Được biết, ban đầu anh chưa có ý định trở thành một người làm báo hình hay người dẫn chương trình?
Vâng, ban đầu tôi mơ ước trở thành một nhà kinh doanh hoặc gắn bó với công việc làm kinh tế. Khi thi đại học, bố tôi bảo con cứ chọn trường đại học nào gần nhà cho đỡ vất vả. Và tôi đã đăng kí vào Học viện Báo chí tuyên truyền và Đại học Thương mại. Thật ra, tôi thích học thương mại hơn nên khi đăng kí thi Học viện Báo chí, tôi đã chọn khoa có điểm đầu vào cao nhất là: Quan hệ công chúng, với tâm lí thi vào khoa điểm cao, trượt cũng không sao. Rất bất ngờ, lĩnh vực mình thích thì trượt, lĩnh vực không thích thì đỗ, thậm chí là điểm cao. Khi VTV6 tổ chức cuộc thi Cầu vồng để tìm người dẫn chương trình, bạn tôi là MC Hoàng Dương rủ tôi đi thi. Dương bảo: “Tớ thấy cậu có khả năng, cậu đăng kí đi”. Dương đã nói câu ấy tới ba lần. Gần hết hạn đăng kí, ngồi một mình trên sân thượng, tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định dự thi khi đồng hồ đã sắp chuyển sang ngày mới. Bản thân tôi cũng rất bất ngờ trong cuộc thi đó, Hoàng Dương đã giành Giải nhất còn tôi đoạt Giải thưởng MC được yêu thích và xử lí tình huống tốt nhất.
Đó là bước ngoặt để anh gắn bó với truyền hình?
Không hẳn. Khi được giải thưởng của VTV6 tôi đang là sinh viên năm thứ hai, 2 năm sau đó, dù đang là sinh viên báo chí nhưng tôi vẫn “máu” làm ăn và gắn bó nhiều hơn với lĩnh vực kinh tế. Tôi làm PR, làm Maketting và kinh doanh nhỏ… Thậm chí, tôi từng một mình rong ruổi khắp nơi với suy nghĩ: “Nếu hết tiền, cứ thử tìm bất kể công việc gì, xem sống hay chết”. Đó là thời gian quý báu đối với tôi, dạy tôi nhiều điều về tính tự lập, về giá trị cuộc sống. Tôi yêu nghề báo bắt đầu từ những tháng ngày rong ruổi ấy, công việc trong lĩnh vực kinh tế không còn cuốn hút tôi nhiều nữa. Tôi quyết định xin đầu quân về VTV6 và được các anh chị tạo cơ hội. Mọi việc đến với tôi tự nhiên như vậy. Sau này ngồi nói chuyện, bố tôi cũng bảo, tôi là người như được số phận sắp đặt cho công việc.
Có thể nói, anh trở thành một MC rất đúng lộ trình và ít nhiều đã được khán giả ghi nhận?
Thời gian làm nghề chưa lâu nhưng thực sự tôi yêu thích công việc của mình. Biết tôi có ý định trở thành một MC chuyên nghiệp, bố tôi đã nói rằng: “Khi nói cho người khác nghe thì bản thân con phải là một người có hiểu biết. Trở thành một MC truyền hình thành công là vô cùng khó, nếu con không thực sự yêu thích và tự trau dồi kiến thức học hỏi từng ngày.” Dù đã được giải thưởng của VTV, dẫn một số chương trình bên ngoài cũng còn run lắm. Nhưng rồi thời gian, sự cầu thị và lắng nghe người đi trước, lắng nghe khán giả, tôi thấy mình cũng ổn.
Khó khăn mà anh thường gặp là gì? Theo anh, một MC được gọi là thành công cần yếu tố nào?
Khó khăn cơ bản nhất mà tôi gặp phải là áp lực công việc. Phải nói rằng, trước đó, tôi là một người sống khá vô tư và vô tổ chức. Tôi chưa quen được với áp lực công việc của một người làm truyền hình chuyên nghiệp, về tính tổ chức và kỉ luật trong một ê kip, ở đó tính tập thể và hiệu quả sản phẩm rất quan trọng, chứ không chỉ là vai trò cá nhân. Tôi đã từng rất tủi thân, thậm chí có ý định bỏ nghề vì bị mắng, bị chê làm không tốt. Nhưng rồi, tôi đã thay đổi. Tôi nhận ra công việc của MC không phải được trải sẵn hoa hồng. Tôi đã tiếp nhận những góp ý, thậm chí là chỉ trích một cách chủ động. Vì tôi nhận ra rằng, đó cách tốt nhất để mình tiệm cận tới thành công. Càng ngày tôi càng nghiệm ra rằng, để làm một MC thành công thì phải tư duy như một nhà sản xuất chứ không phải là một người dẫn đơn thuần. Phải đặt ra câu hỏi và tự trả lời rằng, chương trình này sản xuất ra cho ai, mục đích là gì?, phải có cái nhìn bao quát, tổng thể về vấn đề mình đang làm. Về mặt lí thuyết thì vậy đấy, nhưng để đạt được thì mình phải học hỏi rất nhiều, học từng ngày, qua từng chương trình.
