Khát vọng bình yên là tác phẩm được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt tháng 8. Bộ phim được thực hiện bởi ê-kíp của Ban Văn nghệ, trong đó, NSƯT Việt Hương vừa là tác giả kịch bản vừa là đạo diễn.
Từng là đạo diễn của nhiều bộ phim, việc phải làm phim trong những hoàn cảnh khắc nghiệt dường như đã trở nên quen thuộc với NSƯT Việt Hương. Song, khi nói về bộ phim Khát vọng bình yên, đạo diễn - NSƯT Việt Hương cho biết đây là bộ phim khiến chị tốn nhiều công sức nhất.
“Chưa bao giờ tôi cảm thấy đi làm phim lại mệt như khi thực hiện bộ phim Khát vọng bình yên nhưng tôi vẫn say mê với tác phẩm này", đạo diễn - NSƯT Việt Hương tâm sự.
Đạo diễn Việt Hương tác nghiệp tại hiện trường
Chị có thể nói thêm về những khó khăn mà đoàn làm phim gặp phải khi thực hiện bộ phim Khát vọng bình yên?
- Năm 2012 tôi làm phim Gần lắm Trường Sa cũng vô cùng vất vả nhưng với bộ phim Khát vọng bình yên tôi gặp nhiều khó khăn hơn. Chúng tôi thực hiện bộ phim vào thời điểm giữa mùa hè nên nhiệt độ ngoài trời nhiều khi lên tới 41 - 42 độ C. Dù phải làm việc bắt đầu từ 4h sáng tới hơn 12h đêm dưới thời tiết khắc nghiệt của miền Trung - nơi gió Lào hoạt động mạnh - nhưng không thành viên nào trong ê-kíp than mệt. Họ luôn đồng hành với tôi. Tôi phải cảm ơn tất cả thành viên của ê-kíp sản xuất vì đã cùng tôi tạo nên Khát vọng bình yên.
Ngoài ra, một khó khăn lớn của bộ phim là việc tái hiện các cảnh quay chiến tranh sao cho giống thực tế. Tôi trưởng thành khi đất nước không còn chiến tranh. Vì vậy, để lên kịch bản cho những cảnh quay này, tôi phải đọc sách, xem phim và tìm nhiều tư liệu để nghiên cứu, đồng thời cũng phải tìm gặp các chuyên gia về phim chiến tranh để học hỏi.
Đạo diễn Việt Hương và ê-kíp làm phim "Khát vọng bình yên"
Khó khăn là vậy nhưng chắc sẽ phải có cảnh quay mà chị ấn tượng nhất trong bộ phim này?
- Cả tôi và quay phim Minh Tuấn đều chưa ai có kinh nghiệm thực hiện cảnh quay chiến tranh nên đều rất lo lắng khi làm phim. Hơn nữa, tôi từng nghe thầy mình kể lại đã có người hy sinh khi làm phim vì xảy ra sự cố bắn đạn thật và làm nổ quả nổ nên cũng hơi sợ. Nhỡ có điều gì bất trắc dẫn đến ai bị thương thì nguy. May mắn là kết thúc cả quá trình làm phim đã không xảy ra sự cố nào.
Có lẽ, cảnh quay nổ bom trong ngày khai máy là một trong những cảnh quay ấn tượng nhất với tôi. Ngày khai máy của đoàn làm phim được bắt đầu bằng cảnh quay tại lán và cung đường của thanh niên xung phong bảo vệ cho xe thông vào tuyến lửa phía Nam. Đến xế chiều cùng ngày, chúng tôi quyết định quay thử cảnh nổ bom đầu tiên để quen dần với tiếng bom đạn cũng như lấy kinh nghiệm cho buổi quay chính ngày hôm sau.
Dù xác định là cảnh quay có thể sẽ hỏng nhưng tôi và cả đoàn làm phim vẫn chuẩn bị rất kỹ lưỡng để làm tốt nhất. Khi ấy, quả nổ đã khiến khói bụi phủ kín hai diễn viên chính của phim. Quả thực lúc đó tôi hơi sơ. Nhưng khi dừng máy khoảng 30 giây, thấy họ lồm cồm bò dậy, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm, còn các thành viên trong đoàn đã hô to hạnh phúc vì cảnh quay đầu tiên được thực hiện thành công hơn mong đợi.
Thực tế, đã có quá nhiều bộ phim làm về đề tài người lính, vậy điểm mới trong bộ phim của chị là gì?
- Có người nói, tôi rất có duyên nghiệp với đề tài người lính. Từ tác phẩm điện ảnh đầu tiên Người viết cảm tử quân cho đến gần đây là Gần lắm Trường Sa và Cây đàn Điện Biên tôi đều làm về mảng đề tài này. Riêng với phim Khát vọng bình yên, ý tưởng để tôi làm bộ phim này là từ ca khúc Miền xa thẳm của nhạc sĩ Đức Trịnh. Tôi rất thích ca khúc ấy.
Đúng như ca khúc nhạc sĩ Đức Trịnh sáng tác, rất nhiều đôi lứa yêu nhau trong chiến trường đã hy sinh và không bao giờ trở về. Vậy tại sao mình lại không đề cập đến điều này trong khi thực tiễn của nó đã diễn ra như vậy? Có thể trong chiến tranh, chúng ta không dám đề cập tới chủ đề này để tránh sự hoang mang đau thương, song hòa bình đã đến 40 năm rồi, tôi nghĩ mình có thể khai thác những điều mất mát có thật của chiến tranh. Thông qua đó, tôi muốn nói lên khát vọng yêu, khát vọng sống của con người nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.
Theo dõi nhiều tác phẩm về đề tài người lính, có thể thấy phần lớn các tác giả thường hướng tới ca ngợi tinh thần, ý chí quật cường của người lính. Những tác phẩm khai thác về đời sống tâm hồn của họ chưa có nhiều. Vì vậy, với Khát vọng bình yên, tôi muốn khai thác đời sống tâm hồn sâu thẳm của người lính. Bởi với tôi, họ cũng là con người có những cảm xúc mềm yếu, họ cũng yêu và có lẽ họ yêu mãnh liệt hơn ai hết.
Đặc biệt, đây cũng là bộ phim ca nhạc đầu tiên mà các trận đánh đều được dàn dựng theo nội dung trong phim. Trước đó, hình ảnh trong các bộ phim ca nhạc về đề tài chiến trường đều được đi xin và lấy từ phim truyện và phim tài liệu vì không có điều kiện để làm. Ngoài ra, điều đặc biệt của bộ phim này là được sản xuất trên công nghệ 4K - một thiết bị mới, cho chất lượng hình ảnh cao. Còn về phần nội dung, tôi cũng đã cố gắng hết mình để có thể chạm tới trái tim khán giả.
Đầu tư cho bộ phim như vậy, chị có đặt kỳ vọng tác phẩm của mình sẽ để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả?
- Tôi không rõ bộ phim này có thể để lại ấn tượng cho khán giả hay không nhưng chắc chắn bộ phim này đã tạo cảm xúc cho tôi. Thực ra, nếu mình không có cảm xúc với tác phẩm thì không thể khiến người khác có cảm xúc với tác phẩm của mình được. Với “đứa con” tinh thần này, tôi chỉ mong muốn đem tới cho khán giả những thước phim tình cảm, thể hiện một góc nhỏ trong cuộc sống tâm hồn của người lính theo cách nhìn của mình.
Vậy thông điệp mà bộ phim muốn gửi tới khán giả là?
- Có lẽ sống trong hòa bình đôi khi chúng ta cũng không hiểu hết ý nghĩa sâu xa sự bình yên mà chúng ta đang có. Nhưng với những con người sống trong năm tháng chiến tranh, ý nghĩa của sự bình yên ấy là không tưởng.
Vì vậy, thông qua Khát vọng bình yên, chúng tôi muốn lên án chiến tranh, nói lên khát vọng sống, khát vọng được hòa bình của con người. Đây là một dấu lặng trong bản trường ca của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Đó cũng xem như một nén tâm nhang thắp cho các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để thế hệ hôm nay có cuộc sống hạnh phúc.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Phim ca nhạc Khát vọng bình yên sẽ lên sóng khung giờ VTV Đặc biệt vào 21h40 hôm nay (31/8) trên kênh VTV1. Phim cũng sẽ được phát trên các kênh VTV2, VTV3, VTV4, VTV6 ở nhiều khung giờ khác nhau. Mời quý vị chú ý đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.