Đến từ vùng biển Giao Thủy, tỉnh Nam Định, thầy giáo Nguyễn Thanh An là một trong số 8 giáo viên được lựa chọn tham gia chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi. Thầy An là giáo viên môn Địa lý trường THPT Giao Thủy C, Tỉnh Nam Định. Trở thành giáo viên Địa lý trên chính mảnh đất quê hương mình là ước mơ của thầy An. Tuy nhiên giờ đây, khi ước mơ đã thành sự thật, thầy An lại gặp không ít khó khăn và trở ngại cần khắc phục. Đó cũng chính là lý do thầy đăng ký tham gia chương trình.
Theo đánh giá của ban cố vấn, thầy An là một giáo viên với phương pháp giảng dạy sáng tạo. Thay vì truyền đạt kiến thức theo cách thông thường, thầy cho các em học sinh được đóng vai các nhân vật khác nhau như chuyên gia vật lý, BTV thời tiết để lên thuyết trình rồi gọi một bạn khác nhận xét bài. Điều này tạo sự thích thú cho học sinh, khiến lớp học thêm phần sôi nổi.
Ngoài ra, thầy Nguyễn Thanh An còn được đánh giá cao bởi ngoại hình dễ mến, nụ cười hiền hòa và đặc biệt là tình yêu đối với môn địa lý. Thầy rất thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị bài học, biết cách áp dụng công nghệ để thiết kế bài giảng một cách sinh động.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó, ban cố vấn cũng dễ dàng nhận thấy những nhược điểm của thầy An qua những đoạn video được ghi lại trong lớp học. Có niềm say mê và nhiệt huyết dành cho môn Địa lý nhưng dường như, thầy An lại thiếu đi cảm xúc đối với học sinh. Ở trong lớp, thầy hiếm khi nhìn học sinh, thiếu đi sự tương tác với các học trò mà chỉ cắm cúi điều chỉnh thiết bị hoặc nhìn về phía bảng khi thuyết trình.
Là một người nhẹ nhàng, hiền lành nhưng thầy An lại khá trầm lắng, không hay thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Không những không thể hiện được tình yêu với học sinh, thầy cũng chẳng thể hiện được niềm đam mê với môn học yêu thích của mình. Ban cố vấn nhận xét thầy An mới chỉ là một giáo viên biết thiết kế bài học, chưa phải là một giáo viên thiết kế được cảm xúc giáo dục.
Ngoài những tiết học hào hứng khi học sinh được thể hiện mình qua những vở kịch dí dỏm, có không ít tiết học, thầy An không thể thu hút sự chú ý của các em với bài giảng của mình. Thậm chí, thầy còn "lười" giảng bài, phó mặc cho học sinh tự trao đổi kiến thức với nhau. Tình trạng này đã khiến không ít học sinh cảm thấy chưa hiểu bài hay thậm chí mệt mỏi, chán nản trong giờ học.
Để từng bước thay đổi chính mình, thầy An đã bước vào nhiệm vụ đầu tiên mang tên Thiết kế một bài giảng theo tinh thần mới. Với chủ đề là Đông Nam Á, thầy An đã mang đến niềm hứng khởi mới cho các em học sinh qua việc tương tác nhiều hơn với các em, biết cách động viên và dành lời khen ngợi đúng lúc. Học sinh cũng nhận ra sự thay đổi của thầy và cảm thấy vui vì giờ đây, lớp học đã không còn tẻ nhạt. Thế nhưng, khi ban cố vấn rời đi, sự hào hứng đó cũng biến mất. Những tiết học của thầy An quay trở lại như trước đây, trầm lắng và thiếu đi sự nhiệt huyết.
Không nản lòng, ê-kíp Thầy cô chúng ta đã thay đổi tiếp tục cho thầy An cơ hội làm mới mình với nhiệm vụ tiếp theo, đó là tổ chức một buổi đi thực địa cho lớp. Lần này, ban cố vấn đã thấy được sự thay đổi lớn ở thầy An. Thay vì cầm quyển Atlas và dạy học sinh những kiến thức trong sách vở thì thầy giáo đã chủ động cập nhật cho học sinh những thông tin mới, thực tế và rất gần gũi.
Thầy An cũng trở nên cởi mở hơn khi lắng nghe những thắc mắc của học sinh và đưa ra những lời giải đáp. Không còn hình ảnh một thầy giáo khô cứng, tẻ nhạt trên bục giảng, giờ đây, thầy Nguyễn Thanh An tràn đầy sức sống và vui vẻ hơn trước rất nhiều. Cũng nhờ đó, lượng kiến thức thầy truyền tải tới học sinh cũng lớn và hiệu quả hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!