Toàn cảnh Hội thảo Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới

PV-Thứ sáu, ngày 15/12/2017 19:02 GMT+7

VTV.vn - Số hóa truyền hình là xu thế tất yếu của các đài truyền hình trên thế giới và tại Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

"Số hóa truyền hình là xu thế tất yếu của các đài truyền hình trên thế giới và tại Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ", bà Bea Alonso, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Media Logistics của Ooyala – một công ty chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ và công nghệ video trực tuyến cho biết tại hội thảo "Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới" trong khuôn khổ LHTHTQ 37 cho biết.

Theo thống kê của Ooyala, Việt Nam đang có khoảng 90 triệu dân, với số lượng tivi truyền thống là 21 triệu; 6,7 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Trong khi đó, Việt Nam đang có 61 triệu người sử dụng điện thoại di động, 29 triệu người sử dụng smartphone, sử dụng internet trên các thiết bị di dộng là 47 triệu người. Đây là một minh chứng rõ ràng rằng, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ truyền hình trên internet và số hóa là xu hướng tất yếu của các đài truyền hình.

Toàn cảnh Hội thảo Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới - Ảnh 1.

Bà Bea Alonso, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Media Logistics của Ooyala

Tuy nhiên theo bà Bea Alonso, quá trình chuyển đổi từ truyền hình truyền thống sang mô hình số hóa không phải điều đơn giản. Số hóa ở đây không chỉ là đưa các nội dung lên internet mà nó là sự kết hợp của một quy trình vô cùng chặt chẽ với các nội dung chất lượng, phân phối một cách hợp lý và đúng với mong muốn của người dùng.

Tại Việt Nam hiện nay, thị trường nội dung số đang có sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp trong nước cũng nước ngoài. Những ông lớn như: Netflix, Amazon đều đã có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên những công ty này không có nhiều nội dung bản địa và đây là cơ hội để các đài truyền hình cũng nhưng doanh nghiệp nội địa phát triển.

Tuy nhiên các đài truyền hình cần phải nhanh chóng chuyển đổi bởi Netflix, Amazon đã thay đổi mô hình từ chỉ bán nội dung, nay đã tập trung hơn vào sản xuất nội dung. Ngoài ra, YouTube cũng Facebook cũng đang không giấu diếm tham vọng trong mảng truyền hình khi tập trung phát triển dịch truyền hình trả tiền cũng như tự sản xuất nội dung của mình. Trong tương lai đây là thách thức lớn của các nhà làm truyền hình.

Những người làm truyền hình cần làm gì?

Theo bà Bea Alonso, một trong những khó khăn lớn nhất tại quá trình số hóa tại các đài truyền hình đó trình là hệ thống, quy trình sản xuất rời rạc, thiếu sự liên kết giữa các bộ phận. Đặc biệt là không có một hệ thống quản lý, trao đổi Metadata (siêu dữ liệu).

Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi trong quá trình chuyển đối sang mô hình số hóa, việc phối hợp nhịp nhàng giữa khối nội dung sản xuất chương trình truyền hình và nhóm sản xuất nội dung số không dễ dàng với bất cứ đài truyền hình nào.

Toàn cảnh Hội thảo Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới - Ảnh 2.

Việc phối hợp nhịp nhàng giữa khối nội dung sản xuất chương trình truyền hình và nhóm sản xuất nội dung số không dễ dàng với bất cứ đài truyền hình nào (Ảnh: PinArt)

Để đẩy nhanh quá trình số hóa, bà Bea Alonso đã đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, các đài truyền hình cần đẩy nhanh hơn nữa sự tự động hóa trong môi trường làm việc để tăng năng suất, giảm các công việc trùng lặp. Xây dựng một mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó tòa soạn hội tụ là một phương thức khá hiệu quả. Bên cạnh đó, nên sớm áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong xử lý công việc để tăng hiệu quả và năng suất. Về nội dung, các đài truyền hình cần căn cứ vào những dữ liệu thống kê để điều chỉnh kế hoạch sản xuất của mình. Ví dụ như có thể thông qua số liệu từ Google để biết đâu là xu hướng của người xem, biết được kênh phân phối nào nhất hiệu quả cho các nội dung, từ đó có kế hoạch sản xuất hợp lý.

"Chúng ta không đơn thuần chỉ đẩy nội dung lên mà còn phải phân tích những phản hồi từ khán giả để điều chỉnh kế hoạch sản xuất và phân phối nội dung hợp lý", bà Bea Alonso nhấn mạnh.

Truyền hình trong kỷ nguyên số: Chúng ta cần phải thay đổi

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo "Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới", ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã khẳng định những người làm truyền hình tại Việt Nam cần phải thay đổi trước sự phát triển như vũ bão của Internet, hệ thống mạng xã hội, hệ thống số.

Theo ông Đinh Đắc Vĩnh, trước đây truyền hình chỉ phân phối qua các nền tảng truyền thống như: Hệ thống vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình mặt đất. Đến thời điểm hiện tại thì Internet, mạng xã hội là những kênh phân phối không thể thiếu của truyền hình. Thậm chí với Intertnet, thông qua YouTube hay Facebook, từng cá nhân riêng lẻ cũng có thể làm truyền hình.

Toàn cảnh Hội thảo Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới - Ảnh 3.

Ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam

"Hiện nay với Internet, người dùng có thể xem các nội dung truyền hình theo nhu cầu, ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào trên bất kỳ phương tiện nào. Một phần không nhỏ người dùng hiện nay không còn muốn xem truyền hình theo cách truyền thống với việc xen lẫn quảng cáo. Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận thức rõ điều này từ khá lâu. Và tôi nghĩ các đài PT-TH khác cũng nên sớm nhận thức điều này. Chúng ta cần phải thay đổi", ông Đinh Đắc Vĩnh khẳng định.

Theo ông Đinh Đắc Vĩnh, các đài truyền hình, cũng như người làm truyền hình cần thay đổi phương thức sản xuất nội dung, cách quản lý nội dung cũng như phương thức phân phối nội dung.

"Ngoài việc sản xuất ra những nội dung hay phù hợp, chúng ta cũng cần thay đổi cách quản lý nội dung, quản lý bản quyền để có thể phân phối một cách hiệu quả nhất trên nhiều nền tảng, trên nhiều hệ thống như mạng xã hội, hệ thống internet OTP…", ông Đinh Đắc Vĩnh nhấn mạnh.

Hội thảo "Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới" do Ban Hợp tác quốc tế phối hợp với Trung tâm Sản xuất và Kinh doanh Nội dung số (VTV Digital) tổ chức. Đây là một cuộc thảo luận mở theo hướng nói chuyện chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm để các đại biểu có thể hình dung được xu hướng phát triển của truyền hình và Internet.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước