50 năm trước...
Từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, Thủ đô Hà nội và 1 số tỉnh thành miền Bắc phải đối đầu với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ. Nói về B52 và sức huỷ diệt của nó, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: "B-52 có hơn chục máy gây nhiễu, ngoài ra, máy bay hộ tống cũng có đeo thêm máy gây nhiễu. Và đặc biệt là các nhiễu ở các máy gây nhiễu ở ngoài lãnh thổ chúng ta nó tạo thành vùng nhiễu rất dày đặc và radar mặt đất không nhìn thấy và radar trên trời cũng không bắt được".
B-52 là siêu pháo đài bay thượng đẳng, là thần tượng của không lực Hoa Kỳ. Loại máy bay này có thể trút bom như mưa, 1 phi vụ có thể huỷ diệt cả 1 khu vực rộng lớn.
Chính vì những đặc điểm này mà theo Trung tướng Phạm Tuân, ông và các đồng đội của mình thời gian ấy đã gặp rất nhiều khó khăn: "Thời điểm bấy giờ phi công chúng tôi căng thẳng lắm, gần 10 ngày chúng ta không đánh được".
Nhưng cũng vào chính lúc này, Trung tướng Phạm Tuân đã có những quyết định táo bạo. Bằng kinh nghiệm và sự quan sát tinh tường của mình, ông nhận ra rằng: "Nhiễu của nó - nhiễu về phía trước, nhiễu vào Hà Nội rất nặng. Nhưng nhiễu sang 2 bên hạn chế".
Từ quan sát này, quyết định đã được đưa ra: "Chúng ta đánh sớm hơn, cất cánh từ sân bay ngoài xa để tiếp cận vào B52, dùng sở chỉ huy ở các nơi xa Hà Nội để dẫn dắt". Và theo phương án mới, chiều 27/12, phi công Phạm Tuân được lệnh cơ động lên sân bay Yên Bái cùng chiếc MIG-21. Đến 22 giờ 30 phút, ông được lệnh xuất kích.
"Rất may là máy bay của ta đã vượt lên với tốc độ rất lớn và vượt qua được hàng bảo vệ" - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại - "Cái giây phút mà phóng quả tên lửa hết sức hồi hộp, hết sức căng thẳng".
Và chính trong trận không chiến này, ông đã trở thành phi công đầu tiên bắn rơi tại chỗ máy bay B52 và sống sót trở về. Trung tướng Phạm Tuân nói rằng khi hạ cánh, ông đã thở phào nhưng cái thở phào ấy không phải vì đã xong nhiệm vụ và cảm thấy nhẹ nhõm mà là ông cùng các đồng đội đã vượt được qua khó khăn.
Khi hạ cánh xuống rồi tôi thở phào, không phải nhẹ nhõm vì nhiệm vụ, mà tôi mừng vì Không quân của chúng ta đã đánh rơi tất cả các loại máy bay giờ đến B52. Khó khăn 10 ngày không đánh được thì hôm nay đã đánh được. Đó là điều mừng nhất lúc bấy giờ".
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân.
Trận chiến 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội và chính chiến dịch Điện Biên Phủ trên không là chiếc cầu nối nối tiếp đến chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tròn vẹn lãnh thổ.
Năm 1973, Trung tướng Phạm Tuân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
42 năm trước...
1 giờ 33 phút 3 giây ngày 24 tháng 7 năm 1980 (giờ Hà Nội), Trung tướng Phạm Tuân đã hiện thực hoá được dự đoán của bác Hồ - rồi một ngày nào đó người Việt Nam sẽ bay vào vũ trụ. Nói về điều này, Trung tướng Phạm Tuân bảo rằng: "May mắn làm sao tôi lại thực hiện được những dự đoán của Bác".
Trung tướng Phạm Tuân. (Ảnh tư liệu)
Trong 8 ngày bay trong vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân và phi công người Nga Gorbatko thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo trái đất, tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không cùng nhiều thí nghiệm khoa học khác.
Sau chuyến bay vào vũ trụ ấy, Trung tướng Phạm Tuân đã trở thành người nước ngoài đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lênin.
Chúng tôi là những người đã từng bay trong chiến đấu, giờ được bay trong điều kiện hoà bình như vậy thì luôn luôn thấy được là giá trị của hoà bình, giá trị của độc lập tự do nó cao quý lắm.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân.
(Ảnh: chụp từ phim tư liệu)
Năm 2022...
Đất nước mình đẹp, trái đất mình đẹp nên mình tiếp tục quay về...
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân của thời điểm này - sau 50 năm từ sự kiện ông bắn rơi chiếc máy bay B52 và 42 năm sau sự kiện bay vào vũ trụ - trước câu hỏi ông có phải người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ hay không, Trung tướng Phạm Tuân hóm hỉnh trả lời: "Nếu như theo truyền thuyết của chúng ta thì tôi chỉ là người thứ 2 thôi".
"Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nói Thánh Gióng đánh giặc Ân xong thì bay lên trời không quay về nữa" - Phạm Tuân nói tiếp - "Tôi hay nói đùa là ông Thánh Gióng bay đi không bay về nữa thì ông thành Thánh, còn tôi đánh nhau xong thì tôi thấy đất nước mình rồi trái đất mình nó đẹp lắm, mình tiếp tục quay về để làm việc ở dưới... nên làm Tướng là cùng thôi".
Rất nhiều người biết tôi. Mọi người hay nói: "A, anh hùng Phạm Tuân đây!". Mình thấy rất vui. Chỉ có cái là mình làm sao giữ gìn, phát huy hơn nữa, đừng làm gì để ảnh hưởng đến những danh hiệu rất cao quý mà Đảng và nhà nước đã trao cho mình.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân.
Là một chương trình mới được sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) của Đài Truyền hình Việt Nam, "Những anh hùng thế kỷ XX" sẽ được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital bắt đầu từ ngày 15/7. Các số của "Những anh hùng thế kỷ XX" - chương trình được đồng hành của công ty Golf Long Thành - được đăng tải trên Báo điện tử VTV.VN và Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!