Từng được biết đến với hành trình 10 năm cõng em trai bại liệt tới giảng đường, chị Trần Thị Xuân (sinh năm 1991, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) nay lại khiến nhiều người cảm phục bởi hành trình bền bỉ đi tìm ánh sáng cho con trai. Vừa là đôi chân đưa em trai đi khắp thế gian, chị Xuân vừa là điểm tựa của cả gia đình. Nghị lực của người mẹ 9X sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương với chủ đề "Điểm tựa bình yên".
Chị Trần Thị Xuân và em trai trong câu chuyện cõng em tới trường
Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương với ca khúc Ước mơ của mẹ, Đặng Hoàng Minh phần nào kể về những hy sinh và những nỗi lo toan mà mẹ em, chị Trần Thị Xuân gánh trên đôi vai gầy. Khi được hỏi về điều thích nhất ở mẹ, Minh dõng dạc chia sẻ: "Mẹ con rất hiền, nấu ăn rất ngon. Mẹ luôn làm tất cả những gì con muốn và điều con thích nhất là mẹ giảng bài rất dễ hiểu, giúp việc học của con dễ dàng hơn dù con không thể nhìn thấy mọi thứ. Mẹ con làm công việc bán thời gian vì còn phải chăm sóc cậu của con. Cậu nằm liệt giường và phải dùng ống thở vì biến chứng sau COVID-19".
Năm 2016, câu chuyện người chị gần 10 năm cõng em đến trường đã lấy đi nước mắt của nhiều người, chị Xuân chỉ 40kg nhưng ngày ngày cõng em trai nặng gần 60kg đến trường. Khi ấy Tuấn Anh – em trai chị Xuân là sinh viên năm 2 của Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Là con trai duy nhất trong gia đình, nhưng Tuấn Anh (sinh năm 1997) lại không may mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchence không có khả năng phục hồi và teo tóp dần. Ủng hộ ý chí ham học của em trai, chị Xuân trở thành đôi chân của Tuấn Anh, bền bỉ cõng em đến trường. Cho đến khi lấy chồng, có con, chị Xuân lại xin gia đình về ở nhà ngoại để ngày ngày tiếp tục đưa em đến trường, chinh phục tấm bằng đại học.
Vì căn bệnh ung thư hạch bạch huyết nên con trai chị Xuân đã không thể nhìn thấy ánh sáng nữa.
Kể về hoàn cảnh của con trai, chị Trần Thị Xuân rơi nước mắt: "Ngày Tuấn Anh – em trai mình tốt nghiệp Đại học, là ngày hai mẹ con đưa nhau nhập viện vì con được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh hoạt bát, mắt Hoàng Minh cứ mở dần và con không còn nhìn thấy mọi thứ vào năm 4 tuổi". Bố mất sớm vì ung thư, mẹ mắc bệnh thoát vị không thể làm được việc nặng, kinh tế gia đình đè nặng trên đôi vai chị Xuân. Nay gánh nặng càng thêm chồng chất khi con trai chị vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng.
"Khi bác sĩ nói không còn hy vọng chữa được đôi mắt cho con, mình đã suy sụp và choáng váng. Lúc đó chỉ muốn ôm con nhảy cầu tự vẫn, vì mọi điều không may cứ đổ ập lên gia đình mình. Chính lúc đó Minh đã khuyên mẹ là con virus nó chỉ làm phiền con chút thôi, rồi con lại nhìn thấy mọi thứ. Những ngày trong bệnh viện, chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn, mình đã dần tĩnh tâm lại và nghĩ rằng phải mạnh mẽ mới trở thành điểm tựa cho con", chị Xuân tâm sự.
Cậu bé Hoàng Minh mong muốn được trở thành nhân viên văn phòng trong tương lai.
Hành trình trở thành học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu của Hoàng Minh là nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai mẹ con. Bao nhiêu nỗ lực học chữ nổi của là bấy nhiêu thời gian chị Xuân đồng hành cùng con. Dù nhà cách trường hàng chục cây số, kể cả ngày nắng cũng như ngày mưa chưa bao giờ chị Xuân để con đi học muộn. Chị luôn tâm niệm, con có thể không nhìn thấy ánh sáng chứ không để con mù chữ. Không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực cho con học văn hoá, chị Xuân từng đi khắp nơi xin học đàn cho Hoàng Minh với hy vọng những giai điệu sẽ khiến cuộc đời con nhiều niềm vui và màu sắc yêu đời. Từng nhận được rất nhiều lời từ chối bởi dạy nhạc cho trẻ khiếm thi rất vất vả và mất nhiều thời gian, nhưng chưa bao giờ người mẹ 9X bỏ cuộc.
May mắn đã mỉm cười với chị Xuân, khi cô giáo Phạm Ánh Ngà đã nhận dạy piano cho Minh hoàn toàn miễn phí. Suốt hai năm qua, bất kể dù bận hay ốm, cô Ngà chưa bao giờ nghỉ dạy Hoàng Minh. Sự xuất hiện bất ngờ của cô giáo đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc tại trường quay của Trạm yêu thương.
"Với những bạn khiếm thị chơi đàn, cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Điều quan trọng không phải nhìn thấy phím đàn hay không mà quan trọng nhất là sự cảm nhận trong tâm hồn. Trong quá trình dạy Minh, tôi phát hiện ra cháu có một đôi tai thẩm âm tuyệt vời và nghị lực của Minh là điều khiến cô vô cùng ngưỡng mộ", cô Ngà bật mí.
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Hoàng Minh mong muốn được trở thành nhân viên văn phòng vì mới đây em được học máy vi tính và sử dụng rất thành thạo. Còn với chị Xuân, điều chị mong mỏi nhất là có công việc ổn định để trang trải kinh tế gia đình vì con trai chị vẫn phải chạy xạ trị thường xuyên, em trai dù đã ra trường nhưng nằm liệt giường phải dùng ống thở. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào san sẻ gánh nặng về kinh tế trên đôi vai người mẹ 9X đầy nghị lực này.
Chị Xuân là điểm tựa cho con trai và cả gia đình, vậy đâu là điểm tựa cho người phụ nữ tảo tần này vững tâm và vững tin vượt qua những biến cố? Tất cả sẽ được giải đáp trong Trạm yêu thương chủ đề "Điểm tựa bình yên" lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 23/3/2024 trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!