Cuộc nói chuyện với nhà báo Trần Thu Hiền, tác giả kịch bản và là người tổ chức sản xuất bộ phim tài liệu Giữa những quê hương, diễn ra khi chỉ còn vài ngày trước khi phim lên sóng. Ngay khi nghe chị chia sẻ về phim, điều đầu tiên tôi nhận ra đó là tâm huyết mà chị và ê-kíp đã dành cho nó. Điều ấy trước hết được thể hiện qua thời gian mà chị dành để theo đuổi đề tài này - 2 năm - kể từ lần đầu chị được nghe kể câu chuyện về "những người lính da trắng của Bác Hồ".
Ý TƯỞNG LÀM PHIM ĐẾN VỚI CHỊ VÀ Ê-KÍP SẢN XUẤT NHƯ THẾ NÀO?
Nhà báo Thu Hiền: Thực tế, ý tưởng làm một bộ phim tài liệu lịch sử về công tác địch vận trong kháng chiến chống Pháp đã nhen nhóm từ cách đây 2 năm, trong một lần tôi đi phỏng vấn nhà văn hoá Hữu Ngọc, một cây đại thụ về văn hoá Việt Nam khi đó vừa tròn 100 tuổi.
Sau khi trò chuyện một hồi về văn hoá lịch sử Việt nam, ông chợt nói: "Cô biết không? Tôi đã từng nhiều năm làm công tác địch vận. Tôi là Trưởng ban giáo dục tù-hàng binh Âu-Phi thuộc Cục Địch vận trong kháng chiến chống Pháp... Cô có quan tâm đến những câu chuyện rất thú vị về công tác địch vận không? Tôi chắc chắn là những nhân chứng lịch sử như tôi chỉ còn rất ít người".
Và thế là những câu chuyện không dứt với nhà văn hoá Hữu Ngọc đã giúp tôi hiểu hơn về tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác địch vận, về những người lính lê dương trong quân đội Pháp đã tình nguyện đứng sang hàng ngũ Việt Minh và được trọng dụng vào công tác địch vận như thế nào…
Tại Cục Địch vận, ông Hữu Ngọc là đồng chí, là bạn thân với ông Goerges Boudarel, một trí thức người Pháp có bí danh là Đại Đồng, và ông Erwin Borchers, một trí thức lê dương gốc Đức khi sang với Việt Minh được Bác Hồ và các lãnh đạo của Đảng rất yêu quí và tín nhiệm, đặt cho tên Việt Nam là Nguyễn Chiến Sỹ.
Ba nhân vật chính của bộ phim tài liệu
Trong quá trình nghiên cứu sau đó, tôi may mắn được biết thêm câu chuyện của một nhân vật nữa, cũng vô cùng đặc biệt, ông là một người lính Hy Lạp trong quân đội Pháp có tên Kostas Sarantidis, đã được giác ngộ và tìm đường đến với Việt Minh chỉ 4 tháng sau khi có mặt ở Đông Dương, vào tháng 6/1946. Với tên gọi Nguyễn Văn Lập do các đồng đội đặt cho, ông đã có nhiều thành tích anh dũng trong chiến đấu, được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam và từng được giao nhiệm vụ Tổng giám thị Trại tù binh Âu Phi số 3 ở Liên khu 5. Ông chính là người nước ngoài đầu tiên được trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Điều may mắn là ông Kostas Nguyễn Văn Lập vẫn còn sống khoẻ mạnh tại Hy Lạp. Ở tuổi 92, ông vẫn nhớ như in từng câu chuyện, từng dấu mốc thời gian quan trọng của cuộc đời mình gắn với hai tiếng Việt Nam...
Tất cả các nhân vật trong bộ phim đều có một điểm chung, đó là dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn giữ trong trái tim tình yêu và sự gắn bó đặc biệt với Bác Hồ và với quê hương Việt Nam... Đây cũng chính là nguồn cảm hứng, là lí do ê-kíp quyết định đặt tên cho bộ phim là Giữa những Quê hương.
