Toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của bão số 3 và cách ứng phó thiên tai khốc liệt

Minh Tâm-Thứ bảy, ngày 21/09/2024 09:47 GMT+7

VTV.vn - Chương trình đặc biệt nhằm phân tích toàn cảnh nguyên nhân, hậu quả của cơn bão Yagi và đợt lũ quét lịch sử, từ đó đưa ra những phương án phòng chống, khắc phục thiên tai.

Bão Yagi - cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam vừa qua đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản, tác hại đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đặc biệt là tâm lý của người dân. Với sức tàn phá vượt qua mọi tưởng tượng, bão số 3 trở thành cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta. Chỉ trong vòng 1 tuần, Bộ Chính trị đã có kết luận, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 Công điện chỉ đạo, xử lý kịp thời, hiệu quả diễn biến tình hình, nhất là những diễn biến đột xuất, bất ngờ. Gần nửa triệu người được huy động để đối phó với cơn bão, hơn một trăm nghìn lượt người ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất và lũ quét. 

Và giờ đây, khi bão số 3 đã qua và trước mắt sẽ còn cơn bão khác, chúng ta sẽ tiếp tục phải ứng phó thế nào trong ngắn hạn và lâu dài là câu hỏi được đặt ra ngay lúc này. Chương trình truyền hình đặc biệt "Ứng phó thiên tai khốc liệt" của Đài Truyền hình Việt Nam đã tổng hợp, nhìn lại những hậu quả chưa từng có trên quy mô lớn mà cơn bão số 3 gây ra, đồng thời góp phần chỉ ra những vấn đề trong phát triển các đô thị ven biển hoặc lưu vực ven sông, những vấn đề trong phòng chống lũ, sạt lở đất, các giải pháp phát triển bền vững, chủ động ứng phó và thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai đang có xu hướng tăng cả về tần suất, cường độ và khốc liệt hơn.

Thông qua chương trình, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân có thêm thông tin để xem xét, hoàn thiện tư duy, tầm nhìn phát triển cũng như thay đổi hành động thích ứng ở quy mô quốc gia, địa phương, cộng đồng dân cư và hộ gia đình.

Toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của bão số 3 và cách ứng phó thiên tai khốc liệt - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, ngày 12/9/2024. (Ảnh: TTXVN)

Trong chương trình, BTV Tùng Thư đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục - một nhà nghiên cứu về phát triển đô thị, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu cùng các nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng, Khoa địa chất - Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

BTV Thanh Tùng, đến từ Trung tâm Thời tiết, Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam đã cùng khán giả nhìn lại một cách tổng quan nhất về cơn bão Yagi và đợt mưa lũ diện rộng lần này. Theo đó, Yagi được công nhận là siêu bão có sức gió mạnh thứ hai trên thế giới, tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Sau khi bão suy yếu, xoáy thấp hoàn lưu sau bão kết hợp với một dải hội tụ nhiệt đới, vắt ngang qua khu vực Bắc Bộ, gây ra đợt mưa lớn nhất, xảy ra trên diện rộng khu vực Bắc Bộ trong vòng 30 năm trở lại. Đây cũng là nguyên nhân gây nên các vụ sạt lở đất, lũ quét thảm khốc nhất từ trước đến nay tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích.

Toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của bão số 3 và cách ứng phó thiên tai khốc liệt - Ảnh 2.

BTV Thanh Tùng phân tích lại các giai đoạn của cơn bão

Thông qua những thước phim và con số chân thực, xúc động về sự khủng khiếp về hậu quả, thiệt hại của cơn bão số 3, chương trình đã cùng các chuyên gia phân tích từng giai đoạn của bão và những hành động ứng phó. 

