Phóng viên thường trú Công Tùng: “Cú đêm” và chuyện từ nước Mỹ

Cẩm Hà-Thứ năm, ngày 10/03/2022 07:12 GMT+7

VTV.vn - Đưa tin trong những sự kiện đặc biệt của nước Mỹ, phóng viên Công Tùng là một "cú đêm" chính hiệu khi thường xuyên sống ở Mỹ với múi giờ Việt Nam.

PHÓNG VIÊN KHÔNG THỂ NGỒI NHÀ PHÒNG TRÁNH DỊCH

Xin chào Công Tùng, vừa rồi tôi thấy bạn chia sẻ về cơn mưa tuyết ở Washington, D.C khiến tình trạng khẩn cấp được ban bố. Thời gian thường trú ở Mỹ, Công Tùng đã trải qua nhiều trận mưa tuyết?

Từ khi sang Mỹ, phải nói rằng, những trận bão tuyết năm nay được cho là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ mấy năm gần đây mà tôi được chứng kiến. Đối với tôi, các trận mưa tuyết vừa thú vị nhưng cũng là thách thức đối với việc tác nghiệp bên ngoài. Thú vị ở chỗ, tôi được trực tiếp tận mắt chứng kiến hiện tượng thời tiết mùa đông đặc trưng của nước Mỹ. Đối với công việc thì hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do tuyết rơi dày kèm gió lớn gây nhiều trở ngại cho việc tác nghiệp của anh em VTV tại Washington D.C.

Để ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng thì chúng tôi phải trực tiếp đi quay vào đúng thời điểm bão tuyết xảy ra, gió lạnh, thời tiết ngoài trời -7 độ C (thực tế cảm nhận thì có thể lên tới -10 độ C, chúng tôi phải mặc những bộ đồ kín mít để giữ ấm.

Tôi nhớ một lần ekip muốn đến gần toà nhà Quốc hội để ghi hình, thời tiết lạnh quá khiến cho máy quay bị trục trặc không thể hoạt động, trong khi điện thoại cũng bị sập nguồn, anh em phải dùng đủ mọi cách để "ủ ấm" thiết bị mà tiến hành tác nghiệp thật nhanh mới có thể có tin bài phát kịp cho bản tin Chào buổi sáng và các bản tin khác của Đài.

Phóng viên thường trú Công Tùng: “Cú đêm” và chuyện từ nước Mỹ - Ảnh 1.

Bão tuyết tại thủ đô Washington DC, Mỹ, tháng 1 năm 2022 là những trận bão tuyết lớn nhất mà PV Công Tùng chứng kiến từ khi ở Mỹ.

Tính đến thời điểm này Công Tùng đã có bao lâu thường trú ở Mỹ vậy? Những nền tảng công việc ở VTV trước đó có giúp ích cho Tùng khi tác nghiệp ở Mỹ?

Bước chân đến Mỹ vào giữa tháng 12/2019, hơn 2 năm công tác với vai trò phóng viên thường trú Đài THVN tại Mỹ, tôi thấy mình ngày càng chín chắn hơn và trưởng thành hơn. Môi trường tác nghiệp tại Mỹ thực sự rất thú vị, đa dạng song cũng thách thức và phức tạp. Chúng tôi luôn phải tìm hiểu để đưa những tin bài, phóng sự cập nhật sớm nhất tình hình tại Mỹ, song cũng phải phù hợp với thị hiếu khán giả ở Việt Nam. 

Bản thân tôi và anh em VTV ở Mỹ đều phải nỗ lực rất nhiều để làm sao khai thác từ cả "núi" thông tin dày dặc diễn ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ tại Mỹ. Chúng tôi phải chắt lọc những thông tin nào cần ưu tiên trong rất nhiều tin để đưa về phát sóng. Đó cũng là một thách thức đối với các phóng viên thường trú. Kinh nghiệm cho thấy, làm phóng viên thường trú, nếu trước đó được đào tạo tốt các nền tảng để tác nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều khi đi ra ngoài. Khi còn ở trong nước, tôi là người may mắn khi được lãnh đạo Đài, Trung tâm giao cho nhiều mảng công việc liên quan đến nhiều mảng, lĩnh vực từ các vấn đề chính trị, kinh tế, tài chính, văn hoá – xã hội… Lĩnh vực nào cũng được trải nghiệm, điều này giúp ích rất nhiều khi ra nước ngoài tác nghiệp. Bởi ở Mỹ hay bất kỳ nước nào, phóng viên thường trú đều phải theo dõi bao trùm tất cả các lĩnh vực mà khán giả trong nước quan tâm. Kinh nghiệm tác nghiệp trong nước là tiền đề hết sức quan trọng cho phóng viên khi ra bên ngoài.

ct5

"Ở Mỹ hay bất kỳ nước nào, phóng viên thường trú đều phải theo dõi bao trùm tất cả các lĩnh vực mà khán giả trong nước quan tâm. Kinh nghiệm tác nghiệp trong nước là tiền đề hết sức quan trọng cho phóng viên khi ra bên ngoài".

Một yếu tố không thể thiếu với phóng viên thường trú hiện nay là phải rất nhạy bén, năng động và tích cực. Thực tế thì nhiều phóng sự chúng tôi quay đã ghi bằng điện thoại, máy ảnh chứ không dùng máy quay chuyên dụng của Đài, bởi nhiều nơi việc xin phép quay phim là rất khó và tốn nhiều thời gian. Tác nghiệp nhanh bằng điện thoại, máy ảnh giúp chúng tôi có thể "lách" được một số quy định bên Mỹ, vừa đảm bảo đem đến cho khán giả những phóng sự nhanh, chính xác, tin cậy.

Khán giả VTV khi xem thời sự đã luôn nhận được những tin tức nóng hổi do chính phóng viên của VTV gửi về từ nước Mỹ. Là người từng tham gia tác nghiệp ở những thời điểm lịch sử như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho đến dịch bệnh COVID-19 kinh hoàng... Có thể nói, đây là những thời điểm mà Công Tùng không thể quên?

Tôi được sống trong giai đoạn cực kỳ "đặc biệt", Có thể ví như những thời điểm lịch sử có một không hai của nước Mỹ. Nước Mỹ thời điểm đó phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế, kèm theo cuộc bầu cử Tổng thống và vấn đề phân biệt chủng tộc lại nổi lên. Tôi cũng được chứng kiến thời điểm nước Mỹ ghi nhận ca nhiễm rồi tử vong đầu tiên bởi COVID-19 hồi tháng 12/ 2019. Rồi khi dịch bệnh bùng phát khiến Mỹ trở thành quốc gia chịu tổn hại nặng nề nhất trên thế giới bởi dịch COVID-19. Thời kỳ cao điểm, mỗi ngày Mỹ ghi nhận hơn 3.300 ca tử vong trong đợt bùng phát của biến thể Delta, tháng 1 năm 2021. Bệnh viện quá tải, nhà xác không đủ chỗ chứa thi thể nạn nhân tử vong do đại dịch. Những hình ảnh đó vẫn ám ảnh chúng tôi trong những lần tác nghiệp.

Trong giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh tại Mỹ, là phóng viên, chúng tôi không thể ngồi nhà để phòng tránh dịch được. Đây cũng trùng thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong giai đoạn chạy đua nước rút giữa hai ứng viên Joe Biden của đảng Dân chủ và ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hoà. Chúng tôi thường xuyên cập nhật tin tức liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ, từ các cuộc bầu cử sơ bộ đến cuộc đua giữa hai ứng viên của 2 đảng, rồi tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp tại Mỹ.

"Trong giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh tại Mỹ, là phóng viên, chúng tôi không thể ngồi nhà để phòng tránh dịch được".

Không chỉ dừng lại ở đó, cũng trong giai đoạn này, nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, làm bùng phát làn sóng biểu tình với khẩu hiệu "Black Live Matter" nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc. Lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến các cuộc biểu tình lớn liên tiếp nổ ra ở tất cả 50 bang và thủ đô Washington DC. Thời điểm đó, Nhà Trắng và toà nhà Quốc hội Mỹ có lẽ là 2 địa điểm quen thuộc hàng ngày với tôi. Chúng tôi phải hoà vào dòng người biểu tình để phản ánh thông tin sinh động và chính xác, kịp thời cho khán giả trong nước. Thời điểm đó dịch bệnh tại Mỹ rất phức tạp, lại chưa có vaccine, anh em chúng tôi ai cũng lo lắng sẽ bị lây nhiễm COVID-19. Nhưng vì đam mê nghề nghiệp nên những lo lắng đó bị gạt sang một bên.

Phóng viên thường trú Công Tùng: “Cú đêm” và chuyện từ nước Mỹ - Ảnh 5.

Đưa tin về biểu tình Black Live Matter tháng 11/2020 tại Nhà Trắng.

2 NGÀY THỨC TRẮNG ĐỂ LÀM TIN BÀI

Bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn về những chuyện hậu trường tác nghiệp ở những thời điểm đó, đâu là câu chuyện có tác động lớn đến Công Tùng, kiểu như gây ám ảnh vậy?

Đó có thể là thời điểm 2 ngày thức trắng để làm tin bài. Tôi còn nhớ giai đoạn chạy nước rút trong cuộc đua vào Nhà trắng giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden. Đến thời điểm kiểm xong phiếu đại cử tri song vẫn còn tranh cãi với các cáo buộc gian lận phiếu bầu. Thời điểm đó, chúng tôi phải cập nhật tin tức liên tục, hàng giờ, từ sáng đến tối, bởi các sự kiện bầu cử tại Mỹ diễn biến rất nhanh, thay đổi từng giờ. Anh em phóng viên phải căng mình theo dõi tin tức, ở nhà cũng đặt hàng liên tục cho các bản tin, chúng tôi không có thời gian để nghỉ, làm xong bản tin này lại lo đến bản tin khác, cứ thế trong 2 ngày liên tục chỉ thỉnh thoảng chợp mắt một chút rồi lại đi ghi hình.

Phóng viên thường trú Công Tùng: “Cú đêm” và chuyện từ nước Mỹ - Ảnh 6.

Đưa tin về bầu cử tổng thống Mỹ tháng 1 năm 2020.

Thế nhưng, kỷ niệm tôi vẫn nhớ nhất chính là các câu chuyện về đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Không thể ngờ rằng, một nước Mỹ hùng cường, với cơ sở y tế hiện đại bậc nhất thế giới lại là quốc gia hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi đại dịch. Tôi phải chứng kiến cảnh bệnh nhân nhập viện do mắc COVID-19 mà không có đủ máy thở, thậm chí chết trong cô đơn, không có người thân, rồi những chiếc xe đông lạnh được gia cố thành nơi chứa tử thi chờ đi chôn cất, hay những hố chôn tập thể khi số người chết quá nhiều. Những hình ảnh đó luôn ám ảnh tôi, khiến tôi nhận ra rằng, dịch bệnh lần này quá nguy hiểm và cũng sẽ không có ai là ngoại lệ.

Nhiều người nghĩ, khi thường trú ở Mỹ, phóng viên sẽ có những điều kiện tác nghiệp tốt nhất, được cọ sát ở một môi trường báo chí hiện đại bậc nhất và vì thế sẽ nhanh trưởng thành, Công Tùng thấy sao?

Mỹ được xem là cái nôi của ngành báo chí truyền thông thế giới với mạng lưới phát triển rộng khắp và những tên tuổi lớn như CNN, Fox News, Washington Post, New York Times, Netflix… Đúng là tác nghiệp tại Mỹ, tôi có nhiều dịp được cọ sát với phóng viên của nhiều báo đài có tiếng tại Mỹ. Họ thực sự là những người được đào tạo bài bản và làm việc rất chuyên nghiệp. Nhiều lần tham gia các sự kiện lớn, quan trọng của nước Mỹ như bầu cử Tổng thống Mỹ, quốc khánh Mỹ (4/7)…, chúng tôi có cơ hội được tác nghiệp cùng với phóng viên của CNN, Reuters, AP… Qua đó, tôi cũng học hỏi được một số kinh nghiệm trong tác nghiệp báo chí tại Mỹ.