Nhà báo Thu Hiền phỏng vấn nhà văn hoá Hữu Ngọc
MẤT BAO LÂU ĐỂ CHỊ VÀ Ê-KÍP CÓ THỂ TRIỂN KHAI GHI HÌNH?
Nhà báo Thu Hiền: Tìm được những nhân vật thú vị cho bộ phim, nhưng để triển khai thì không dễ dàng. Đây là một đề tài lịch sử rất khó. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy nản. Thực tế có quá ít tài liệu, tư liệu và hình ảnh, các nhân chứng lịch sử của giai đoạn những năm đầu kháng chiến, ngoài ông Hữu Ngọc, gần như không còn ai. Tôi đã mất nhiều tháng liên hệ với Cục Dân vận (tiền thân chính là Cục Địch vận) thuộc Tổng cục Chính Trị, Bộ Quốc phòng, và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 tại Hà Nội, để tìm kiếm thông tin tư liệu liên quan đến các nhân vật và tìm hiểu về chính sách Địch vận của Đảng và Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp.
Nhờ biết tiếng Pháp, tôi đã mò mẫm trên mạng Internet để rồi may mắn đọc được một cuốn sách rất hay có tên là "Những Tiến sĩ Đức trong Việt Minh" và có được địa chỉ email của tác giả, nhà sử học Heinz Shutte người Đức hiện đang sống tại Paris. Cuốn sách rất công phu, nhiều tư liệu quý, dành phần lớn để viết về cuộc đời ông Erwin Borchers Nguyễn Chiến Sỹ, và trong lời đề tựa lại tưởng nhớ đến Giáo sư sử học Pháp Georges Boudarel, đúng hai nhân vật mà tôi đang tìm kiếm lâu nay.
Vì thế, khi email của tôi được tác giả Heinz Shutte hồi âm, tôi vui mừng phát khóc. Nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của ông ấy, tôi đã có thể liên hệ với các con của ông Chiến Sĩ ở Việt Nam cũng như ở Đức, liên hệ với những người đồng nghiệp, người bạn của ông Boudarel tại Pháp, nơi ông đã phải sống những ngày cuối đời trong bệnh tật, cô đơn, trong nỗi nhớ Việt Nam.
Cứ như thế, tôi đã lần theo các đầu mối như gỡ từng nút thắt của một cuộn dây, rất chậm, rất khó, nhưng mỗi khi gỡ được một nút thắt là chúng tôi lại có thêm một tia hy vọng, để có niềm tin rằng, bộ phim sẽ thực hiện được.
Hình ảnh hậu trường tác nghiệp tại châu Âu
QUÁ TRÌNH Ê-KÍP TÁC NGHIỆP TẠI NƯỚC NGOÀI CÓ GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN?
Nhà báo Thu Hiền: Vì 3 nhân vật ở 3 nước khác nhau, trong đó 2 người mất đã lâu nên chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, mất hơn 4 tháng để liên hệ, kết nối, thuyết phục các đầu mối để có thể lên một lịch trình phù hợp nhất và tiết kiệm chi phí nhất có thể.
Trong thời gian gần 1 tháng, chúng tôi tập trung tác nghiệp tại 3 thành phố, đó là Athens, Paris và Berlin. Châu Âu những ngày tháng 9, thời tiết mùa thu rất đẹp, khá thuận lợi cho quá trình ghi hình và tác nghiệp, nhưng khó khăn của chúng tôi là các nhân vật đều lớn tuổi, sức khoẻ yếu. Đặc biệt là ông Kostas, năm nay đã 92 tuổi, tuần 3 lần phải đi chạy thận lọc máu. Có những ngày rất mệt nhưng khi có đoàn làm phim của VTV đến là ông lại như được tiếp thêm sức mạnh, gượng dậy đón chúng tôi và sẵn lòng giúp đỡ, trả lời tất cả những câu hỏi của chúng tôi.
