Nhiều người đã phải chiến đấu với những di chứng hậu COVID-19 kể từ đợt dịch vào năm 2021. Điều này cho thấy sự phức tạp của virus SARS-CoV-2. Quay trở lại tháng 10/2021, không nhiều người nghĩ rằng hậu COVID-19 có thể xảy ra cả với những người trẻ tuổi.
Vậy các bác sĩ đã đối mặt với những điều chưa từng gặp này như thế nào?
Trong bộ phim tài liệu Hồi phục, ê-kíp sản xuất đã theo chân 4 bệnh nhân chiến đấu với những ảnh hưởng của hậu COVID-19. Những vấn đề sức khỏe của họ là gì và làm thế nào họ có thể vượt qua và phục hồi được? Câu hỏi đã được trả lời trong bộ phim tài liệu này.
Từng là tâm dịch lớn nhất cả nước, giờ đây, người dân thành phố Hồ Chí Minh đã thích ứng với cuộc sống bình thường mới. Nhiều bệnh nhân trong đợt dịch bùng phát năm ngoái cũng dần bình phục một cách ngoạn mục sau một thời gian điều trị hậu COVID-19.
Vị giảng viên Đại học tỉnh lại sau cơn hôn mê sâu và cú sốc mới
Ông Võ Duy Khanh mắc COVID-19 vào tháng 8/2021, khi đó vị giảng viên Đại học chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19 và là một trong những bệnh nhân nặng được điều trị tại đây. Ông từng phải thở máy liên tục và đã có lúc rơi vào tình trạng hôn mê. Các bác sĩ xác định những trường hợp nặng như ông Khanh ở thời điểm đó tỷ lệ tử vong lên đến 70% tới 80 %. Sau hai ngày hôn mê sâu, điều kỳ diệu đã xảy ra, ông Khanh tỉnh lại. Chưa kịp cảm nhận niềm vui, ông Khanh lại rơi vào cú sốc khác.
Ông Khanh đã điều trị hậu COVID-19 tại bệnh viện từ tháng 10/2021. Trước khi mắc COVID-19, ông Khanh là một giảng viên Đại học nhanh nhẹn và khỏe mạnh.Sau khi mắc COVID-19, ông Khanh bị liệt chân bên phải và được bác sĩ chẩn đoán bị tổn thương thần kinh mác. Ngoài ra, bệnh nhân này còn gặp hiện tượng hụt hơi mỗi khi đi lại.
Từng đảm nhiệm vai trò là Trưởng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến ba tầng số 16, bác sĩ Giang Minh Nhật đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Ông Khanh là một trong số hơn 30 bệnh nhân nặng được bác sĩ Nhật tiếp tục theo dõi và điều trị hậu COVID-19.
Bác sĩ Nhật nhớ rất rõ trường hợp ông Võ Duy Khanh bởi sự phục hồi ngoài mong đợi của người đàn ông 54 tuổi này. Hậu COVID-19 là một hội chứng phức tạp, do đó, khi tiếp cận với các bệnh nhân như ông Khanh cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau.
Vào đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2. Thường sau ba tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19, với các triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất hai tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính 10% - 20% bệnh nhân nhiễm COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. SARS-CoV-2 khi tấn công cơ thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau từ hệ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thậm chí là thần kinh. Vì thế, hậu COVID-19, những bệnh nhân này vẫn có nguy cơ gặp những di chứng khác nhau tùy theo mức độ nặng của nhiễm COVID-19 tại thời điểm đầu bệnh nhân bị.
Nếu trong thời điểm đầu, khi bệnh nhân nhập viện và bị tổn thương đa cơ quan thì khi ra viện, bệnh nhân vẫn còn tổn thương, di chứng ở phổi, và thường được gọi là xơ phổi. Đối với những trường hợp bị xơ phổi thì đôi khi thời gian điều trị có thể kéo dài đến 6 hoặc 8 tháng thì tùy theo mức độ nặng.
Còn đối với những triệu chứng về thần kinh, chẳng hạn như mất ngủ, bồn chồn, lo lắng thì với những triệu chứng đó, các bệnh nhân cần điều chỉnh lại về lối sống, chế độ ăn và phối hợp với vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu cũng như can thiệp điều trị về nội khoa thì những triệu chứng này cải thiện khá nhanh.
Ông Khanh vẫn tiếp tục điều trị bằng phương pháp điện châm tại khoa Y học cổ truyền với mục đích nhằm phục hồi chức năng cho chân phải bị liệt. Sau khi mắc COVID-19, ông Khanh sẽ còn tiếp tục điều trị tại đây thêm một vài tuần nữa.