Ở Mỹ, người dân khá thoải mái khi tiếp xúc với báo chí, nhiều người cũng rất sẵn sàng trả lời phỏng vấn nếu bạn đề nghị. Tuy nhiên, thực tiễn làm phóng viên tại Mỹ cho thấy rằng bản thân các phóng viên của VTV cũng có những đặc điểm "nổi trội" so với các báo đài lớn ở Mỹ. Nếu như bạn nhìn thấy một ekip của CNN thì nhiều người cảm thấy choáng ngợp bởi một đội hình đông đảo, ekip có thể lên cả chục người, ngoài quay phim và phóng viên còn có cả các kỹ thuật viên, nhân viên trang điểm đi cùng với hệ thống máy móc hiện đại. Trong khi, ekip của VTV rất gọn nhẹ và hiệu quả, chỉ cần 2 người là đủ. Chúng tôi vừa là phóng viên, vừa có thể quay phim, rồi tự lái, kiêm kỹ thuật, cái gì cũng có thể làm được. Có một cô phóng viên CNN, trong một lần tác nghiệp tại Nhà Trắng nhìn thấy ekip 02 người của chúng tôi đã tỏ ra cực kỳ ngạc nhiên, hỏi tại sao chúng tôi ít người vậy mà vẫn có thể làm được?!

Phóng viên thường trú Công Tùng: “Cú đêm” và chuyện từ nước Mỹ - Ảnh 7.

Tuy nhiên, làm việc trong điều kiện chênh lệch múi giờ tới tận 12 tiếng thì bạn đã phải đối diện với những khó khăn như thế nào?

Thức đêm đã trở nên quá quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của phóng viên thường trú VTV tại Washington D.C bởi sự chênh lệch múi giờ giữa Mỹ và Việt Nam. Chúng tôi cũng quen với việc được các nhóm sản xuất ở nhà "đặt hàng" đột xuất lúc 3-4h sáng ở Mỹ khi mọi người khác đang chìm trong giấc ngủ.

Chúng tôi cũng quen với việc bị "dựng dậy" lúc nửa đêm bởi tiếng ting ting trong tin nhắn của các anh chị phòng quốc tế VTV hoặc các cuộc điện thoại gọi bất ngờ do các yêu cầu đưa tin đột xuất từ trong nước. Khi đó anh em sẽ làm ngay lập tức để có tin gửi về kịp thời cho các chương trình phát sóng.

Việc chênh lệch tới 12 tiếng cũng khiến một số tin tức đưa từ Mỹ của VTV bị chậm hơn một chút so với các báo, vốn làm tin text, bởi bản tin sớm nhất của Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu từ 5h sáng (giờ Việt Nam). Nhìn khía cạnh tích cực thì việc chênh lệch múi giờ tới nửa ngày cũng là cơ hội để chúng tôi có thời gian chuẩn bị kỹ hơn cho việc sản xuất tin bài, phóng sự. Chính 12 tiếng chênh lệch là thời gian quý giá để chúng tôi có thể tác nghiệp, sản xuất các tin bài để kịp thời gửi về phát sóng ngay từ bản tin đầu giờ sáng.

Cám ơn phóng viên Công Tùng!

BTV Phương Huyền với kỷ niệm đi thường trú tại Anh và chuyến bay tránh dịch COVID-19 nhớ đời BTV Phương Huyền với kỷ niệm đi thường trú tại Anh và chuyến bay tránh dịch COVID-19 nhớ đời Bữa trưa vui vẻ: Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa các PV thường trú Đài THVN tại nước ngoài Bữa trưa vui vẻ: Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa các PV thường trú Đài THVN tại nước ngoài Nghe phóng viên thường trú VTV tại Nga kể những câu chuyện thú vị của World Cup Nghe phóng viên thường trú VTV tại Nga kể những câu chuyện thú vị của World Cup

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước