“Trong hợp tác sản xuất chương trình, phải biết kiên nhẫn, tôn trọng và lắng nghe”

Yến Trần (Thực hiện)-Thứ sáu, ngày 23/11/2018 12:48 GMT+7

VTV.vn - Tổ chức sản xuất series Sắc màu Nhật Bản, nhà báo Minh Hà (Ban Hợp tác Quốc tế - Đài THVN) đã có những chia sẻ về vấn đề hợp tác quốc tế.

Sau thành công của 3 mùa Sắc màu Nhật Bản, VTV và TBS tiếp tục mang đến cho khán giả series Sắc màu Nhật Bản - Trải nghiệm du lịch xanh. Với cương vị Tổ chức Sản xuất của chương trình, chị có thể cho biết Sắc màu Nhật Bản – Trải nghiệm du lịch xanh có gì khác biệt?

Nằm trong chuỗi sự kiện tuyên truyền kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018), Đài Truyền hình TBS Nhật Bản đã đề xuất hợp tác cùng Đài THVN sản xuất chương trình trải nghiệm du lịch Sắc màu Nhật Bản - Trải nghiệm dịch xanh. Xuất phát từ ý tưởng đưa khách du lịch đến gần hơn với thiên nhiên, đến với nguồn năng lượng sạch, thăm quan và tiếp cận quy trình sản xuất khép kín theo hướng giữ gìn môi trưởng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phát triển bền vững, chương trình đã chọn Du lịch xanh làm chủ đề trung tâm.

Lần đầu tiên, Sắc màu Nhật Bản - Trải nghiệm du lịch xanh sẽ đem đến cho khán giả truyền hình Việt Nam một góc nhìn khác về đất nước Mặt trời mọc thông qua những trải nghiệm về cuộc sống ở các vùng nông thôn miền núi xa xôi hay làng chài ven biển của Nhật Bản, nơi mà rất ít khách du lịch nước ngoài hay chính người dân bản địa có dịp đặt chân đến. Đó là hình thức du lịch trải nghiệm Nouhaku  – trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương.

“Trong hợp tác sản xuất chương trình, phải biết kiên nhẫn, tôn trọng và lắng nghe” - Ảnh 1.

Du lịch xanh Nouhaku với những trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương.

Như vậy, chương trình không chỉ hướng đến những địa điểm du lịch thông thường tại các thành phố lớn của Nhật Bản mà sẽ đưa người xem tới thăm những ngôi làng yên bình ở nông thôn Nhật Bản, nơi có thể nghe tiếng dế kêu và nước chảy róc rách, nơi mà lối sống, nếp nhà được người dân địa phương được lưu giữ qua nhiều thế kỉ.

Điều đó cũng có nghĩa, series phim lần này sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị của loại hình du lịch xanh đặc sắc của Nhật Bản. Để truyền tải được những điều đó, ê kíp thực hiện đã phải chuẩn bị và thực hiện những cảnh ghi hình công phu như thế nào?

Đúng là công việc tổ chức sản xuất là hết sức công phu bởi người Nhật rất chỉn chu, tỉ mỉ đến từng chi tiết và luôn hướng đến hiệu quả cao. Vậy nên, việc tổ chức sản xuất của từng tập phim cũng luôn được chuẩn bị rất kỹ càng.

Có thể nói, sau 3 năm được hợp tác với các đồng nghiệp Nhật nói riêng và người Nhật nói chung, chúng tôi đã học được nhiều từ cách tổ chức sản xuất của họ bởi họ luôn có các kế hoạch A, B, C nên dù tình hình thời tiết thế nào, hay chẳng may xe cộ trên đường hỏng hóc ra sao thì đoàn vẫn có thể chủ động và làm việc hiệu quả.

“Trong hợp tác sản xuất chương trình, phải biết kiên nhẫn, tôn trọng và lắng nghe” - Ảnh 2.

"Người Nhật rất chỉn chu, tỉ mỉ đến từng chi tiết và luôn hướng đến hiệu quả cao"

Chỉ một ngày trước khi bay sang Nhật, chúng tôi nhận được tin về trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Hokkaido. Đây là một trong 5 tỉnh chúng tôi dự kiến ghi hình cho chương trình. Tiếp theo đó là một loạt cơn bão đổ vào Nhật, trong đó có việc sân bay Kansai (điểm cuối trong lịch trình của chúng tôi) ở Osaka bị ngập nước và phải dừng hoạt động. Để đảm bảo an toàn và chuyến đi diễn ra suôn sẻ, chúng tôi đã thay đổi lịch trình. Thay vì đến Hokkaido, chúng tôi chuyển sang khám phá tỉnh Mie, nơi khởi nguồn của du lịch Thần đạo tâm linh của Nhật Bản. 

Việc ghi hình yêu cầu rất gấp rút. Chúng tôi liên tiếp di chuyển nhiều địa điểm khác nhau để ghi hình từ sáng sớm đến tối khuya theo yêu cầu kịch bản. Chúng tôi may mắn nhận được sự phối hợp nhiệt tình từ phía nhà sản xuất Nhật Bản cũng như chính quyền và người dân tại các địa phương để có thể toàn tâm thể hiện phần kịch bản sao cho hấp dẫn và gần gũi nhất với khán giả xem truyền hình Việt Nam.

“Trong hợp tác sản xuất chương trình, phải biết kiên nhẫn, tôn trọng và lắng nghe” - Ảnh 3.

Ê kíp sản xuất của VTV luôn nhận được sự phối hợp nhiệt tình từ nhà sản xuất Nhật Bản

Câu chuyện hậu kì sau đấy cũng là cả câu chuyện dài. Các đồng nghiệp Nhật kiểm soát timecode rất chặt chẽ, đúng từng giây. Nhạc có thể phải lùi lên hoặc lùi xuống thậm chí 1/2 giây trong hình để đạt hiệu ứng hay nếu chương trình đã là 30 phút thì phải là 30:00; còn người Việt ta thì đại khái, có thể làm hụt 29:30 hay làm thừa thành 30:01 thì đều phải chỉnh sửa lại. Một vài ví dụ như vậy để bạn đọc có thể hiểu tính tỉ mỉ của người Nhật như thế nào.

Khi nói về series Sắc màu Nhật Bản chị từng chia sẻ rằng sự phối hợp lúc đầu giữa ê kíp sản xuất của VTV với TBS chưa ăn ý lắm vì còn có khác biệt về cách nhìn nhận vấn đề và rào cản ngôn ngữ. Sau 4 năm hợp tác sản xuất làm chương trính, cá nhân chị nói riêng và các PV VTV hẳn đã tích lũy được những kinh nghiệm quý trong việc hợp tác làm phim quốc tế?

Đúng là khi mới hợp tác làm Sắc màu Nhật Bản thì cả ê-kip của VTV và TBS còn có nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt ê-kíp của VTV phải làm quen với phong cách làm việc tỉ mỉ, chi tiết, khả năng làm việc với cường độ cao, tính kỉ luật của phía Nhật. Ngôn ngữ cũng quyết định rất nhiều do việc ghi hình ở hiện trường ở Nhật đều phải phụ thuộc vào phiên dịch. Năm nay, chúng tôi chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi đi quay ở Nhật Bản. Phía đài TBS đã thực hiện khảo sát rất kỹ cho mỗi địa điểm thực hiện, đồng thời liên tục thông tin về cho tôi trong quá trình thực hiện khảo sát để tham vấn ý kiến.

“Trong hợp tác sản xuất chương trình, phải biết kiên nhẫn, tôn trọng và lắng nghe” - Ảnh 4.

Phía Nhật cũng rút kinh nghiệm, tôn trọng ý kiến của ê-kip Việt Nam và hỗ trợ chúng tôi tối đa trong quá trình làm chương trình vì họ cũng hiểu được là chương trình được chiếu ở Việt Nam, cho khán giả Việt Nam xem. Hơn nữa, cả hai đạo diễn của VTV và TBS đều trao đổi và làm việc kỹ càng với phiên dịch để hỗ trợ chúng tôi nhiều hơn ở hiện trường. Cá nhân tôi thì tôi cũng nỗ lực ôn lại tiếng Nhật mà tôi đã từng học khi còn là sinh viên nên kĩ năng nghe hiểu của tôi khá tốt. Điều này giúp tôi có thể nhanh chóng kiểm soát được tình hình.

Đặc biệt, bạn Bảo An là nhân vật trải nghiệm chương trình năm nay cũng rất có ý thức chuẩn bị học những câu tiếng Nhật giao tiếp thông thường trước khi sang Nhật để hòa nhập với công việc nhanh hơn. Có thể nói, càng ngày chúng tôi càng chuyên nghiệp hơn, quen hơn với điều kiện sản xuất tại Nhật nên việc hợp tác giữa các bên rất ăn ý và hiệu quả.

“Trong hợp tác sản xuất chương trình, phải biết kiên nhẫn, tôn trọng và lắng nghe” - Ảnh 5.

Nhà báo Minh Hà (áo trắng - bên trái) cùng ê kíp sản xuất

Cuối cùng, điều tôi muốn nói trong hợp tác quốc tế, để hiệu quả và thành công, các bên phải kiên nhẫn, tôn trọng đối tác, biết lắng nghe, chia sẻ ý kiến mang tính xây dựng và hướng tới mục đích chung là có sản phẩm truyền hình hấp dẫn phục vụ khán giả.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Chương trình Sắc màu Nhật Bản – Trải nghiệm Du lịch xanh phát sóng lúc 15h20, thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ ngày 23/11/2018.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước