Khán giả xem Tình khúc Bạch Dương sẽ không khỏi bồi hồi xen lẫn thích thú khi thấy lại hình ảnh những năm tháng các du học sinh, công nhân Việt Nam sang Liên Xô học tập, lao động. Rất nhiều những bối cảnh được kỳ công phục dựng như ốp sinh viên, ốp công nhân, những cửa hàng ký gửi, mua bán các vật dụng như nồi áp suất, bàn là, quạt orbita, áo phông cành mai, quần bò, phấn con én...
Bộ phim đã tái hiện không khí thời thanh xuân rực rỡ của các sinh viên Việt Nam lần đầu tiên được đến xứ sở Bạch Dương, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời và những tình cảm nồng hậu của các thầy cô giáo, những người dân Nga tốt bụng.
Bên cạnh đó, Tình khúc Bạch Dương cũng khai thác mảng đời sống của những người Việt sang Liên Xô làm việc với bao trăn trở và cả những nỗi niềm trong giai đoạn Việt Nam vừa bước qua thời kỳ bao cấp còn nhiều khó khăn...
Bình An, Huỳnh Anh, Minh Trang, Hồng Loan đã hoá thân rất đạt vào những du học sinh Việt Nam tại Liên Xô trong thập niên 80, trong khi Kiều Anh, Quang Tuấn, Hải Anh, Khuất Quỳnh Hoa gây được nhiều ấn tượng với hình ảnh người lao động Việt Nam xa xứ. NSƯT Công Lý trong vai diễn người chồng có vợ đi Liên Xô làm đội trưởng công nhân may hứa hẹn lấy không ít nước mắt của người xem.
Bộ phim đã khiến nhiều người không khỏi xúc động và bồi hồi khi được thấy cả một thời quá khứ được tái hiện sinh động. Sau những tập đầu tiên, Tình khúc Bạch Dương ngày càng "lấy lòng" được khán giả. Có nhiều ý kiến cho rằng phim còn nhiều tình tiết chưa thực sự hợp lý và sát với thực tế lúc đó nhưng qua mỗi tập phim, khán giả cũng cảm nhận được sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng cũng như sự nỗ lực của đoàn làm phim để mang đến một tác phẩm hay dành cho khán giả.