Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 2 đã chính thức khép lại sau 14 tập phát sóng. Đi qua 2 mùa với nhiều câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng, chương trình đã vượt khỏi khuôn khổ của một gameshow thực tế để trở thành một nơi kết nối các startup tiềm năng với những nhà đầu tư tiềm lực.
Trong hơn 1.000 thí sinh đăng ký tham dự có 42 startup may mắn lọt vào vòng thương thuyết với các nhà đầu tư và được lên sóng. Trong số đó, có tới 27 startup được rót vốn với tổng số tiền là 206 tỷ 541 triệu đồng, gần gấp đôi con số của mùa 1 (116 tỷ 651 triệu đồng).
Tại mùa 2 Shark Tank Việt Nam, khẩu vị đầu tư của các "cá mập" cũng có sự khác biệt rõ rệt. Điển hình, các Shark Nguyễn Thanh Việt, Shark Thái Vân Linh, Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn) và Shark Nguyễn Ngọc Thủy có phần dễ tính, đầu tư vào nhiều thương vụ được đánh giá là mạo hiểm. Đa số các nhà đầu tư truyền thống thường yêu cầu nắm giữ % cổ phần để chi phối, còn nhà đầu tư công nghệ lại muốn startup sẽ là người nắm giữ % cổ phần nhiều hơn.
Riêng hai Shark Nguyễn Xuân Phú và Đặng Hồng Anh có phần khắt khe hơn với startup. Nếu Shark Hồng Anh rất quan tâm đến việc startup định giá công ty như thế nào, thì Shark Phú sau một mùa đầu tư tại Shark Tank đã đưa ra nhiều điều kiện cứng rắn hơn với startup của mùa 2.
Có thể nói, hầu hết các deal mà Shark Phú gật đầu đầu tư đều dưới hình thức cho vay trái phiếu chuyển đổi có thời hạn. Bởi với Shark Phú, khi số liệu sai lệch lớn thì các tính toán trong đầu nhà đầu tư đều phải thay đổi, chính vì vậy ở mùa 2 điều ông chú ý nhất chính là khâu dữ liệu của startup đưa ra phải chính xác. Đây cũng là một yêu cầu từ Shark mà startup khi tham gia chương trình phải tuyệt đối chú ý, số liệu đưa ra càng chính xác thì khi bước vào vòng Due Diligence (hoạt động thẩm tra) các kế hoạch kinh doanh của bạn mới có thể nhanh chóng đưa vào hiện thực.
Shark Nguyễn Thanh Việt đã trở thành nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất mùa 2 với tổng số tiền đầu tư lên đến 47 tỷ 150 triệu đồng. Tiếp đến, dẫu là "cá mập khắt khe" nhưng Shark Nguyễn Xuân Phú vẫn xuống đến 37 tỷ 285 triệu đồng để hỗ trợ startup dưới dạng cho vay trái phiếu chuyển đổi và Shark Phạm Thanh Hưng về vị trí thứ ba với 33 tỷ 870 triệu đồng. Hai Shark chính còn lại là Thái Vân Linh và Dzung Nguyễn cũng không hề kém cạnh khi mỗi người lần lượt rót vốn với tổng mức là 25 tỷ 116 triệu đồng và 22 tỷ 035 triệu đồng.
Shark Việt là người xuống tiền nhiều nhất mùa 2 với hơn 47 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư khách mời khác dù chỉ xuất hiện trong vài tập nhưng mỗi "cá mập" cũng sở hữu những con số khá ấn tượng. Số tiền lần lượt của mỗi nhà đầu tư là Shark Nguyễn Ngọc Thủy với 25 tỷ 835 triệu đồng, Shark Louis Nguyễn với 12 tỷ 500 triệu đồng và cuối cùng là Shark Hồng Anh với 2 tỷ 750 triệu đồng.
Trên tổng số 206 tỷ 541 triệu đồng được rót cho các startup, thương vụ 23 tỷ đồng của Shark Phạm Thanh Hưng và startup Power Centric được ghi nhận là có "deal-size" lớn nhất mùa 2.
Shark Hưng với deal-size lớn nhất mùa 2 - rót 23 tỷ đồng vào startup Power Centric.
Shark Hưng cũng tham gia rót vốn cho thương vụ lớn thứ 2 là Plasma cùng với Shark Nguyễn Thanh Việt, với giá trị đầu tư là 17 tỷ đồng. Đây là tin vui cho các startup có mô hình sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch và có phát minh mang lại lợi ích cho xã hội.