Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, nhưng Nguyễn An Như (sinh năm 2003, Hà Nội) vĩnh viễn không thể nhìn thấy mọi thứ sau một tai nạn, khi em mới 11 tháng tuổi. Trải qua hơn 20 cuộc đại phẫu lớn nhỏ, cô gái 10X đã vượt qua những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần để trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Không chỉ chinh phục đàn tranh, piano, violon và sáo trúc, An Như còn là vận động viên nhỏ tuổi nhất của CLB khiêu vũ nghệ thuật người khiếm thị với nhiều thành tích ấn tượng.
Trạm yêu thương chủ đề "Những giai điệu ánh sáng" mở ra với rất nhiều nhạc nhạc cụ như đàn tranh, sáo trúc, violon, piano. Khi MC của chương trình còn đặt câu hỏi khách mời tuần này có phải là cả ban nhạc thì An Như xuất hiện đầy ấn tượng với cây sáo trúc cùng giai điệu quen thuộc của bài hát "Despacito". Tiếng sáo du dương trầm bổng đã thổi một làn gió mới cho bản hit Latin từng làm mưa làm gió các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế. Nếu cô gái 10X này không giới thiệu, sẽ nhiều người không biết em là một cô bé khiếm thị. An Như chia sẻ: "Không thể nhìn thấy mọi thứ, nhưng cuộc sống của em luôn thú vị và tràn ngập niềm vui. Em có một niềm đam mê với các nhạc cụ. Âm nhạc không chỉ là bạn, là ánh sáng mà còn giúp cuộc sống của em tràn ngập màu sắc và yêu thương, và em muốn lan tỏa điều đó đến tất cả mọi người".
Sự hồn nhiên, nhí nhảnh và có chút tinh nghịch của An Như đã khiến cuộc trò chuyện diễn ra hết sức cởi mở, lôi cuốn và có phần thú vị khi em sẵn sàng hát "L'italiano" bằng tiếng Ý khi tham gia thử thách của chương trình. Khi được hỏi về biến cố khiến An Như trở thành người khiếm thị, em trả lời hết sức lạc quan: "Em nghĩ biến cố đã xảy ra, dù là người khiếm thị hay không, cũng nên sống một cuộc đời đáng sống". Những bức ảnh mà cô Nhữ Thị Tuyết Anh, mẹ của Như mang đến đã giúp khán giả hình dung rõ hơn về biến cố từng ập đến với gia đình.
Như bao đứa trẻ khác, từ khi sinh ra, bé An Như xinh xắn, đáng yêu chập chững lớn lên trong vòng tay yêu thương chăm sóc của mẹ. Tai nạn bất ngờ xảy ra trong ngày đầu tiên An Như đi nhà trẻ, cú ngã khiến em bị chấn thương sọ não. Cô bé 11 tháng tuổi khi ấy phải trải qua cuộc đại phẫu mổ não, đặt van và hơn 20 cuộc điều trị. "Giai đoạn khó khăn đó, mọi thứ phải dừng lại hết, tâm trạng của mình khi đó thực sự không thể tả nổi. Nó như máy bay phi xuống biển. Tôi ôm con đi khắp các bệnh viện, từ Tây y đến Đông y, vào miền Nam, tới miền Trung, ra miền Bắc. Ở đâu mách chữa được bệnh cho con là đi. Biến chứng từ những ca mổ khiến con không thể nhìn thấy và mắc chứng tự kỷ tăng động. Sau khi chạy chữa khắp nơi, đồ đạc trong nhà cái gì con cũng mang ra gõ và đập hết. Khi được các bác sĩ tư vấn con nhạy cảm với âm thanh thì mình bắt đầu tìm cách cho con tiếp cận âm nhạc. Các nhạc cụ và giai điệu đã có hiệu quả, giúp con bình tĩnh lại. Gia đình đã xin cho con đi học piano, dù mỗi buổi học của con chỉ kéo dài 5 đến 10 phút. Khi ấy Như 3 tuổi…." – Chị Tuyết Anh nhớ lại.
Quá trình học đàn của An Như là cả sự kỳ công, khi ấy chị Tuyết Anh vừa học cùng con, vừa nhớ bài để dạy lại cho con mỗi tối. Đồng hành cùng con những năm tháng trong viện, đưa con đi chữa bệnh rồi đi học, chị Tuyết Anh không chỉ trở thành bác sĩ, thành cô giáo mà còn trở thành người bạn thân thiết của con gái.
Từ piano, cô gái khiếm thị dần có một tình yêu đặc biệt với các nhạc cụ. Khi vào trường Nguyễn Đình Chiểu, được nghe tiếng đàn của anh chị tham gia dàn nhạc ở trường, An Như đã kiên trì khổ luyện và quyết tâm thi vào Nhạc viện để nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt với cây đàn tranh, sau đó là sáo trúc và violin. Với mỗi nhạc cụ, cô gái khiếm thị đều chia sẻ một lí do đặc biệt khiến em muốn chinh phục: "Trong các nhạc cụ, em thích nhất đàn tranh, vì âm thanh của nó réo rắt và thánh thót. Mỗi lần chơi nhạc, em thường tưởng tượng ra rất nhiều màu sắc. Em không biết định nghĩa màu sắc như thế nào, nhưng khi đánh đàn em tưởng tượng ra những dòng nước chảy róc rách, ra đám mây bay, ra nụ cười của mọi người… Và điều khiến em thích nhất là nghe mỗi người chơi đàn sẽ phần nào đoán được tính cách và cảm xúc của người đó.
Vì không thể đọc được phổ nhạc nên cách học của An Như cũng khác, em học bằng cách nghe cô giáo chơi đàn rồi ghi nhớ nốt nhạc bằng cách nghe đi nghe lại nhiều lần. Chính điều đó giúp em nhận ra phong cách của mỗi giáo viên. Sự xuất hiện bất ngờ của nghệ sĩ đàn tranh Phạm Hồng Hạnh đã mở ra nhiều điều thú vị về cô học trò đặc biệt cũng như nghị lực của em trên hành trình chinh phục cây đàn tranh – môn học siêu khó đối với cả những người mắt sáng. Đối với An Như, cô Hạnh còn là bạn và là thần tượng của em: "Em nghe cô đàn, em tưởng tượng ra cô là một người rất xinh đẹp và ấm áp. Em luôn muốn mình giống như cô, học được nhiều điều ở cô để sau này em có trở thành cô giáo thì học trò của em sẽ yêu mến em giống như em yêu cô vậy".
Thử thách thể hiện ca khúc "Bên trên tầng lầu" – bản hit đang được nhiều bạn trẻ Việt yêu mến bằng đàn tranh, sáo trúc, violin và piano sẽ giúp khán giả được mắt thấy, tai nghe khả năng chơi được nhiều nhạc cụ của An Như. Không chỉ dừng lại ở các nhạc cụ, cô gái tài năng này còn có thể khiêu vũ. Phóng sự về hành trình theo đuổi bộ môn này cùng những thành tích mà em đạt được sau gần 3 năm theo học sẽ khiến khán giả thêm ấn tượng về cô gái khiếm thị nhưng ham học hỏi và không ngừng vươn lên.
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, An Như mong muốn bản thân sẽ tập trung hoàn thành tốt chương trình học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chơi tốt các nhạc cụ đang theo đuổi và xa hơn nữa là trở thành cô giáo dạy nhạc, truyền lại các kỹ năng cảm thụ âm nhạc cho những hoàn cảnh không may mắn giống như mình. Món quà của Trạm yêu thương sẽ góp phần chắp cánh cho ước mơ đầy nhân văn của cô bé khiếm thị tài năng này.
Chương trình sẽ được phát sóng vào 10h00 thứ Bảy ngày 14/10/2023 trên kênh VTV1!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!