Những ngày này, VTV đang nhộn nhịp trong không khí chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 45 năm ngày phát sóng chương trình đầu tiên và đây cũng là lý do để VTV News có cuộc trò chuyện với NSƯT Huyền Thanh – nguyên Phó Trưởng Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam. Chị là người đã gắn bó và làm nên nhiều chương trình mang thương hiệu VTV, có thể kể đến Câu lạc bộ bạn yêu nhạc, Sao mai, Sao Mai Điểm hẹn…
Trước câu hỏi con số 45 năm có ý nghĩa như thế nào với chị, NSƯT Huyền Thanh nói: “Tôi vẫn còn nhiều tình cảm với VTV, vẫn rất quan tâm và nhớ đến ngày sinh của Đài. Tôi vẫn còn những cảm xúc nhớ nhung và thật sự, vào những dịp kỷ niệm như thế này, cũng hơi cảm thấy bùi ngùi và tiếc nuối. Năm nay, 45 năm, chắc chắn Đài sẽ tổ chức lớn và nếu như vẫn còn làm việc, mình sẽ có cơ hội hòa vào không khí ấy, làm những chương trình kỷ niệm cùng tất cả mọi người”.
“Tôi nghĩ cảm giác ấy là lẽ tất nhiên. Tôi đã dành cả cuộc đời mình ở VTV. Tôi ra trường là về làm việc ở Đài và gắn bó với Đài cho đến lúc về hưu. Nói như vậy để bạn có thể hình dung về sự gắn bó của tôi với nơi này và vì sao tôi vẫn luôn có nhiều cảm xúc với VTV đến như thế. Tốt nghiệp Nhạc viện tôi đã bước thẳng vào VTV và sau mấy chục năm làm việc, tôi đã bước thẳng một bước từ VTV về nhà”.
Vậy ngược thời gian một chút, điều gì đã khiến chị quyết định lựa chọn VTV thay vì công việc biểu diễn như sự lựa chọn của phần lớn sinh viên Nhạc viện?
- Tôi nghĩ tôi với VTV giống như một cái duyên. Đó cũng là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Khi tôi tốt nghiệp thì đúng thời điểm Đài phát triển mảng văn nghệ và thế là tôi về làm việc ở VTV. Lúc bấy giờ hầu hết mọi người đều bắt tay ngang, không phải ai cũng được đào tạo chuyên nghiệp để trở thành biên tập viên truyền hình.
Lúc bấy giờ tôi cũng không ý thức khi về VTV mình sẽ làm gì, mọi thứ tự chúng đưa đẩy và hình như nghề này đã chọn tôi. Cái duyên đến và mọi thứ trôi đi cùng năm tháng và tôi đã gắn bó với VTV cho đến những ngày cuối cùng. Vì thế, tôi nghĩ với VTV, đó là một cái duyên.
Chị có nhớ sản phẩm đầu tiên mình làm lúc đó?
- Rất nhớ. Chương trình đầu tiên tôi làm có tên Mùa thu tình yêu và tôi không bao giờ quên được. Chương trình ấy có NSƯT Ngọc Lan, Đức Chính, Thanh Lam… Thanh Lam lúc đấy còn trẻ lắm, chỉ khoảng 18 tuổi thôi.
Ngày đó làm một chương trình vất vả hơn bây giờ. Ngày ấy không phải ai cũng có điện thoại để bàn nên đừng nghĩ sẽ gọi điện thoại cho ca sĩ để mời họ như bây giờ. Muốn mời ca sĩ, nhạc công là mình phải đạp xe tới gặp họ để mời, in từng bản nhạc hoặc chép tay bản nhạc để đưa cho ca sĩ. Mình chép sai nốt nào là ca sĩ hát sai nốt đó, nhạc công đánh sai nốt đó. Rồi khi có thời gian ghi hình là lại phải đạp xe đi gặp từng người, nói ngày đấy, giờ đấy sẽ ghi hình chương trình. Phải hôm nào Đài báo hoãn là lại tong tong đạp xe đi báo lại thời gian cho ngần ấy người.
Lúc đấy chị có thấy mệt không?
- Ngày đó không dám nghĩ đến mệt vì công việc nó là như vậy. Mà thật ra lúc đó cũng chưa có gì để mình so sánh cả, để biết mình khổ hay không. Mình chỉ biết đó là công việc của mình và mình làm thôi. Lúc đó cứ được làm việc là thích lắm rồi. Bạn biết, ngày đó sóng Đài cứ đến 7h tối mới có nên khi đó được làm là sung sướng, được phát sóng là sung sướng. Không ai nghĩ vất vả hay mệt mỏi vì đương nhiên mọi việc là như thế. Công nghệ của mình lúc đó còn quá non trẻ.
Cho nên sau này, khi tôi làm Sao mai, ngồi một chỗ và chỉ với một cuộc điện thoại, mời một ông ở tận Thái Lan sang làm việc với mình, thấy sướng quá, nhàn quá.
Nói một chút về chương trình Câu lạc bộ bạn yêu nhạc. Đây là một trong những chương trình mang thương hiệu VTV, vẫn còn rất sâu sắc trong ký ức của rất nhiều người… Với chị thì sao?
