Thưa chị, rất nhiều người đã lo ngại về sự tranh cãi của của format gốc Big Brother trước khi được sản xuất phiên bản Việt, cá nhân chị nghĩ sao về format này?
Chương trình Người giấu mặt (tên gốc là Big Brother) là format nổi tiếng của El Demon (Hà Lan). Khi được chuyển thể sang các nước, fomat này có gây tranh cãi tuy nhiên nó vẫn là một format truyền hình thành công. Vì thế khi được lãnh đạo Đài THVN phân công quản lý chương trình Người giấu mặt phiên bản Việt của công ty BHD, Ban Thanh thiếu niên đã bàn bạc rất nhiều về phương án Việt hóa để phát huy những điểm tích cực của dạng chương trình này và hạn chế những tiêu cực của nó nếu có.
‘ Các thí sinh của chương trình Người giấu mặt
Đây là một chương trình truyền hình thực tế với những tình huống đời thực. 12 bạn được chọn vào Ngôi nhà chung là 12 cá tính đa dạng phản ánh một phần cuộc sống giới trẻ hiện nay. Khi xem cuộc sống diễn ra ở ngôi nhà chung thì chúng ta thấy được những diễn biến tâm lý tự nhiên như khi những người lạ gặp nhau và phải thực hiện một số nhiệm vụ cùng nhau thì sẽ chấp nhận nhau như thế nào, dung hòa những khác biệt ra sao, giải quyết các mâu thuẫn hay xử lý những tình cảm tiêu cực như sự ghen tỵ, đố kỵ thế nào, những suy nghĩ tình cảm tích cực nảy nở ra sao. Từ đó khán giả trẻ nhận ra hành vi nào là tốt đẹp và thể hiện đánh giá đó qua những bình chọn của mình.
Vậy với những hình ảnh trong tập Người giấu mặt phát sóng hôm 12/12 thì sao? Chị có ý kiến gì về những hình ảnh này?
Khi duyệt chương trình, chúng tôi cố gắng tôn trọng đạo diễn và tác giả kịch bản. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là không để những cảnh quá đời thực lên sóng đài quốc gia. Với tập phát sóng ngày 12/12, các biên tập viên của Ban Thanh thiếu niên đã kiểm soát tối đa các cảnh “nhạy cảm” Tuy nhiên khi phát sóng, một số khán giả vẫn có thể thấy hơi "gợn", không hài lòng. Chúng tôi rất tiếc vì điều đó và đã tổ chức họp các bên liên quan rút kinh nghiệm sâu sắc. Ban Thanh Thiếu niên sẽ tích cực kiểm soát chặt chẽ hơn nữa với chương trình Người giấu mặt trong các tập tiếp theo nói riêng và các chương trình do các đối tác khác sản xuất nói chung.
Tôi xin nói cho rõ thêm là trong quá trình sản xuất, một số hình ảnh “nhạy cảm” của tập phát sóng tối 12/12 dù đã bị kiểm duyệt và không cho lên sóng truyền hình nhưng đã bị lọt lên mạng xã hội. Việc tách riêng một số hình ảnh đã bị kiểm duyệt, không cho lên sóng, lên các mạng xã hội để bình luận đã khiến người xem đánh giá không đúng bản chất vấn đề, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của Đài Truyền hình Việt Nam. Chúng tôi đã xử lý nghiêm khắc lỗi này của công ty BHD và bổ sung các biện pháp nhằm kiểm soát một cách chặt chẽ và nghiêm túc hơn. Nếu lỗi này còn lặp lại, chúng tôi đề nghị chấm dứt hợp tác với chương trình này.
Xin cảm ơn chị!
Người giấu mặt giống như một bộ phim sitcom, với các tình huống thực tế đã được đạo diễn lựa chọn, đẩy lên cao trào để các thí sinh bộc lộ tối đa tính cách Tốt – Xấu của mình. Khán giả có thể vừa chứng kiến thí sinh nhường nhau khẩu phần ăn, chia nhau từng hạt gạo sống lúc đói, ân hận khi nghĩ về những hy sinh của bố mẹ dành cho mình, rớt nước mắt khi một người bạn đau ốm…v.v ngày hôm trước thì ngay ngày hôm sau, cũng chính những thí sinh ấy, thì thào nói xấu nhau, và dễ dàng nói ra với Người giấu mặt những điều không hài lòng về ai đó trong Ngôi nhà chung khi chỉ còn một mình trong phòng Nhật ký. Ngay chính trong 12 thí sinh, khi phải tập sống chung với nhau và hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, có một số người không thể chịu đựng nổi những cách ứng xử và thể hiện quá khích của một vài thành viên khác bởi mỗi người có một bản lĩnh, kinh nghiệm sống, nhãn quan khác nhau. Bởi vậy, cảm giác “gợn”, “khó chịu” của khán giả khi xem những phản ứng thực tế thái quá của một vài thí sinh là điều tất yếu. (Biên tập viên Trần Thu Trang, phụ trách phòng Nội dung 1, Ban Thanh Thiếu niên, Đài THVN) |