Câu hỏi được đặt ra tại diễn đàn lần này là: Trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông đại chúng hiện nay truyền hình phải góp phần bảo vệ bản sắc dân tộc; Phải đề cao những giá trị nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại như thế nào?
Kể từ khi truyền hình xuất hiện vào đầu thế kỉ thứ XX và phát triển với tốc độ như vũ bão nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đã tạo ra một kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày nay, truyền hình là phương tiện thiết yếu cho mỗi gia đình, mỗi quốc gia, dân tộc. Truyền hình trở thành công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Ở thập kỉ 50 của thế kỉ XX, truyền hình chỉ được sử dụng như là công cụ giải trí, rồi thêm chức năng thông tin, dần dần truyền hình đã trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý và giám sát xã hội, tạo lập và định hướng dư luận, giáo dục và phổ biến kiến thức, phát triển văn hóa quảng cáo và các dịch vụ khác.
‘ Truyền hình bên cạnh đặc điểm chung của báo chí còn có những đặc tính riêng biệt
Truyền hình mặc dù là một loại hình báo chí nhưng bên cạnh những điểm chung của báo chí nó còn có những đặc tính riêng biệt của truyền hình. Nếu tính thời sự là điểm chung của báo chí thì truyền hình với tư cách là một phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại có khả năng thông tin nhanh chóng, kịp thời hơn so với các loại phương tiện khác. Với truyền hình, sự kiện được phản ánh ngay lập tức khi nó vừa mới diễn ra thậm chí khi nó đang diễn ra, người xem có thể quan sát một cách chi tiết, tường tận qua truyền hình trực tiếp và cầu truyền hình. Truyền hình có khả năng phát sóng liên tục 24/24h trong ngày, luôn mang đến cho người xem những thông tin nóng hổi nhất về các sự kiện diễn ra, cập nhật những tin tức mới nhất. Đây là ưu thế đặc biệt của truyền hình so với các loại hình báo chí khác.
Trong xã hội hiện đại, nhờ các thiết bị kĩ thuật hiện đại truyền hình nên có thể truyền trực tiếp cả hình ảnh và âm thanh trong cùng một thời gian về cùng một sự kiện, sự việc “khi sự kiện diễn ra phát thanh báo tin, truyền hình trình bày và báo tin giảng giải nó”. Do vậy truyền hình trở thành một phương tiện cung cấp thông tin rất lớn, có độ tin cậy cao, có khả năng làm thay đổi nhận thức của con người trước sự kiện.
Có thể thấy, những năm gần đây, truyền hình đã phát triển với tốc độ nhanh chóng với nhiều cách thức thể hiện mới lạ hấp dẫn. Trước thực tế đó không thể phủ nhận sự đóng góp của các chương trình truyền hình trong việc tuyên truyền, phát triển văn hóa Việt Nam.
‘ VTV5 sản xuất chương trình TH tiếng dân tộc
Tuy nhiên, nhiều chương trình về mảng văn hóa sau khi ra đời lại không có nhiều thay đổi, cách thể hiện còn đơn điệu chưa hấp dẫn khán giả. Diễn đàn lần nay hi vọng, những người làm truyền hình sẽ cùng nhìn lại thực trạng và tìm cách truyền thông để có thể vừa đúng nội dung và lôi cuốn người xem.
Các bài tham luận tham gia diễn đàn sẽ đề cập tới nhiều vấn đề cụ thể như: Tác động của truyền hình tới khán giả về phát triển văn hóa Việt Nam; Cách truyền thông văn hóa tới người xem như thế nào để vừa đúng, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của khán giả; Tác động qua lại của truyền hình với bảo tồn, phát triển văn hóa qua kinh nghiệm của một số nước trên thế giới; Truyền thông văn hóa cho giới trẻ trong bối cảnh hiện nay; Cách thức thể hiện trong các chương trình văn hóa có tính quyết định đến hiệu quả truyền thông văn hóa; Tháo gỡ khó khăn truyền thông văn hóa của đài TH địa phương; Trong xu thế truyền thông Internet và truyền hình đa phương tiện thì các phóng viên phụ trách mảng văn hóa cần trang bị cho mình những hành trang như thế nào để bắt kịp xu thế hội nhập và đảm bảo tiêu chí Truyền hình với sứ mệnh góp phần phát triển văn hóa Việt Nam.
Theo BTC, diễn đàn năm nay sẽ có sự tham gia của các đơn vị đang sản xuất các chương trình về đề tài văn hóa thuộc các thể loại chính luận, khoa giáo, giải trí... với nhiều đại diện đến từ: Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Ban Khoa giáo – Đài TH Việt Nam, Ban Thời sự - Đài TH Việt Nam, Trung tâm TH Việt Nam tại Đà Nẵng, Đài PT-TH Ninh Thuận, Đài PT-TH Quảng Ninh và Công ti Cát Tiên Sa.