- Đó là năm 1996 và VTV3 mới được thành lập. Lúc đó anh Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài THVN) muốn chúng tôi làm một chương trình trò chơi nào đó liên quan đến âm nhạc. Tôi và anh Lương Nguyên bàn nhau và cuối cùng là Câu lạc bộ bạn yêu nhạc ra đời – một chương trình Made in Việt Nam chính hiệu.
Lúc đó từ format chương trình với chúng tôi còn rất xa vời, chúng tôi chỉ nghĩ ra một trò chơi và mỗi hôm lại nghĩ ra một trò chơi nào đó. Bây giờ nhìn lại thấy rất ngây ngô nhưng mọi thứ khi ấy đều trong sáng và rất gần gũi. Vui vì thời điểm đó, chương trình đi đến đâu cũng đều được mọi người hưởng ứng.
Mà có lẽ đó là một trong những chương trình có người dẫn già nhất. Tôi khi ấy 37 tuổi và anh Lương Nguyên thì đã 50.
Chắc hẳn chị có không ít kỷ niệm với chương trình?
- Nửa tháng trước tôi đến Đăk Lăk, vẫn có nhiều người nhớ tới chương trình Câu lạc bộ bạn yêu nhạc khi chúng tôi mang chương trình về đây. Lần đó chúng tôi làm ở nhà thi đấu và khán giả đến đông lắm. Hôm đó tôi mặc áo dài và áo dài thời đó chỉ là khuy bấm, chưa có khóa móc hiện đại như bây giờ. Họ túm lấy tôi và toàn bộ vạt áo dài phía sau của tôi bị bung ra… Kỷ niệm ấy vẫn còn được nhắc lại trong chuyến đi của tôi đến Đăk Lăk vừa rồi.
Nói chung, với Câu lạc bộ bạn yêu nhạc, tôi có rất nhiều kỷ niệm nhưng ấn tượng đáng nhớ nhất là mỗi chương trình luôn kẹt cứng khán giả, luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí hỗn loạn. Làm chương trình đó mệt nhưng vui.
Vậy còn Sao mai và Sao Mai Điểm hẹn thì sao?
- Hai chương trình đó giống như máu thịt của tôi vậy. Với Sao mai, ngoại trừ năm đầu tiên thì suốt những năm sau đó, cho tới lúc nghỉ hưu, tôi đều gắn bó với nó. Sao mai năm nay ngồi nhà xem, vẫn giữ thói quen nhận xét rằng nếu mình còn làm thì sẽ như thế nào, rồi bình luận, có khi vui, có khi bực bội…
Bây giờ tôi đã không làm việc nữa nên có nhiều thời gian xem TV hơn. Nhiều khi mình xem thấy MC nói thừa câu gì đó là lại quay sang bảo chồng: “Em mà duyệt chương trình này là bắt cắt ngay câu này”.
Có vẻ như chị tuy đã nghỉ hưu nhưng tâm hồn thì vẫn ở VTV nhỉ?
- Đúng vậy. Ông chồng tôi mỗi khi thấy tôi phản ứng khi xem một chương trình nào đó là ông ấy lại bảo: “Thôi, thôi, giảm xuống, giảm xuống đi!”.
Có vẻ chị vẫn chưa quen mình được nghỉ ngơi?
- Có vẻ như vậy. Tôi gắn bó với VTV quá lâu, từ những ngày vất vả nhất nên bây giờ vẫn dành cho nó rất nhiều tình cảm. Như tôi đã nói, tôi ra trường là về Đài luôn nên nó như máu thịt của mình. Tất cả đều gắn bó ở đó.
Có vẻ như ông xã của chị vẫn chưa có lại bà vợ của mình dù bà ấy đã nghỉ hưu?
- (Cười) Nói thế thôi chứ thỉnh thoảng tôi mới lại có cơn thôi.
Cuộc sống của chị sau khi nghỉ hưu thế nào?
- Bạn thấy tôi thế nào?
Sau 2 năm gặp lại, thấy chị vẫn trẻ trung như thế, vẫn nhiệt huyết như thế và xem Facebook của chị thì có vẻ chị vẫn chưa thật sự nghỉ ngơi?
- Thay đổi lớn nhất là tôi không còn đến cơ quan mỗi ngày. Đôi khi điều đó vẫn làm tôi có một chút gợn buồn, đặc biệt khi mỗi sáng nhìn ai đó ăn mặc chỉnh tề, xách cặp đi làm… Thỉnh thoảng điều đó vẫn khiến tôi hơi giật mình một chút, tự hỏi hôm nay mình làm gì nhỉ? Tuy nhiên, đấy là thời gian đầu, bây giờ tôi đã quen quen rồi.
Cuộc sống của tôi bây giờ thư thái hơn, không bị guồng quay công việc xoáy mình đi nữa. Một điều khác là tôi vẫn làm việc này việc kia sau khi nghỉ hưu. Lúc đầu cứ nghĩ mình nghỉ rồi không có việc gì làm thì mình sẽ trở nên vô dụng. Cảm giác sợ nhất là thấy mình vô dụng.