Trong một tuần tác nghiệp tại Athens, chúng tôi không còn là phóng viên nữa mà thực sự đã trở thành những đứa cháu thân thiết của ông bà và gia đình. Ông Kostas có một gia đình rất đặc biệt với một người vợ Việt Nam và 4 người con lai đều mang tên Việt. Trong ngôi nhà nhỏ bé của ông, tất cả mọi kỷ vật đều liên quan đến Việt Nam, những người đồng đội cũ và ký ức về một thời chiến đấu của người chiến sĩ Nguyễn Văn Lập trong quân đội nhân dân Việt Nam. Tất cả chúng tôi đều ấn tượng và cảm động trước trái tim, tấm lòng thuỷ chung son của ông và gia đình với Bác Hồ và với quê hương Việt Nam... Hình ảnh người lính già run run hôn lên lá quốc kỳ của Việt Nam và rưng rưng hát quốc ca trong buổi lễ kỉ niệm quốc khánh Việt Nam, có lẽ là những thước phim có sức nặng hơn bất kỳ lời bình nào.
Rời Athens sang Pháp, chúng tôi tiếp tục ghi hình và phỏng vấn các nhân chứng cũng như tìm kiếm thêm tư liệu liên quan đến ông Georges Boudarel. Sau khi rời Việt Nam và trở về Pháp năm 1967, ông đã trở thành một giáo sư lịch sử tại Đại học Paris 7, một nhà Việt Nam học rất uy tín với nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị về Việt Nam.
Tuy nhiên, từ năm 1991 đến khi mất vào năm 2003, Georges Boudarel đã phải đối mặt với những lời buộc tội vô căn cứ từ một số cựu tù binh Pháp tại Đông Dương. Họ tố cáo ông đã tra tấn hành hạ tù binh trong thời gian làm công tác tuyên truyền tại trại tù 113 ở Việt Nam mà không có bằng chứng nào về việc đó. Tuy nhiên, những lời buộc tội và phản ứng tiêu cực của dư luận Pháp lúc đó đã thực sự là một cú sốc tinh thần rất lớn đối với ông, khiến ông bị đột quỵ và sau đó phải sống những ngày cuối đời trong trại dưỡng lão, không gia đình và người thân.
Sau khi Boudarel mất, theo di nguyện của ông, nửa phần tro cốt đã được rải ở ngài khơi nước Pháp. Nửa phần còn lại, "Hội những người bạn của Boudarel" đã gìn giữ trong suốt 16 năm để mong một ngày có thể thực hiện được lời hứa với ông, là đưa ông trở về Việt Nam, tổ quốc và quê hương thứ hai của ông.
Nhà báo Thu Hiền và GS. Pierre Brocheux, đồng nghiệp của ông Boudarel, tại cổng trường Đại học Paris 7
ĐIỀU CHỊ ẤN TƯỢNG NHẤT TRONG QUA TRÌNH TÁC NGHIỆP Ở NƯỚC NGOÀI?
Nhà báo Thu Hiền: Ấn tượng khi tác nghiệp tại Paris có lẽ là những vụ đình công, nhiều hôm khiến cho hệ thống giao thông công cộng như metro hay xe buýt bị tê liệt. Nhiều lúc, đợi taxi quá lâu, thậm chí là không có cả taxi, chúng tôi đã phải xách máy, cuốc bộ hàng cây số để tới nhà nhân vật cho khỏi lỡ cuộc hẹn quý giá mà phải mất bao công sức mới liên hệ được.
Tại Paris, bên cạnh những nhà nghiên cứu là bạn và đồng nghiệp của Giáo sư sử học Goerges Boudarel, chúng tôi cũng tìm gặp được một số sĩ quan Pháp đã từng bị bắt và giam giữ nhiều năm liền tại các trại tù binh ở vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam. Tất cả đều đã hơn 90 tuổi.
Trong đó ấn tượng nhất là cuộc gặp với Đại tá Bernard Grué, cựu tù binh Đông Dương, người chưa từng bao giờ đồng ý trả lời phỏng vấn bất kỳ phóng viên nào trước đó, kể cả phóng viên Pháp. Từ chỗ e dè, nghi ngại với các phóng viên Việt Nam, sau khi tiếp xúc, ông Bernard Grué đã cởi mở hơn và chia sẻ với chúng tôi những kí ức không thể quên về trận chiến ở Đông Khê Cao Bằng, về cuộc gặp bất ngờ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi bị bắt, về điều kiện sinh hoạt tại trại tù binh sĩ quan số 1 nơi ông được ở trong nhà dân, sống và lao động cùng người dân địa phương... Sau cuộc trò chuyện, ông Bernard Grué rất vui và ngày hôm sau đã gửi cho chúng tôi một bức thư rất cảm động.
Tác nghiệp tại Đức, liên quan đến nhân vật Erwin Borchers Nguyễn Chiến Sỹ, khó khăn nhất đối với chúng tôi có lẽ là quá trình liên hệ và xin ghi hình tại Cơ quan lưu trữ Liên bang, nơi còn lưu giữ nhiều tài liệu gốc và quan trọng, ví dụ như những bức thư viết tay của ông Chiến Sỹ gửi Chính quyền Cộng hoà Dân chủ Đức, báo cáo về tình hình lính lê dương gốc Đức ở trong quân đội Pháp, về công việc của ông trong cơ quan địch vận đó là truyên truyền, giác ngộ những ngươi lính Đức buông súng, đứng về phía Việt Minh... Ở đây cũng có bản gốc các tờ truyền đơn, những tờ báo địch vận bằng tiếng Đức và tiếng Pháp mà ông Borchers tự tay biên tập và in ấn... Để có thể ghi hình những tư liệu quý giá này, chúng tôi may mắn có sự giúp đỡ kết nối từ ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán-Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Tuy nhiên, quá trình liên lạc qua thư điện tử cũng mất cả tháng trời mới có được giấy phép của Lưu trữ Liên bang Đức.
Ở Berlin, chúng tôi đã gặp được một trong sáu người con của ông Borchers với người vợ Việt Nam, cô Claudia Việt Đức. Đây là tên gọi mà ông dành cho đứa con yêu, thể hiện tình cảm sâu sắc và sự gắn bó của ông với cả hai quê hương Đức và Việt Nam.
TRỰC TIẾP GẶP CÁC NHÂN VẬT, NHÂN CHỨNG VÀ LẮNG NGHE CÂU CHUYỆN MÀ HỌ CHIA SẺ, CẢM XÚC LÚC ẤY CỦA CHỊ NHƯ THẾ NÀO?
Nhà báo Thu Hiền: Tôi thấy cảm phục, tự hào nhưng cũng không khỏi xót xa … Những con người ở phía bên kia chiến tuyến, họ đã nghe theo tiếng gọi của lý tưởng và chính nghĩa để đứng vào hàng ngũ cách mạng và trở thành một người lính của Bác Hồ. Họ tin tưởng tuyệt đối vào con đường mà mình đã chọn, dù biết đó là con đường vô cùng chông gai, dù phải hy sinh, như ông Goerges Boudarel khi đến với kháng chiến, ông bị kết án tử hình vắng mặt và sau này đến những năm tháng cuối đời vẫn phải chịu nhiều đau khổ vì sự lựa chọn thời tuổi trẻ của mình ... Họ đã dành những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất cho cuộc kháng chiến của Việt Nam và suốt cả cuộc đời đã nặng lòng vì hai tiếng Việt Nam.
HAI TRONG BA NHÂN VẬT CHÍNH CỦA BỘ PHIM ĐỀU ĐÃ MẤT, LÀM THẾ NÀO Ê-KÍP CÓ THỂ TÁI HIỆN CUỘC ĐỜI HỌ MỘT CÁCH CHÂN THỰC NHẤT?
Nhà báo Thu Hiền: Chúng tôi kể lại câu chuyện về cuộc đời họ chủ yếu là từ các tư liệu, cứ liệu lịch sử và ký ức của những người đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình họ
Tuy nhiên để có thể truyền tải tất cả nội dung và kể lại những câu chuyện đó bằng hình ảnh, không hề dễ chút nào. Sau rất nhiều cân nhắc, thử nghiệm, chúng tôi đã quyết định dùng phương pháp tái hiện. Phim là sự kết hợp giữa tư liệu lịch sử, nhân chứng lịch sử và các cảnh quay tái hiện được xử lí bằng đồ họa.