Trước ảnh hưởng của bão, phóng sự ghi lại hình ảnh các công trình xây dựng, hàng nghìn ngôi nhà, khách sạn, nhà hàng tại các khu du lịch trở thành đổ nát, hoang tàn khiến bất cứ ai cũng phải xót xa. TS. Vũ Thành Trung - Giám đốc Trung tâm Kết cấu thép và xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng - đã chia sẻ về những yếu tố để giúp người dân có thể xây dựng được ngôi nhà kiên cố, vững chãi trước những cơn bão cuồng phong sắp tới. Theo đó, đối với những ngôi nhà có kết cấu tạm bằng khung thép, vải bạt là chịu ảnh hưởng nặng nề của bão trong khi các công trình kiên cố thì không bị ảnh hưởng nhiều. Chuyên gia cũng có những đánh giá về vật liệu được sử dụng trong các công trình đô thị ven biển được sử dụng hiện nay, ông cho biết nhôm kính là những vật liệu quen thuộc được sử dụng ở nhiều nước, có thể chống chịu được với sức ảnh hưởng của bão, tuy nhiên cần tăng mức độ chống chịu của các công trình quan trọng lên mức cao hơn và với các ngôi nhà thì nên chống chịu thêm bằng các vật liệu như gỗ để giảm mức độ ảnh hưởng.

Toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của bão số 3 và cách ứng phó thiên tai khốc liệt - Ảnh 3.

Tọa đàm cùng chuyên gia thảo luận về biện pháp xây dựng các công trình có sức chịu trước thiên tai.

Là chuyên gia nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển, Phó GS. TS, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục cho biết hiện nay những kết cấu hạ tầng của những công trình quốc gia không chịu nhiều ảnh hưởng nhưng vào các khu dân cư thì có nhiều vấn đề. Chuyên gia kiến nghị các công trình khu dân cư nên áp dụng tính thích ứng của các khu dân cư truyền thống, cấp quốc gia các tỉnh nên có những công trình mang tính đàn hồi. Chuyên gia cũng chia sẻ thêm về việc xây dựng các đô thị ven sông, trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu xảy ra như hiện nay thì cần có các hệ thống cảnh bảo, đào tạo tập huấn, khung pháp lý về quy hoạch, các hệ tiêu chuẩn riêng trong thảm họa cho từng vùng, kịch bản ứng phó với lũ lụt,...

Toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của bão số 3 và cách ứng phó thiên tai khốc liệt - Ảnh 4.

Tọa đàm thảo luận về các biện pháp ứng phó, cảnh báo trước bão

Các địa phương có thể ứng phó với sạt lở đất, lũ quét thế nào vì đây là loại thiên tai gây mất mát nhiều nhất với con người? Đây là câu hỏi được đặt ra cho GS. TS. Đỗ Minh Đức, Khoa Địa chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo chuyên gia, để đáp ứng được yêu cầu phòng chống thiên tai như thực tiễn diễn ra những ngày qua, cần thành lập thêm bản đồ và những yếu tố chịu tác động của những thiên tai này ở các vùng có nguy cơ, phát triển các hệ thống cảnh báo sớm để cung cấp thông tin đầy đủ về những thiên tai này cho chính quyền và người dân địa phương. Cũng theo chuyên gia, cần phát huy vai trò của các tổ đội xung kích phòng chống thiên tai, lãnh đạo các cơ sở, trưởng thôn bản, rà soát theo dòng chảy sông suối, tăng cường sự nhận thức của cộng đồng dân cư,...

Toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của bão số 3 và cách ứng phó thiên tai khốc liệt - Ảnh 5.

Thảo luận các cách ứng phó với nguy cơ sạt lở đất

Chương trình cũng đưa ra những thông tin về bất cập, những điểm cần khắc phục của các bản đồ cảnh báo sạt lở đất của các địa phương nhằm có những thông tin chính xác, kịp thời hơn.

Trong tình huống thiên tai xảy ra bất kỳ lúc nào, có những trường hợp người dân bằng những kinh nghiệm thực tế, kinh nghiệm cha ông để lại đã nhanh chóng nhận thức được những bất thường và kịp thời đưa ra quyết định di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Những kinh nghiệm như thế này sẽ còn cần được lưu truyền cho các thế hệ sau và những tri thức bản địa sẽ còn cần được bồi đắp để phòng chống thiên tai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước