"Chuyến tàu thống nhất" được dẫn dắt theo hành trình của chuyến tàu từ Bắc vào Nam thời hiện tại, trong hành trình đó xuất hiện nhiều có các nhân chứng lịch sử kể lại những câu chuyện gắn liền với ngành đường sắt.
Một trong những nhân vật ấy là HLV Mai Đức Chung, ông đã từng là một trong những cầu thủ của đội Đường sắt Việt Nam. Ông nhớ lại: "Năm 1976 chúng tôi được tổng liên đoàn Đường sắt giao nhiệm vụ vào trong Nam để đá bóng. Đó là trận đấu lịch sử với chúng tôi. Đá trên sân chúng tôi cảm thấy rất sung sướng khi được bà con phía Nam tiếp đón như vậy". Ông cũng kể lại cho khán giả về những trận đấu giữa hai đội miền Bắc và miền Nam với những lối chơi khác nhau ra sao.
Phim tài liệu: Chuyến tàu thống nhất
Trong phim, khán giả còn được xem lại những câu chuyện, hình ảnh về thời khắc chuyến tàu Bắc – Nam lần đầu được nối lại sau 30 năm chia cắt. Ông Phạm Văn Mầu, Nguyên trưởng ban Tư tưởng văn hoá công đoàn Đường Sắt Việt Nam nhớ lại khoảnh khắc đầu tiên khi chuyến tàu thống nhất Bắc – Nam lần đầu lăn bánh:"tôi nhớ là ngày 31/12/1976 chào mừng đại hội Đảng ta, đường sắt thống nhất được khánh thành. Hai đầu đất nước tổ chức mít ting để chào mừng sự kiện vẻ vang đó".
Xem bộ phim Chuyến tàu thống nhất khán giả cũng hiểu thêm về vai trò của những chuyến tàu Bắc – Nam đã nối liền đất nước trong năm tháng chiến tranh bị chia cắt. Ông Phạm Văn Mầu cho biết, đường sắt với lợi thế trở được nhiều hàng hoá, vũ khí nên luôn là mục tiêu đánh phá lớn nhất của quân địch. Lực lượng cán bộ của đường sắt đã trải qua bao vất vả, khó khăn và cả những ý sinh xương máu để có thể đảm bảo những chuyến tàu luôn được thông suốt qua mưa bom, lửa đạn góp phần không nhỏ vào việc tạo nên ngày toàn thắng.
Trong ký ức của mình, ông Phạm Văn Mầu không thể nào quên: "Ngày 22/8/1966 tại ga núi Gôi, thuộc Vụ Bản, Nam Định, giặc Mỹ đã phát hiện ra đoàn tàu của ta có chở hàng hoá vào trong Nam và nó đã đánh phá đoàn tàu đó. Và đoàn tàu ấy đã bị trúng bom. Đại đội thanh niên xung phong 895, thuộc tổng đội thanh niên xung phong của tổng cục Đường sắt lúc bấy giờ ra cứu hàng hoá đặc biệt ấy. Và do cứu hàng hoá đặc biệt ấy 12 cán bộ, chiến sĩ của đại đội 895 đã anh dũng hi sinh tại trận. Còn nhiều người hy sinh tại Long Biên, Hàm Rồng, ga Vinh thì chúng ta không thể kể hết được".
Xem phim Chuyến tàu thống nhất, chúng ta hiểu rằng đã có biết bao người đổ mồ hôi, công sức để nối liền tuyến đường sắt Bắc - Nam. Và mối nối ray cuối cùng trên đại công trường sửa chữa đường sắt Bắc Nam khi ấy nằm km 446 + 850 ở ga Đồng Lê, Ngọc Lâm tại huyện Tuyên Hoá, Tỉnh Quảng Bình. Đây là mối nối cuối cùng vô cùng quan trọng giúp chuyến tàu Bắc – Nam được thông tuyến sau khi đất nước thống nhất.
Bên cạnh những câu chuyện trong quá khứ, còn là câu chuyện của thế hệ trẻ như chị Nguyễn Thị Giang, tiếp viên của Đoàn Phương Nam, thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Chị kể, sinh ra ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình nên từ bé đã chứng kiến những chuyến tàu Bắc Nam. Cảm thấy yêu thích công việc của một tiếp viên nên đã đi học trường Cao đẳng Đường sắt để biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Và giờ đây chị Giang cảm thấy mình thật may mắn khi được sống trong hoà bình với rất nhiều thuận lợi, chị chia sẻ: "Khi đi trên tầu nhìn cảnh vật bình yên hai bên đường, tôi luôn thầm cảm ơn thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương để giành lại thanh bình để các đoàn tàu được đi lại thông suốt".
Phim tài liệu: Chuyến tàu thống nhất
Có thể nói trải qua nhiều thời kì thăng trầm lịch sử cùng với đất nước ngành đường sắt hiện nay đang ngày một phát triển hiện đại và văn minh hơn. Anh Nguyễn Đức Tiến, bí thư đoàn Thanh niên, Tổng công ty Đường sắt khẳng định: "Thực hiện những điều bác Hồ dạy vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Tuổi trẻ đường sắt hiện nay tích cực triển khai các phong trào, hoạt động để hướng đến xây dựng một đường sắt Việt Nam hiện đại, phát triển trong tương lai".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!