Đó cũng là điều chồng tôi lo nhất sau khi tôi nghỉ hưu, rằng rảnh rỗi thì tôi sẽ như thế nào? Cũng may sau khi nghỉ tôi có việc để làm và công việc tương đối liên tục. Nó cũng có niềm vui trong đấy nên đầu óc luôn được hoạt động. Tôi sợ nhất là mình nghỉ lâu, đầu óc mình nó lười lao động, chẳng nghĩ ngợi gì.
Bây giờ chị sợ nhất điều gì?
- Tôi sợ nhàn rỗi. Tôi là người thích hoạt động, đi lại, di chuyển rất nhanh, giờ mà phải đi chậm chậm như mấy bác lớn tuổi là tôi rất hãi.
Đã ai mời chị đi họp tổ dân phố chưa?
- Bây giờ tôi đi họp rất tích cực. (Cười) Lúc còn đi làm tôi vẫn đi họp, vì mình sống ở đó nên chuyện này là tất nhiên, nhưng lúc đó tôi chỉ ngồi ngoài xem mọi người họp thôi. Tinh thần tôi vẫn hơn hớn lắm.
Biết chị từ năm 2006, tới giờ đã gần 10 năm và dường như chị không thay đổi gì, lúc nào cũng đầy năng lượng. Làm thế nào chị giữ được năng lượng ấy?
- Không biết nữa, không biết từ đâu nó cứ trào ra. Tôi cũng muốn kiềm chế lắm.
Tôi thấy chị giàu năng lượng, ngay cả nghỉ hưu rồi vẫn thế. Năng lượng ở đâu mà lắm vậy? Tôi thấy chị còn nhiều năng lượng hơn rất nhiều người trẻ. Nhiều người trẻ bây giờ ì lắm.
- Tôi nghĩ năng lượng là do ở mình. Nó phát sinh từ suy nghĩ của mình, trong đầu mình và khi mình có nó thì nó luôn khiến cho mình hoạt động. Tôi là kiểu người nói nhanh làm nhanh.
Tò mò một chút, ông xã của chị làm sao chịu đựng được một bà vợ lúc nào cũng nhiều năng lượng như thế?
- Ông xã tôi lại thấy những điểm đó của tôi rất đáng yêu. Ông ấy rất thương tôi và đến thời điểm này ông ấy muốn tôi được nghỉ ngơi. Nhưng ông ấy cũng hiểu là tôi nghỉ tôi sẽ ốm, khi tôi nghỉ không hoạt động nữa tôi giống như một người ốm. Ông ấy nhìn một con gà rù trong nhà ông ấy còn chán hơn nhìn thấy một con gà cục tác suốt ngày. Chồng tôi hiểu tôi phải cục tác suốt ngày, nếu đứng im tôi sẽ thành con gà rù.
Khi đi làm tôi như con cá được thả vào trong nước và chồng tôi nhìn thấy thế ông ấy cũng cảm thấy vui.
Tuy nhiên, chồng tôi cũng kìm tôi nhiều. Vợ chồng tôi hay chia sẻ với nhau nhiều điều.
Chồng chị đã bao giờ than phiền gì về chị chưa?
- Để không bị chồng than phiền tôi luôn cố gắng hoàn tất việc nhà. Tôi luôn nói với ông ấy là của chồng công vợ và của vợ công chồng. Tôi luôn đề cao sự quan tâm, chăm sóc của chồng tôi với con cái và với công việc gia đình. Chồng tôi là người chia sẻ việc gia đình rất nhiều với tôi. Ông ấy sẵn sàng lau nhà, rửa bát và không nề hà gì.
Tôi nghĩ tất cả là ở mình. Mình phải làm sao để người đàn ông hiểu và cùng chia sẻ với mình nhưng họ cần được tôn trọng. Đó chính là điều chồng tôi không cáu tôi được.
Đó là do chị may mắn hay do chị biết cách sống, biết cách cân bằng?
- Tôi nghĩ may mắn có một phần và bản thân mình cũng phải cân bằng. Mình phải biết mình là ai, ở vị trí nào. Ví dụ, ở cơ quan mình có thể là bà này bà nọ nhưng về nhà mình chỉ là một người mẹ, một người vợ. Tôi luôn xác định không mang việc cơ quan về nhà và không mang việc nhà đến cơ quan.
Tôi có một hạnh phúc là các con tôi rất tự hào về tôi, rất hãnh diện về mẹ chúng tuy không mang mẹ ra khoe. Con trai, con gái tôi hay tâm sự với tôi. Có thể do tôi chơi với nhiều trẻ con nên đôi khi tôi cũng hơi nhí nhố. Bây giờ tôi cũng phải kiềm chế bởi vì mình cũng đã có tuổi.
Nghe chị nói thấy cuộc sống của chị dường như chẳng có gì để than phiền, rất mãn nguyện. Có phải thế không? Chị có thấy mãn nguyện không?
- Tôi cũng thấy thế. Nói chung, cho đến hôm nay, tôi thấy mãn nguyện với những gì mình có, với cuộc đời mình.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.