Sau hành trình tại Châu Âu, trở lại Việt Nam, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm nhân chứng có liên quan đến các nhân vật. Đồng thời tiến hành ghi hình một số cảnh quay tái hiện theo lời kể của các nhân chứng cũng như tự truyện/hồi ký của nhân vật. Chúng tôi đã tiến hành quay tái hiên tại TP Hồ Chí Minh, tại chiến khu Đ (tỉnh Bình Dương hiện nay) và tại khu di tích An toàn khu ở Định Hóa, Thái Nguyên. Công tác lựa chọn bối cảnh, casting diễn viên đòi hỏi rất nhiều công sức, sao cho những cảnh quay tái hiện đảm bảo tính xác thực, chân thật nhất có thể. Đối với cả ê-kíp, việc tìm được những diễn viên người nước ngoài, biết nói tiếng Pháp và tiếng Đức, có ngoại hình giống gần nhất với nhật vật, có khả năng diễn xuất và nhiệt tình tham gia quay phim trong những điều kiện khá vất vả và eo hẹp về thời gian, đã là một thành công của bộ phim.
Hậu trường các cảnh quay tái hiện
Ở THỜI ĐIỂM BỘ PHIM SẮP LÊN SÓNG, CHỊ CÓ MUỐN CHIA SẺ ĐIỀU GÌ VỚI KHÁN GIẢ?
Nhà báo Thu Hiền: Đến thời điểm này, tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi đã làm được!
Cá nhân tôi thấm thía một điều khi bạn nỗ lực hết mình và kiên tâm theo đuổi con đường mà mình đã chọn, cả vũ trụ sẽ đồng hành cùng bạn.
Nhìn lại hành trình đã trải qua, và quá trình tìm kiếm những nhân chứng và tư liệu cho bộ phim này, tôi vẫn tự thấy mình may mắn, vì được rất nhiều người thấu hiểu và giúp đỡ, và những lúc khó khăn nhất, luôn có một sức mạnh nào đó dẫn đường chỉ lối để tôi có thể gặp được những người mình cần gặp.
Chúng tôi cảm thấy may mắn vì đã ghi lại được những hình ảnh chân thực và xúc động, đã gặp được những nhân vật đặc biệt, những chứng nhân lịch sử đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, và ghi lại câu chuyện của họ. Chúng tôi cũng đã tiếp cận được với những hình ảnh, những tư liệu quý hiện đang được lưu giữ cẩn thận tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia của Pháp và Đức..
Trong bộ phim có một nhân chứng là GS sử học Pierre Brocheux là đồng nghiệp thân thiết của ông Georges Boudarel tại trường Đại học Paris 7. Ông ấy đã trả lời email của tôi rằng: "Từ lâu nay tôi không tiếp các nhà báo nữa. Nhưng tôi sẵn lòng trả lời phỏng vấn của cô, chỉ vì một điều Boudarel xứng đáng để không bị lãng quên". Và đó cũng chính là điều tôi muốn nói với khán giả, những người chiến sĩ quốc tế - "những người lính da trắng của Bác Hồ" - họ xứng đáng để không bị lãng quên, trong những trang sử và trong ký ức của mỗi chúng ta.
Hành trình "TRỞ VỀ" của ông Boudarel nhiều năm sau khi ông mất cũng là một cái kết đẹp cho bộ phim. Chúng tôi rất vui vì đã có thể góp một phần nhỏ bé để kết nối, góp phần thực hiện được tâm nguyện của ông đối với quê hương Việt Nam.
Tôi nghĩ khán giả sẽ cảm động khi xem bộ phim này.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Phim tài liệu Giữa những quê hương sẽ phát sóng vào 20h10 ngày 15/5 trên kênh VTV1. Mời quý vị và các bạn đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!