Anh đã dẫn những chương trình gì và thích dẫn chương trình nào nhất?
Tôi đã dẫn một số chương trình như: Mbox, Tuổi 20 hát, Bữa trưa vui vẻ… gần đây là Ghế không tựa. Ghế không tựa là chương trình mà tôi thích được dẫn nhất, vì đây là một chương trình tôi được cùng ê kíp xây dựng format, được làm nhiều việc. Từ viết kịch bản, lên danh sách khách mời, phụ trách truyền thông, dựng chương trình và là người dẫn nữa. Đây là công việc đúng với tâm nguyện của tôi, được làm với tư thế của một nhà sản xuất. Nó là cơ hội tốt để tôi trưởng thành. Tôi làm và biết được phản ứng của mọi người, phản ứng của chính bản thân mình. Tôi thường xuyên ghi lại cảm xúc sau mỗi một chương trình như ghi nhật kí nghề nghiệp vậy. Điều đó có ích đối với tôi.
Hình như anh có kế hoạch xây dựng một chương trình truyền hình gắn với tên tuổi của mình?
Với Ghế không tựa, tôi đã ít nhiều thực hiện được tâm nguyện ấy, cái tên Công Tố được khán giả biết đến. Phải nói rằng, VTV6 là một môi trường làm việc rất năng động. Ở đó, ai cũng phải vận động, tư duy và thay đổi theo từng ngày. Ai cũng phải hoạt động hết công suất cho công việc chung làm ra những chương trình có chất lượng tốt hướng tới giới trẻ. Chính vì vậy, tôi thấy Ghế không tựa phù hợp với thế mạnh của mình.
Những MC nào anh thích nhất?
Đó là Ellen và Oprah Winfrey. Ellen trong Ellen DeGeneres Show – một show cực kì hài hước, chuyện trò với những nhân vật có câu chuyện thú vị ở tất cả các ngành nghề lĩnh vực. Còn Oprah Gail Winfrey là người phụ nữ có nhiều thăng trầm trong cuộc sống, có nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt. Xem các chương trình của họ, tôi có cảm giác gần gụi, không gian trường quay được đưa đến từng gia đình như không còn khoảng cách giữa một thiết bị truyền hình với người xem. Nó rất đời, rất có hơi thở cuộc sống. Người xem như được can dự vào câu chuyện đang kể. Nó đem lại tiếng cười và sự vui vẻ. Ở Việt Nam thì tôi thích các MC: Lại Văn Sâm, Diễm Quỳnh… Những người tôi hâm mộ từ khi nhỏ, giờ đây lại được các anh chị ấy dìu dắt. Đặc biệt là nhà báo Diễm Quỳnh, nay là sếp trực tiếp của tôi.
Có người bảo, nghề MC ở Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chưa xây dựng được giáo trình chính quy, anh có thấy đấy là trở ngại không?
Tôi cho rằng, làm bất cứ nghề gì cũng phải học, nghề MC thì học từ thực tiễn, từ những chương trình mình làm rút ra kinh nghiệm là sự học quan trọng nhất. Tất nhiên, có giáo án, có quy chuẩn thì tốt nhưng tôi coi trọng sự trưởng thành từ thực tế. Tôi vẫn tâm niệm, để dẫn chương trình thành công thì MC phải tư duy không chỉ bằng văn bản của người khác mà phải có tố chất của một nhà sản xuất. Thứ nữa là sự linh hoạt và thông minh để xử lí các tình huống, cuối cùng là sự chân thành. Chân thành với khán giả và chân thành với chính mình. Nói những gì mình thực sự biết, xúc động những gì mình thấy xúc động. Vì bây giờ tính tương tác giữa truyền hình với khán giả rất nhanh. Bất kì sự giả tạo nào cũng bị khán giả nhận ra và như thế mình sẽ là người thất bại. "Giáo án" tôi xác lập cho chính mình là học cả đời, kim chỉ nam để hướng tới là, qua từng chương trình rút ra kinh nghiệm.
Xin chúc anh thành công!