Tôn sư trọng đạo là truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời xưa đến nay. Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019), tối 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Thay lời tri ân năm 2019 với chủ đề "Thầm lặng" để tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã và đang thầm lặng vượt khó, cống hiến và thầm lặng hy sinh đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ ban ngành; đại diện các vụ, cục thuộc BỘ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam... và các thầy cô giáo tiêu biểu đến từ mọi miền Tổ quốc... đã tham dự chương trình.
Phát biểu mở đầu chương trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Có rất nhiều những thầy cô giáo từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới vùng núi cao đang góp sức cho sự đổi mới giáo dục một cách giản dị mà cao quý. Tôi xin gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục. Mong rằng dù trong hoàn cảnh nào, các thầy cô giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương về trí tuệ, đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội đã dành cho nghề giáo".
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng gửi lời chúc mừng đến các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục dồi dào sức khỏe, khắc phục khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt và quản lý tốt.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
Chương trình đã đưa khán giả đi khắp mọi miền đất nước với những câu chuyện giản dị, xúc động về nghề giáo. Đó là câu chuyện của cô giáo Khoàng Hà Pơ (ở điểm trường Huổi Lính A) và thầy giáo Vàng Văn Anh, trường Mầm non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Những thầy cô giáo mầm non nơi vùng cao Tây Bắc, lấy niềm vui của con trẻ làm động lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn và sự đơn độc giữa núi rừng.
Giao lưu với cô giáo Khoàng Hà Pơ
Đó là những cô giáo đã gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Tây Nguyên mà tên của họ, sự hy sinh của họ đã được lưu truyền như huyền thoại với bà con dân bản. Để ghi nhớ về công lao của những giáo viên đã một thời không quản gian nguy “cõng con chữ” đến với buôn làng, người dân 2 huyện K’Bang và Kông Chro (Gia Lai) đã đặt tên một con dốc cao thành con dốc Ba Cô. Con dốc đó giờ trở thành chứng tích của một thời kỳ vẻ vang và đáng tự hào của những giáo viên vùng cao.
Cô Vũ Thị Lâm giao lưu cùng khán giả.
Đó là câu chuyện buồn về sự ra đi của hai cô giáo là giáo viên cắm bản trường Tiểu học Kông Lơng Khơng, K’bang, Gia Lai. Những tháng cuối năm 2014, hai cô giáo trẻ băng rừng đến với học sinh thân yêu nhưng đã bị con lũ dữ cuốn trôi. Cả hai cô đều là những giáo viên giỏi, yêu thương học trò và tận tâm, tận lực với nghề. Cô giáo Nga ra đi trước ngày cưới của mình không xa, còn cô Yến ra đi để lại hai đứa con thơ dại.
Chồng và con cô giáo Nguyễn Thị Yến giao lưu với khán giả.
Đó là thầy giáo Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật học, Trường Đại học Dược Hà Nội. Ông là PGS.TS người Sán Chay đầu tiên với những cống hiến khoa học có tiếng vang lớn. Ông vẫn cần mẫn ngày ngày lên lớp, say mê nghiên cứu dược liệu và bền bỉ đồng hành giúp bà con dân tộc thoát nghèo nhờ những "mỏ vàng" trên núi.
PGS.TS Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật học, Trường Đại học Dược Hà Nội giao lưu cùng khán giả.
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo lời tri ân với tất cả tấm lòng chân thành và kính trọng. Sau khi theo dõi những câu chuyện trong Thay lời tri ân 2019 - Thầm lặng, Phó Thủ tướng cho biết, năm nào theo dõi chương trình ông cũng rất xúc động. Mỗi một câu chuyện khác nhau nhưng đều mang tới một hình ảnh, đó là rất nhiều thầy giáo, cô giáo, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên trên chính mình, tất cả vì học sinh thân yêu.
Và còn hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn thầy cô đang thầm lặng cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Đó là yếu tố quyết định cho giáo dục nước nhà, dù còn nhiều điều phải phấn đấu làm tốt hơn, nhưng những năm qua cũng đã đạt được kết quả được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong chương trình.
Những ca từ của ca khúc Yêu người bao nhiêu yêu nghề bấy nhiêu đã khép lại chương trình Thay lời tri ân 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!