Từ khi Bạch Long, Thành Lộc còn nhỏ, cố NSND Thành Tôn không muốn con cái nối nghiệp gia đình, bởi ổng hiểu quá rõ cái nghề lắm vinh quang nhưng cũng quá nhiều tủi cực này. Ông chỉ muốn hai con học chữ, có nghề nghiệp ổn định như người ta.
Bạch Long kể: "Khi thấy hai đứa bước ra sân khấu là ở phía sau cha tôi cầm sẵn roi mây. Ông đúng chứ không sai vì ông không muốn các con khổ khi theo nghề này. Đến một ngày, ông phát hiện Thành Lộc diễn kịch, tôi hát với đoàn Đồng Ấu Bạch Long ông ấy cười vì biết không cấm được các con nữa.
Tôi thấy con cái nếu có tố chất, hát hay, diễn giỏi làm nên tên tuổi thì nên theo nghề, còn mãi bấp bênh với nghề thì đừng làm. Trong dòng họ của tôi, ai cũng giỏi, nếu suốt đời làm quân sĩ, tôi cũng sẽ bỏ nghề. May mắn, tôi dù sắc vóc nhỏ bé, lùn nhưng còn có cái duyên, cố gắng hát cũng được lòng khán giả. Tôi đi diễn, khóc với nghề cũng nhiều nếu không có bản lĩnh hay lập trường đã bỏ nghề từ lâu".
Để "di sản" của gia đình được tiếp nối, Bạch Long mở ra Đồng Ấu Bạch Long để dạy học trò. Anh muốn đào tạo những nghệ sĩ, diễn viên, mang cái nghề của gia tộc truyền cho lớp trẻ, nhân rộng đến nhiều thế hệ sau.
"Tôi thấy, tụi trẻ ngày nay sướng quá, chúng tôi ngày xưa để đóng vai ông hoàng, bà chúa phải "trầy vi tróc vảy", qua nhiều gian truân. Nhưng vì sự khổ đó nên mới có con đường nghệ thuật như hôm nay, Bạch Long chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!