Hiện ASEAN có khoảng 669 triệu người và là nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới với GDP đạt trên 3.000 tỷ USD, 10 nước thành viên ASEAN đang tạo nên một khối sức mạnh về kinh tế và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới.
Trong một khu vực như vậy, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Đông Nam Á với kinh tế phát triển nhanh, chính trị ổn định, dân số trẻ và chi phí nhân công cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều nước Đông Nam Á khác cũng tăng tốc quyết liệt để thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển, trong đó có Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia.
Ai là đối thủ đáng gờm nhất? Vừa là đối thủ nhưng chính các nước ASEAN cũng là đối tác quan trọng của Việt Nam khi nhiều nước ASEAN đang đầu tư vào Việt Nam.
ASEAN thu hút FDI hàng đầu thế giới
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng năm thứ 3 liên tiếp, đạt mức kỷ lục 155 tỷ USD trong năm 2018, tăng 3% so với mức 147 tỷ USD năm trước đó. Tỷ lệ của ASEAN trong tổng lượng FDI toàn cầu cũng tăng từ 9,6% năm 2017 lên 11,5% 2018.
Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm đến quan trọng trong ASEAN.
Trái ngược với xu hướng suy giảm của nhiều quốc gia trên thế giới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy về ASEAN ngày một tăng, tạo nên một cuộc đua gay gắt giữa các nước trong khu vực với việc trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư.
Mới đây, 30 doanh nghiệp Nhật Bản được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, có đến 1/2 các doanh nghiệp chọn Việt Nam. Trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư, Việt Nam có những lợi thế nhất định.
Việt Nam đứng thứ 21 về lượng vốn FDI trên toàn thế giới
Theo báo cáo đầu tư quốc tế, Việt Nam hiện đứng thứ 21 về lượng vốn FDI trên toàn thế giới, trong đó các dòng vốn đầu tư chủ yếu đến từ các nước cùng khu vực ASEAN và các nền kinh tế châu Á khác. Là đối thủ trên đường đua nhưng cũng đồng thời là đối tác, bởi có rất nhiều các quốc gia ASEAN là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam
Tính đến cuối tháng 7/2020, vốn FDI đăng ký của các nhà đầu tư từ ASEAN đạt gần 82,2 tỷ USD, chiếm 21,6 % tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Quy mô bình quân một dự án đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam là 19,9 triệu USD cao hơn mức trung bình các dự án FDI vào Việt Nam.
Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Đông Nam Á. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Trong đó, Singapore là quốc gia thành viên ASEAN dẫn đầu về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, với 54,9 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 15,5%. Theo sau là Malaysia và Thái Lan với các con số tương ứng là 12,7 tỷ USD và 12,4 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam đầu tư sang Lào nhiều nhất.
25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam không phải "một mình một chợ" trong cuộc đua thu hút FDI hiện nay, nhưng rõ ràng "buôn có bạn bán có phường" trong một môi trường thu hút đầu tư năng động hàng đầu thế giới, Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định. Trong mối quan hệ này, cùng hợp tác, cùng cạnh tranh để phát triển, tự hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh là điều Việt Nam cần xác định để cùng đồng hành với ASEAN trên con đường tương lai.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt khi làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau dịch COVID-19 đang gia tăng mạnh, vậy đâu là đối thủ chính của chúng ta trong cuộc đua này? Muốn thu hút FDI ở khu vực chúng ta cần làm gì? Câu trả lời phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 28/7, với sự tham gia của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!