Chiến lược phát triển đất nước ta đã được Đảng và Nhà nước vạch rõ: đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Toàn Đảng, toàn dân đang phấn đấu cho mục tiêu đó. Tất cả các ngành kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục ... đều phấn đấu đưa ngành mình tiến tới mục tiêu đó. Đồng hành với cả nước, Truyền hình Việt Nam cũng không thể chậm hơn. Với Đài Truyền hình Việt Nam, mục tiêu đó đã được nêu ra từ: Quy hoạch phát triển ngành truyền hình Việt Nam từ 1995 đến năm 2000, sau đó tiếp tục được nhấn mạnh trong Quy hoạch phát triển ngành Truyền hình Việt Nam từ 2000 đến 2010 và các năm sau.
Một đồng chí lãnh đạo Đảng đã khẳng định trong Liên hoan Truyền hình toàn quốc tháng 1/2000 tại thành phố Vinh (Nghệ An): "Truyền hình của thế kỷ 21 phải là truyền hình của công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Năm ấy, khi nhân loại vừa đặt chân sang thế kỉ 21, Đài Truyền hình Việt Nam còn đang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 80 % số hộ trong cả nước có thể xem được truyền hình, VTV mới phát sóng ba kênh quảng bá, tuy phát hàng ngày nhưng chưa có kênh nào phát 24/24 giờ. Vậy mà, đến năm 2008, ông Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, người kí Quy hoạch phát triển Truyền hình Việt Nam giai đoạn 1995- 2000, đã nói: "Truyền hình Việt Nam đã phát triển với tốc độ nhanh tới mức vượt qua dự kiến của Chính phủ 20 năm trước đây". Nói 20 năm trước, ở thời điểm ông Nguyễn Khánh phát biểu chính là năm 1987, khi đó Đài Truyền hình Trung ương chuyển thành Đài Truyền hình Việt Nam, trực thuộc Chính phủ và là Đài truyền hình quốc gia.
Lùi lại 20 năm nữa, ở thời điểm trước năm 1970, khi ấy truyền hình còn là mơ ước của mọi người dân Việt Nam. Theo hồi ức của ông Hoàng Tùng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương thì, vào những năm 60 của thế kỉ trước, mỗi lần đi công tác nước ngoài, được xem truyền hình của nước bạn, Bác Hồ thường nhắc nhở cán bộ ta chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng ngành truyền hình. Thực hiện ý tưởng của Bác Hồ, Xưởng phim Vô tuyến truyền hình Việt Nam đã được thành lập tháng 1/1968 trực thuộc Tổng cục Thông tin với nhiệm vụ làm phim 16 li gửi cho các đài nước ngoài và chuẩn bị xây dựng ngành truyền hình. Vào năm 1968 ấy, trong một lần tiếp khách quốc tế, Bác Hồ rút một bông hồng trên bàn trao cho nhà quay phim Phan Thế Hùng và hỏi: "Bao giờ các chú cho nhân dân ta được xem truyền hình?", Bác Hồ hỏi như vậy vì nếu chỉ làm phim gửi ra nước ngoài thì chưa đủ, đã là truyền hình thì phải phát sóng để mọi người dân được xem. Thực ra, thời điểm ấy Chính phủ đã nhắm cho Tổng cục thông tin một khoảnh đất ở gần Chùa Bộc (Hà Nội) để xây dựng đài truyền hình, việc ấy đã không thực hiện được vì nhiều lí do.
Trong khi đó, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Biên tập Trần Lâm cùng các Phó Tổng Biên tập Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Nhất, Lê Quý đã có ý tưởng làm truyền hình từ rất sớm. Theo kinh nghiệm của các nước, truyền hình thường được sinh ra từ phát thanh. Do nhu cầu cấp bách lại có đủ tự tin, lãnh đạo Đài TNVN đã âm thầm từng bước chủ động chuẩn bị cho việc xây dựng đài truyền hình mặc dù về mặt chính thức, Chính phủ đã giao nhiệm vụ này cho Tổng cục thông tin. Nhiều người nghĩ rằng, hồi ấy các ông lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã cùng mơ một giấc mơ lãng mạn, đôi khi giấc mơ bị phá ngang bởi những hồi còi báo động do máy bay Mỹ oanh tạc...
Phải lãng mạn và tự tin lắm mới dám nghĩ, dám làm truyền hình, vì truyền hình không chỉ là báo chí mà còn là kinh tế, kĩ thuật, tốn kém và phức tạp lắm trong khi cả nước đang chiến tranh, khó khăn thiếu thốn mọi bề. Với phương châm biến không thành có, từ ít đến nhiều, từ thô sơ đến ít thô sơ hơn... những buổi phát sóng truyền hình đầu tiên đã được thực hiện. Vào cái đêm 7/9/1970 ấy, trong phòng thu M ở số 58 phố Quán Sứ, cả êkip thực hiện chương trình và cán bộ của Đài cùng khách mời chỉ có một ước muốn nóng bỏng là nhìn thấy hình ảnh hiện ra trên màn hình chiếc máy thu duy nhất đặt trước mặt mọi người để kiểm tra, theo dõi... Ước muốn ấy đã trở thành thực tế của đêm ấy rồi các đêm sau nữa và sau này đêm đêm là điểm sáng lung linh trong các gia đình.
May thay, đứa con truyền hình sinh ra trong hoàn cảnh gian nan ấy đã mau chóng được công nhận với quyết định do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí ngày 18/5/1971 về việc giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị xây dựng ngành Vô tuyến truyền hình và thành lập Ban biên tập vô tuyến truyền hình trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày 18/6/1977, Chính phủ ra nghị định chuyển Ban biên tập Vô tuyến truyền hình thành Đài Truyền hình Trung ương, đứa “con tách khỏi mẹ” ra ở riêng, trở thành một thực thể độc lập, giấc mơ lãng mạn đã được hiện thực hóa.
Tuy nhiên, dẫu có lãng mạn thế nào thì hơn 40 năm trước đây mấy ai đã hình dung được những năm đầu của thế kỉ 21 này Truyền hình Việt Nam lại phát triển với diện mạo như đang thể hiện trên màn hình hằng đêm. Đã qua lâu lắm rồi cái thời cả nhà, thậm chí cả xóm xem chung một chương trình truyền hình trên cùng một máy thu hình đen trắng. Bây giờ một hộ có mấy máy thu hình đã khá phổ biến, mỗi thành viên trong gia đình vào bất kì thời điểm nào cũng có thể chọn được một chương trình phù hợp với mình. Chưa kể các đài địa phương, các kênh truyền hình của các bộ, ngành, chỉ riêng VTV với 8 kênh quảng bá (kênh giáo dục chuẩn bị phát sóng là kênh thứ 9) và hàng chục kênh truyền hình cáp. Có thể nói, truyền hình đang đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu của mọi đối tượng người xem với nội dung chuyên biệt, hình thức thể hiện thích hợp. Hiện nay, hệ thống các trạm phát chuyển tiếp mặt đất đã hoàn thiện cùng việc phát sóng qua vệ tinh Vinasat 1 và 2, sóng truyền hình VTV đã phủ kín lãnh thổ Việt Nam và các châu lục, đồng bào các dân tộc Việt Nam trong nước và nước ngoài đều có thể xem được chương trình VTV với chất lượng tốt nhất. Lộ trình chuyển từ kĩ thuật analog sang kĩ thuật số đang được xúc tiến khẩn trương đem lại nhiều tiện ích cho người xem.
Nói truyền hình thế kỉ 21 phải là truyền hình của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hiểu rằng, truyền hình phải được đổi mới về cơ sở vật chất kĩ thuật, về công nghệ sản xuất chương trình, công nghệ truyền dẫn phát sóng, đồng thời có một đội ngũ làm truyền hình chuyên nghiệp. Để đáp ứng các yêu cầu ấy phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện cụ thể của đất nước và sự nỗ lực của đài. Cùng với thành tựu phát triển của đất nước gần 30 năm đổi mới, Truyền hình Việt Nam đã từng bước được trang bị công cụ làm nghề tốt hơn, giúp cho người làm chương trình phát huy được tài năng, nội dung và hình thức hấp dẫn hơn. Đặc biệt là các chương trình giải trí, phim truyện nhờ thiết bị kĩ thuật luôn luôn đổi mới đã tạo được hiệu ứng nghệ thuật hấp dẫn.
Hầu hết những người có mặt trong buổi phát sóng truyền hình đầu tiên nay đã lui về tuyến sau, trở thành người xem, nhiều người đã thành thiên cổ. Những thế hệ mới tiếp nối công việc của họ đã hình thành, được đào tạo chính quy theo tiêu chuẩn báo chí truyền hình hiện đại, đang làm cho màn ảnh truyền hình thay đổi căn bản. Người xem rất hâm mộ những phóng viên trẻ xông xáo trên mọi địa bàn đất nước và trên thế giới, có mặt ở cả những điểm nóng như: Nam Phi, Ly Bia, Iraq, Syria , Ukraine, Triều Tiên, đặc biệt là Biển Đông... Lần đầu tiên VTV tổ chức được các cơ quan thường trú ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, ASean, châu Âu... Phóng viên các cơ quan thường trú không chỉ đưa tin kịp thời mà còn thường xuyên bình luận, hướng dẫn dư luận, xóa bỏ căn bản việc vay mượn hình ảnh của truyền thông nước ngoài. Người xem cũng rất ấn tượng với hình ảnh các phóng viên VTV, trong đó có nhiều nữ phóng viên lặn lội tới các vùng sâu vùng xa, trong bão lũ, không quản nguy hiểm và phanh phui tiêu cực bằng ống kính bí mật hoặc trực diện...
Qua màn hình, người xem thấy Đài đã trang bị các thiết bị kĩ thuật hiện đại để phóng viên từ bất kì một địa điểm nào cũng có thể truyền hình trực tiếp với chất lượng cao. Mới đây, nhóm phóng viên thể thao VTV tại World Cup 2014 đã khiến Hải quan Braxin, các quan chức FIFA và đồng nghiệp nước ngoài “sốc" vì thấy các thiết bị mới nhất, hiện đại nhất lần đầu họ mới nhìn thấy. Câu chuyện ấy chứng tỏ, Đài không chỉ quan tâm đầu tư nhằm mang lại cho người xem những hình ảnh tốt nhất mà còn chứng tỏ VTV không hề lạc hậu với các tiến bộ kĩ thuật của thế giới. Lại nhớ, để đem đến cho khán giả Việt Nam niềm vui được theo dõi World Cup 1978, đài đã cử kĩ sư Nguyễn Ngọc Ngoạn sang Praha thu lại chương trình truyền hình trực tiếp của đài Tiệp Khắc rồi gửi băng về nước phát sóng. So với điều kiện ngày nay quả là một bước nhảy vọt diệu kì! Điều đáng nói là, để có được sự đổi mới ấy, VTV đã tự trang bị bằng nguồn tài chính tích lũy của chính mình. Từ năm 2001, VTV đã được chính phủ cho phép thực hiện cơ chế khoán thu, khoán chi, tự cân đối thu chi, không sử dụng ngân sách Nhà nước trong hoạt động nghiệp vụ, tự đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật ... Giờ đây, những người làm truyền hình ở VTV đang và sẽ quản lí một khối tài sản, trong đó rất nhiều thiết bị kĩ thuật hiện đại, có giá trị lớn, nhưng để phát huy hiệu quả, vấn đề lại là con người. Thực tế này đang đặt ra cho Đài nhiệm vụ đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ các ngành nghề phải vận dụng được tốt nhất tính năng của các thiết bị ấy. Thế kỉ này còn tiếp tục diễn ra cuộc cách mạng kĩ thuật như vũ bão, có thiết bị hôm nay là hiện đại, ít ngày sau đã tụt hậu rồi nên đổi mới là không ngừng. Và con người phải học tập để nắm vững những cái mới ấy là không ngừng nghỉ...
Chỉ còn 6 năm nữa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo mục tiêu đã được Đảng và Nhà nước vạch ra. Chúng ta mang niềm tin rằng, mục tiêu ấy sẽ đạt được. Vào thời điểm ấy, Đài Truyền hình Việt Nam có được đánh giá là một đài truyền hình có công nghệ hiện đại, kĩ thuật hiện đại, ngang tầm khu vực không?. Nước nổi thì bèo nổi. Điều chắc chắn là, đất nước có phát triển thì truyền hình cũng như các ngành khác mới có điều kiện phát triển. Sau 44 năm ra đời và trưởng thành, Đài Truyền hình Việt Nam đã có những thế hệ làm truyền hình gắn bó sắt son với sự nghiệp của Đài và đất nước.