Mỗi thời kỳ lại có những chiếc máy quay, máy dựng khác nhau. Công nghệ ngày càng phát triển, thiết bị cũng thay đổi. Tuy nhiên có những thiết bị đã gắn bó lâu năm, ghi lại nhiều sự kiện lịch sử của Việt Nam.
Máy quay phim nhựa 16mm. Chiếc máy này do Liên Xô sản xuất. Đài THVN dùng trong thời gian 1968 - 1971. Phóng viên, quay phim Nguyễn Anh Dũng đã sử dụng máy này ghi được những hình tư liệu quý ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Bell Howell 70 DR. Loại mày chạy bằng dây cót, được các phóng viên, quay phim Đài THVN sử dụng khá phổ biến từ năm 1971 để ghi hình nhiều chương trình thời sự và phóng sự.
Máy quay phim Paillard Bolex 16mm. Loại máy này được sử dụng chủ yếu trong thời kỳ đầu của Truyền hình Việt Nam cũng với các loại khác như: Bell Howell, Canon,... Máy này được NSƯT - Đạo diễn Phạm Việt Tùng sử dụng và quay được chiếc máy bay B52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong trận Điện Biên Phủ trên không đêm 27/12/1972.
Máy quay phim nhựa đen trắng. Năm 1975 Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng sản xuất tin bài trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đoạn cuối giải phóng Đà Nẵng. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, máy dùng để bắt bảng chữ ở trường quay.
Camera AVC 3250CE (bên trái) được sử dụng từ đầu năm 1976 đến những năm 80. Dùng bắt lại hình ảnh qua monitor hoặc ảnh tĩnh ở phòng dựng. Máy thu hình MS 5083 Unitra WZT (bên trái) do Ba Lan sản xuất, Đài THVN nhập năm 1974. Máy được lắp đặt đồng bộ trong các studio và phòng máy của TTTH Giảng Võ đến hết năm 1985.
Máy quay National WV-3085 và máy ghi hình National WV-3082.
Hai chiếc máy này nằm trong bộ ghi hình lưu động, được Đài THVN sử dụng từ năm 1974 để ghi hình bác Tôn Đức Thắng đi thăm cà chúc tết nhân dân, bộ đội trong dịp Tết Nguyên Đán năm 1975,...
... sau đó ghi những hình ảnh quân đội ta chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Máy quay phim màu Sony DXC-1200P (bên phải). Máy thuộc thế hệ đầu tiên của camera màu 1 ống Vidicon. Năm 1977, Đài Truyền hình Việt Nam nhập về để phát sóng thí nghiệm chương trình truyền hình màu. đầu năm 1980, camera này được lắp đặt cũng các thiết bị khác lên xe IIAZ (Liên Xô cũ) thành xe truyền hình màu lưu động. Máy quay này được sử dụng đến cuối năm 1987.
Video casette recorder VHS (bên trái) là đầu ghi hình và đọc băng VHS cửa trên, đi kèm máy quay VHS sản xuất tin tức thời sự, phóng sự chuyên đề những năm 80. Bên phải là Máy quay phim Panasonic hệ PAL, gọn nhẹ, quay bằng băng VHS, sử dụng để sản xuất các tin, phóng sự chính luận. Các phóng viên thường sử dụng đi sản xuất chương trình với ekip 2 người (1 biên tập, 1 quay phim).
Máy dựng Sony RM-450CE. Máy lắp tại phòng dựng E2 để dựng chương trình dạy tiếng Pháp phát sóng trên kênh VTV2. Chương trình dạy tiếng Pháp bắt đầu từ năm 1990 đến khoảng năm 2006, 2007 thì dừng phát sóng.
Máy ghi hình Umatic VO-4800PS. Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng những năm 80 ghi hình chường trình lưu động cùng với camera (quay băng Umatic) thuộc nhóm thiết bị trên xe Ba Lan. Khi cơ quan thường trú Đài THVN tại Lào được thành lập, thiết bị này được chuyển sang Lào để sử dụng từ 1998 đến 1999. Sau đó, cơ quan thường trú tại Lào được trang bị thiết bị sản xuất chương trình betacam thì máy này được bàn giao cho TTTL.
Máy quay S-VHS M9500. Được sử dụng trong khoảng những năm 90, đầu những năm 2000. chất lượng hình ảnh tốt hơn so với VHS, có thể ngang với Umatic, sử dụng làm tin thời sự và các chương trình chuyên đề, phim tài liệu.
Camera số Hitachi SK-3020P. Đây là camera định dạng HDTV, chất lượng hình ảnh cao, có cảm biến ITCCD 2/3-inch 2.2M pixel. Công năng vừa ở trường quay vừa đi lưu động sản xuất các chương trình phóng sự, phim tài liệu.
Camera Sony Betacam SP400AP. Máy quay này dùng phục vụ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng giai đoạn 2006 - 2010. Nhóm phóng viên tháp tùng: Biên tập Phạm Quốc Thắng, quay phim Chu Anh Tuấn, kỹ thuật Hoàng Việt Thanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!