Hẹn gặp NTK Đức Hùng sau 3 ngày ghi hình "quần nhau đến sáng" của Táo quân tại cơ quan của anh là Nhà hát múa rối Thăng Long, anh vừa xuống nước diễn cùng anh em vì gần Tết nhà hát đón rất nhiều đoàn khách. Trông anh không có chút gì mệt mỏi, vẫn hừng hực khí thế, một lúc điều hành mấy việc tăm tắp khiến người đối diện bị "choáng" vì cái năng lượng khủng khiếp đó. Và câu chuyện những ngày cuối năm này với NTK Đức Hùng chính là về những bộ xiêm y của các Táo trong chương trình được mong đợi nhất mỗi tối giao thừa trên sóng VTV.
- Anh đã làm trang phục cho chương trình Táo quân được bao lâu rồi?
Chắc là khoảng 6, 7 năm gì đó rồi, làm liên tục từ đó đến giờ.
- Mỗi chương trình Táo quân thì anh chuẩn bị trang phục trong bao nhiêu lâu?
Chuẩn bị nguyên liệu vải vóc thì trước đó cả năm, còn bắt đầu lên mẫu thêu thùa đính kết thì trước đó khoảng 3, 4 tháng. Nhưng điểm khác biệt và hấp dẫn của Táo quân lại ở tính thời sự cập nhật, nên sát ngày diễn mới là lúc khối lượng công việc nhiều nhất và nhiều tạo hình theo kịch bản mới ra đời.
- Anh đã làm gì trong nhiều năm qua để "xây dựng hình ảnh" cho các Táo qua trang phục?
Tôi không gặp khó khăn trong việc "xây dựng hình ảnh" cho các Táo qua trang phục vì bản thân tôi là người yêu dân gian. Ngoài ra tôi còn là một nghệ sĩ múa rối nước nên tôi được tiếp cận nhiều với văn hóa dân gian, nó tự nhiên trong tôi rồi. Tuy nhiên các Táo vẫn là những nhân vật giả tưởng, vì thế cũng cần có những tiêu chí do chính mình đặt ra để "xây dựng hình ảnh" cho phù hợp. Tôi cho rằng các Táo là những nhân vật rất gần gũi, song hành cùng cuộc sống con người, sống trong bếp mỗi nhà, biết hết hỉ nộ ái ố mỗi người. Nên dù trang phục có lung linh lộng lẫy đến đâu thì vẫn cần toát lên vẻ gần gũi.
- Làm thế nào để các Táo toát lên được vẻ gần gũi qua trang phục như mong muốn của anh?
Làm gì thì làm nhưng khi nhìn vào thì người xem phải thấy các bộ trang phục đó đậm chất dân gian văn hóa Việt Nam. Về phom dáng thì tôi sử dụng dáng áo tứ thân, ngũ thân, vai liền, làm theo đúng cách của "các cụ ngày xưa", chúng ta vẫn thấy nhiều trong các lễ hội hàng năm.
Tuy nhiên sự gần gũi sẽ đến từ khoảng cách giữa trang phục và tinh thần của khán giả hiện tại. Bê nguyên trang phục như các cụ đã từng làm lên sân khấu ngày hôm nay thì đâu có phù hợp nữa, đâu còn gần gũi nữa. Nên tôi có nhiều sáng tạo trong việc sử dụng màu sắc và trang trí, không đằm và không hiền hậu như các cụ đã làm đâu.
- Vậy làm thế nào để thỏa mãn khán giả khi cứ năm sau khán giả lại chờ xem Táo mặc gì, anh có bị sức ép không?
Trả lời thật nhé, tôi chả gặp sức ép nào cả đâu. Mọi người nghĩ rằng tôi căng thẳng lắm, lo lắng lắm khi bao nhiêu người chờ đợi kì vọng xem Táo mặc gì mỗi năm. Chắc là do các Táo trên trời thương tôi (cười), cho tôi sức khỏe, cho tôi sự vui vẻ, đó là những yếu tố rất cần để sáng tạo. Ngoài ra thì một sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ sớm, kinh nghiệm lâu năm trong nghề và một bản năng "hợp" với chương trình Táo quân nữa. Nhiều nhà thiết kế cũng giỏi lắm nhưng mà có thể khó "hợp" với chương trình đặc biệt này.
- "Hợp với chương trình đặc biệt này" tức là thế nào, thưa anh?
Vì tôi là một người "ba trong một". Tôi là một nghệ sĩ sân khấu đã theo nghề 35 năm rồi, tôi là một nhà thiết kế và là một đạo diễn nữa. Tôi làm việc bằng 3 tâm hồn khác nhau. Thế nên tôi hiểu 1 bộ trang phục thế nào thì hợp với sân khấu, diễn viên cần 1 bộ trang phục thế nào để hỗ trợ cho diễn xuất và đạo diễn cần truyền tải thông điệp gì qua trang phục. Trang phục sân khấu, cụ thể hơn là trang phục cho chương trình Táo quân phải hòa quyện được các yếu tố về thẩm mỹ, cá tính nhân vật và câu chuyện thời sự, đâu phải một bộ sưu tập thời trang trình diễn catwalk đâu. Kì lạ lắm, khán giả hồi hộp chờ xem chương trình này không chỉ để xem nội dung thế nào mà còn để xem các Táo mặc gì nữa.
- Anh nói nhiều đến tính thời sự trong trang phục, anh có thể nói rõ hơn về điều này được không?
Đó là sự khác biệt của chương trình Táo quân đấy, có phải cứ ông Táo bà Táo năm này giống hệt năm khác đâu, có rất nhiều vấn đề của xã hội được truyền tải qua trang phục các Táo đó chứ, chả cần nhiều thoại, chả cần nhiều diễn, nhìn trang phục thôi là biết muốn nói gì rồi. Bên cạnh những set đồ truyền thống thì những set đồ thời sự này là phần thử thách nhất khi làm chương trình mà không phải ai cũng chịu được "nhiệt". Đạo diễn và tôi là những người biết nội dung đầu tiên, trước cả diễn viên. Chúng tôi cùng nhau trao đổi, bàn bạc rất nhiều để đi đến những tạo hình phù hợp.
Như Táo quân năm trước, khi khán giả bội thực với các cuộc thi người đẹp hoa hậu thì nhân vật Bắc Đẩu xuất hiện với váy trắng, đội vương miện, đeo băng đô. Nhưng mà băng đô lại có dòng chữ "QƯỜI ĐỊOP CÂU LỘK" - NGƯỜI ĐẸP CHÂU LỤC theo cải cách chữ. Trang phục đó hỗ trợ cho câu chuyện, cho nội dung rất nhiều. Rồi còn cắt cử diễn viên nào đóng vai Táo nào, vì mỗi năm lại có những vẫn đề xã hội nổi cộm khác nhau cần phản ánh.
- Thế riêng trong Táo quân năm nay, anh hài lòng nhất về điều gì?
Đó là sự sang trọng, đúng đẳng cấp cho cả một thiên đình trên sân khấu. Tôi chi tiết từ áo quần mũ mão hia hài, đến cả bộ đồ lót của Xuân Bắc, tất cả đều rất đồng bộ và kĩ lưỡng. Ngoài ra tôi cũng rất tâm đắc với sự sắp đặt màu sắc năm nay, lấy ý tưởng từ cờ hội. Đời sống người dân bây giờ đã khác xưa nhiều rồi, họ mặc đẹp thì họ cũng sẽ yêu cầu các nghệ sĩ trên sân khấu phải đẹp, phải lộng lẫy hơn chứ, làm gì có chuyện trang phục các Táo lên thiết triều lại không cầu kì bằng trang phục họ mặc. Tôi chọn vải rất cao cấp, thêu thùa đính kết vô cùng tỉ mỉ để camera quay cận vào, để khán giả sành điệu ngồi xem cũng phải thấy thuyết phục. Tôi rất thích câu nói: "Tận cùng của dân tộc sẽ chạm đến tận cùng của thế giới", tôi không chọn thủ pháp trưng trổ, tấn công về mặt thị giác, áp đảo người nhìn. Vẫn rất rực rỡ lộng lẫy đấy, nhưng tôi thích có thêm sự đẹp ngầm, lan tỏa không quá ồ ạt. Bạn biết không, sau 3 đêm quay hình, ai ra cũng khen trang phục, tôi rất hạnh phúc.
- Vậy điều gì ở Táo quân khiến anh tâm huyết đến vậy trong suốt nhiều năm qua?
Đó là sự vất vả, anh tin không. Vì tôi là người cá tính lắm, tôi thích làm những thứ khó, không thích mấy thứ êm đềm nhẹ nhàng đâu. Ngoài ra đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng là người tôi rất muốn hợp tác. Xưa đến giờ chả mấy người chỉ huy được tôi đâu, thế mà Hải làm được mặc dù bạn ý ít tuổi hơn tôi, làm tôi nể và phục thì tôi mới nghe, tất cả các cá tính mạnh đều cần được gói ghém để phục vụ cho một sản phẩm chung. Ngoài ra còn phải kể đến dàn diễn viên hùng hậu tài năng mà anh em rất thân nhau nữa chứ. Từ đó làm cho quá trình sáng tạo của tôi phát huy được tối đa. Táo quân là một môi trường sàng lọc rất khắt khe, nếu mỗi cá nhân không làm tốt thì văng ra ngay.
- Trước khi phát sóng chính thức Táo quân trong dịp tết năm nay, có điều gì anh muốn nói với mọi người không?
Tôi sẽ không nói về trang phục nữa, để mọi người xem trên tivi và có cảm nhận của riêng mình thôi. Còn lúc này tôi muốn nói về hoài bão, hoài bão đâu chỉ có ở tuổi trẻ, tôi 50 tuổi rồi vẫn có hoài bão, vẫn có những thách thức cần vượt qua, vẫn có nhiều ước mơ. Không phải là sự nổi tiếng hay kinh tế nữa, đó là hoài bão về sự cống hiến, đóng góp.
Cảm ơn NTK Đức Hùng!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!