân dân góp ý đế khả năng hoạt động công khai trong lòng địch ngày càng hoàn thiện hơn. Nhân dân song hành trên mọi mặt trận từ tiến tuyến đến hậu phương.
Các chiến sĩ đoàn tàu không số đã hơn 30 lần trực tiếp chiến đấu với tàu địch, đánh trả hơn 1.200 lượt máy bay tập kích. Trong những hành trình đầy hiểm nguy như vậy, hơn 100 cán bộ chiến sỹ, những người con ưu tú của đoàn tàu không số đã hoá thân vào trong sóng nước biển Đông.
Tấm gương anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ đoàn 759 đường Hồ Chí Minh trên biển cùng biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc nơi biển khơi đã đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước, của quân đội nhân dân Việt Nam. Họ mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Những bài học kinh nghiệm của việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển cần được thẩm thấu, phát huy, trở thành ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; thành năng lực hành động, sự chủ động, sáng tạo, cần kiệm lao động, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước hôm nay.
Mời quý vị khán giả xem lại chương trình trong Video dưới đây:
Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!