Chứng rụng tóc đáng sợ xuất hiện
Quận Gò Vấp từng là điểm nóng về COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minhh. Thường xuyên ở nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội nên khi vô tình phát hiện mắc COVID-19 vào tháng 9/2021, bà Thủy không khỏi bất ngờ. Khó thở đến mức tụt oxy là triệu chứng rõ ràng nhất khi bà Thủy mắc COVID-19.
May mắn hơn nhiều bệnh nhân khác, sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện, bà Thủy xét nghiệm âm tính. Thế nhưng chỉ vài ngày sau đó, bà bắt đầu cảm nhận những sự thay đổi về sức khỏe của bản thân.
"Trước đây khoảng 10h là tôi đi ngủ và hơn 10h là ngủ được. Nhưng sau khi nhiễm COVID-19, thì có lúc 12h vẫn chưa thể ngủ được. Nếu ngủ được thì bắt đầu chập chờn cũng phải tỉnh dậy 3,4 lần trong đêm" - bà Thủy cho biết.
Những biểu hiện lo lắng, mất ngủ dần biến mất sau ba tháng nhưng vẫn còn một điều bất thường khác kéo dài.
"Người ta cứ hỏi là tôi là rụng tóc không thì tôi nói rụng thì cũng như bình thường thôi. Nhưng mà chừng 2,3 tuần bắt đầu nó rụng nhiều hơn" - bà Thủy nói về tình trạng của bản thân.
Đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác mức độ phổ biến của hiện tượng rụng tóc ở bệnh nhân nhiễm COVID-19. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2021 trên một trong những tạp chí y khoa hàng đầu thế giới cho biết 22 % bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại một bệnh viện Trung Quốc báo cáo rụng tóc nhiều tháng sau đó.
Hai tháng sau khi khỏi COVID-19, anh Nguyễn Công Bằng thấy tóc rụng đi rõ rệt so với trước khi mắc bệnh. Công việc chính của anh Bằng là lắp đặt camera tại nhà. Tập thể dục hàng ngày là thói quen nhiều năm nay của anh Bằng. Vì vậy, khi phát hiện mình mắc COVID-19 và trở nặng, anh không khỏi bàng hoàng.
Không chỉ bị rụng tóc, anh Bằng còn gặp những di chứng hậu COVID-19 khác. Khi đi lên, đi xuống cầu thang, chỉ cần đi vài bước là anh Bằng phải dừng lại để hít thở sâu rồi bắt đầu bước tiếp.
"Lúc trước khỏe, không bị COVID-19 thì có thể tôi khiêng nặng được thậm chí khiêng nhiều cũng không sao, nhưng hậu COVID-19, khi khiêng vật gì đó thì tôi sẽ thở dốc liền" - anh Bằng cho biết.
Có những lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì không thở nổi, nhưng anh Bằng đã quyết tâm vượt qua chính bản thân mình. Anh Bằng cho rằng thời gian hồi phục dù lâu nhưng bản thân mình vẫn phải tin tưởng vào khả năng của mình là quan trọng nhất. Đối với những bệnh nhân nặng như ông Khanh hay anh Bằng, họ đã trải qua 4 đến 6 tháng nỗ lực tập luyện và đã phục hồi sức khỏe một cách ngoạn mục.
Vậy còn đối với ca sĩ trẻ Hồ Tấn Phúc, liệu COVID-19 có làm ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không?
Khi mắc COVID-19, Phúc may mắn chỉ gặp những triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng vì đã tiêm một mũi vaccine. Anh điều trị tại nhà trong một tuần thế nhưng, một tháng sau khi xét nghiệm âm tính với virus, Phúc bắt đầu cảm nhận được sự ảnh hưởng của COVID-19 tới sức khỏe của mình. Đó là trong lần đầu tiên khi Phúc quay lại phòng thu, sau thời gian điều trị mắc COVID-19.
"Sau khi khỏi bệnh xong thì tầm khoảng tháng đầu tiên là hầu như tôi rất mệt. Ngày nào về tôi cũng mệt, mệt lả đi. Hát tới bài thứ 3 là bị thở dốc, không có lấy hơi đủ để hoàn thành tốt bài hát"- nam ca sĩ cho biết. Ba tháng sau khi khỏi COVID-19, Hồ Tấn Phúc đã hoàn toàn bình phục.
Mời quý vị khán giả xem lại bộ phim trong video dưới đây:
Phim tài liệu khoa học: Hồi phục
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!