"Voi sắt" là một bộ phim tài liệu được thực hiện bởi NSƯT - Đạo diễn Vũ Hoài Nam (Trung tâm Phim tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam). Đây là một trong những bộ phim được thực hiện hướng đến sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim sẽ được phát sóng vào 20h30 ngày mai (23/4) trên kênh VTV1.
Đến với bộ phim "Voi sắt", khán giả sẽ được biết chi tiết hơn về một trong những vũ khí quan trọng được cho là đã đưa đến thành công của trận Điện Biên Phủ lịch sử. Đó chính là những khẩu pháo.
'Voi sắt' của Quân đội nhân dân Việt Nam...
70 năm đã qua nhưng những đánh giá, phân tích về trận Điện Biên Phủ lịch sử vẫn luôn được nhắc đến. Khi nói về những thất bại của quân đội Pháp trong trận Điện Biên Phủ, một trong những nguyên nhân lớn được cho là đã dẫn đến thất bại của quân đội Pháp chính là sự chủ quan, đánh giá thấp về một trong những vũ khí quan trọng nhất của trận chiến - những khẩu pháo.
Những khẩu pháo này đã được những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam gọi là "Voi sắt".
'Không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo của Việt Minh'.
Trung tá Charles Piroth, sĩ quan pháo binh Pháp.
Xuất hiện trong phim tài liệu "Voi sắt", TS, Đại tá Trần Ngọc Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự Việt Nam - nói: "Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh đóng một vai trò cực kỳ to lớn. Có 2 lực lượng hỏa lực, đó là lực lượng pháo binh và lực lượng phòng không. Và chính 2 lực lượng này đã tạo nên sự bất ngờ lớn, đã làm cho bộ chỉ huy quân Pháp hoàn toàn đánh giá sai sức mạnh. Nó gần như tạo ra một cơn sốc cho cả bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm và cho cả binh lính Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ".
Điều đặc biệt là chỉ vài năm trước Điện Biên Phủ, tiềm lực về pháo của Quân đội nhân dân Việt Nam còn rất hạn chế với những vũ khí chủ yếu thu được của chính người Pháp.
'Muốn tấn công Điện Biên Phủ, Việt Minh cần phải có lực lượng pháo binh mạnh'.
Tướng Henri Navarre.
Những nhân vật đặc biệt của trận Điện Biên Phủ...
Đến với bộ phim tài liệu "Voi sắt", khán giả sẽ được nghe những chia sẻ của nhưng nhận vật đặc biệt - những chiến sỹ của trận Điện Biên Phủ năm nào. Đó là ông Nguyễn Đức Tình - Chiến sỹ Điện Biên Phủ Đại đội 806, Tiểu đoàn 454, Trung đoàn 45 Trọng pháo cơ giới Điện Biên Phủ, Đại đoàn công pháo 351; là ông Nguyễn Trọng - Chiến sỹ Điện Biên Phủ Đại đội 801, Tiểu đoàn 454, Trung đoàn 45 Trọng pháo cơ giới Điện Biên Phủ, Đại đoàn công pháo 351; Ông Phạm Đức Cư - Chiến sỹ Điện Biên Phủ Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367; Ông Nguyễn Phú Doanh - Chiến sỹ Điện Biên Phủ Đại đội 806, Tiểu đoàn 454, Trung đoàn 45 Trọng pháo cơ giới Điện Biên Phủ, Đại đoàn công pháo 351...
Ông Nguyễn Đức Tình nguyên là chiến sĩ Điện Biên Phủ, vốn gắn bó với Pháo binh từ những ngày đầu nhập ngũ. Hiện tại, ông Tình cũng là người hiếm hoi chứng kiến toàn bộ quá trình xuất hiện và hình thành của pháo tầm xa ở Điện Biên Phủ.
Ông Nguyễn Đức Tình - một trong những nhân vật của phim tài liệu "Voi sắt".
Nói về những khẩu pháo của Quân đội Việt Nam trong thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Tình nói: "Trong nước thì chỉ có đến pháo 75 thôi, sơn pháo 75. Mà những sơn pháo 75 ấy là tước được của Pháp thôi".
"Đánh xong thì thu được 2 khẩu 105 của Mỹ nhưng là Pháp dùng ở Đông Khê. Nhưng thu được rồi thì ta lại phải đưa vào rừng để giấu. Không sử dụng được vì chưa biết làm thế nào để sử dụng" - ông Nguyễn Văn Tình nói.
Chiến dịch Đông Khê chính là lần đầu tiên những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam được tiếp cận với loại pháo tầm xa thu được của Pháp nhưng cũng chưa thể đưa vào sử dụng ngay trong những chiến dịch sau đó.
"Để giải quyết nhanh chóng cuộc kháng chiến chống Pháp thì phải có pháo tầm xa" - ông Nguyễn Văn Tình nói tiếp.
Ông Nguyễn Trọng - Chiến sỹ Điện Biên Phủ Đại đội 801, Tiểu đoàn 454, Trung đoàn 45 Trọng Pháo cơ giới Điện Biên Phủ, Đại đoàn công pháo 351 - là một trong số hàng trăm chiến sĩ tham gia vào cuộc trường chinh không tưởng của buổi đầu đó để sang nước bạn tiếp nhận, đào tạo về pháo. Không quá khi cho rằng đó là một cuộc trường chinh đúng nghĩa với ông và đồng đội. Và mỗi khi nhắc lại hành trình đó, cảm xúc của ông như vẫn còn vẹn nguyên.
Nhớ lại những cuộc di chuyển ấy, ông Trọng nói ông và các đồng đội của mình "đi là đi chui đi lủi, phải đổi tên đổi họ để đi. Đi từng đoàn 1, từng nhóm 1, từng trung đội 1. Đi đường tắt. Đi trước 1 Trung đội, đi sau 1 trung đội... Phải đi bí mật không để địch biết".
Để hiểu hơn về những "voi sắt" của Quân đội nhân dân Việt Nam, vì sao đây lại là một trong những vũ khí quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như để được nghe những nhân vật gắn liền với trận chiến ấy trò chuyện, bạn hãy theo dõi phim tài liệu "Voi sắt" phát sóng vào 20h30 ngày mai (23/4) trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!