Shark Tank Việt Nam: Vì sao Startup thực phẩm 2.0 từ chối nhận đầu tư của 2 Shark?

Bảo Hân-Thứ hai, ngày 14/06/2021 14:35 GMT+7

VTV.vn - Tranh cãi về mức định giá công ty, vì sao startup thanh thực phẩm năng lượng lại từ chối đề nghị đầu tư từ Shark Phú và Shark Liên?

Mở đầu tập 7 chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 4 là sự xuất hiện của Nguyễn Thị Hiền – Nhà điều hành và sáng lập 365 Begin cùng Phan Đức Anh Tuấn – Nhà điều hành và đồng sáng lập công ty. Hai đại diện của 365 Begin đến để gọi đầu tư 3 tỷ cho 6% cổ phần.

365 Begin là công ty chuyên cung cấp giải pháp thực phẩm dinh dưỡng food 2.0 (thực phẩm 2.0). Food 2.0 được định nghĩa là các sản phẩm đến từ ngũ cốc và plant based (gốc thực vật), ít chế biến.

Nói về bức tranh tài chính, Anh Tuấn tiết lộ 365 Begin có tốc độ tăng trưởng tự nhiên là 200%, tỷ suất lợi nhuận sản phẩm đang là 70% và sẽ đạt được 80% trong 2 năm tiếp theo. Công ty hiện đang sở hữu nhà máy có năng lực sản xuất 20.000 thanh/ngày với quy trình kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, hoàn toàn đủ chuẩn xuất khẩu đi Mỹ. Sản phẩm của 365 Begin đang phân phối trên các kênh MT CVS (cửa hàng tiện lợi), phân phối qua các sports agent (nhà quản lý thể thao), PT (huấn luyện viên thể hình cá nhân) và huấn luyện viên tại Việt Nam.

Shark Tank Việt Nam: Vì sao Startup thực phẩm 2.0 từ chối nhận đầu tư của 2 Shark? - Ảnh 1.

Shark Hưng cho biết mình đã sử dụng thanh năng lượng của châu Âu và nhận thấy sản phẩm rất tiện lợi. Cho rằng "cái gì bỏ vào người cần cẩn trọng", Shark Hưng hỏi kỹ hơn về việc bảo chứng công thức chế biến sản phẩm bởi các viện hoặc chuyên gia uy tín.

Nguyễn Thị Hiền trả lời "Hiện tại chưa có" và cho biết thêm "Nhưng trưởng R&D về mặt khoa học tốt nghiệp tại Thái Lan, học Innovation Food Technology tại Đức, đã có kinh nghiệm 15 năm tại những công ty lớn tại Việt Nam. Em là người tạo nên ý tưởng và khẩu vị của sản phẩm. Bên em có R&D về mặt khoa học để làm theo công thức".

Shark Tank Việt Nam: Vì sao Startup thực phẩm 2.0 từ chối nhận đầu tư của 2 Shark? - Ảnh 2.

Để hiểu rõ hơn về bức tranh tài chính của doanh nghiệp, Shark Phú và Shark Louis luân phiên đặt câu hỏi về về SKU (số mã sản phẩm), doanh thu, lợi nhuận, tổng vốn đầu tư, cách hạch toán tài chính, công suất của nhà máy....

Shark Phú thắc mắc "Tại sao định giá công ty cao thế? Định giá công ty lên đến 60 tỷ trong khi doanh số đạt 2 tỷ là gấp 30 lần doanh số. Chưa nói lợi nhuận".

Nguyễn Thị Hiền cho biết startup định giá công ty dựa trên 5 yếu tố: đội ngũ, thị trường, sản phẩm, mô hình kinh doanh và nhu cầu mình đang cần. Chị cũng tiết lộ thêm về kế hoạch sẽ gọi vốn vòng tiếp theo vào năm sau.

Shark Louis nhận xét: "5 yếu tố đó phải phù hợp cho nhà đầu tư... Nhà đầu tư như tôi nhìn vào thì đánh giá: Một, lợi nhuận sau thuế hay là doanh thu. Hai là so sánh những công ty tựa tựa như vậy đã niêm yết hay đã thành công hay đã được đầu tư. Bạn có thể so sánh benchmark (đối chuẩn), valuation (giá trị công ty) theo doanh thu lợi nhuận. Thứ ba, tôi có gì độc đáo độc quyền có thể bùng nổ sau này và chứng minh được rào cản".

Shark Tank Việt Nam: Vì sao Startup thực phẩm 2.0 từ chối nhận đầu tư của 2 Shark? - Ảnh 3.

Shark Phú giới thiệu lợi thế về hệ sinh thái thực phẩm lớn, có đội ngũ sale khoảng 1.500 người, doanh số dự kiến năm 2021 khoảng 3.000 tỷ. Nhận thấy startup định giá không hợp lý, Shark Phú đề nghị đầu tư 3 tỷ đổi lấy 30% cổ phần và gợi ý: “Các em có thể trở thành công ty con của công ty thực phẩm bọn anh thì mượn hệ sinh thái của bọn anh”.

Shark Bình đánh giá: "Anh thấy các em rất nhiệt huyết nhưng hơi lãng mạn. Kinh doanh không lãng mạn được như thế vì khó khăn lớn nhất các em sẽ gặp phải khi scale up (mở rộng quy mô) lên đó là bán hàng.

Cho rằng startup "đang có một giấc mơ rất lớn, nếu tôi nhúng vào có thể biến giấc mơ của các bạn trở thành hiện thực", Shark Liên đề nghị 3 tỷ cho 30% cổ phần.

Shark Phú chia sẻ thêm kinh nghiệm: "Mảng thực phẩm riêng đầu tư hạ tầng bọn anh phải khoảng tầm 1.000 tỷ rồi. Chưa nói hệ thống mềm chính là hệ thống bán hàng cho một chiến dịch làm marketing phải mất khoảng 100 tỷ".

Shark Tank Việt Nam: Vì sao Startup thực phẩm 2.0 từ chối nhận đầu tư của 2 Shark? - Ảnh 4.

Shark Phú và Shark Liên không thay đổi đề nghị đầu tư. Cuối cùng, startup từ chối đề nghị đầu tư của 2 Shark và giải thích lý do: "Chúng tôi thực sự quan tâm đến hệ sinh thái của Shark Phú cũng như quan tâm đến tinh thần và ý nghĩa của Shark Liên đưa ra. Nhưng hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch gọi vốn 6-7 vòng nữa nên vòng này chúng tôi không thể mất nhiều hơn 15%".

Quý vị đón xem các tập tiếp theo của Shark Tank Việt Nam mùa 4 vào lúc 20h00 Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3!


Shark Tank Việt Nam: Hai Shark  'tranh nhau' đầu tư cho startup 'nhà thông minh' Shark Tank Việt Nam: Hai Shark "tranh nhau" đầu tư cho startup "nhà thông minh" Shark Tank Việt Nam: Startup khiến Shark Phú 'tan chảy' xuống tiền nhưng kèm điều kiện khó Shark Tank Việt Nam: Startup khiến Shark Phú "tan chảy" xuống tiền nhưng kèm điều kiện khó Shark Tank Việt Nam: Chấp nhận làm “chuột bạch”, Shark Liên rót tiền vào ứng dụng giảm cân Shark Tank Việt Nam: Chấp nhận làm “chuột bạch”, Shark Liên rót tiền vào ứng dụng giảm cân

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước