Đề án truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi được thực hiện như thế nào?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 02/09/2017 07:03 GMT+7

VTV.vn - Không ít người nghi ngờ tính khả thi của đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, đồng thời băn khoăn việc này sẽ duy trì được bao lâu.

Từ ngày 1/9, TP.HCM bắt đầu thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm. Cách đây 8 tháng, TP.HCM cũng đã thực hiện truy xuất thịt lợn. Đây là việc làm cần thiết nhưng vô cùng khó. Không ít người nghi ngờ tính khả thi của các đề án này và băn khoăn việc này sẽ duy trì được bao lâu, có thực chất hay là không.

Mục tiêu của các đề án mà TP.HCM đang triển khai được xem là có tính đột phá nhưng vấn đề đặt ra là việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt và trứng gia cầm được thực hiện như thế nào trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình vẫn còn rất phổ biến. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề hết sức nan giải trong công tác quản lý nhà nước hiện nay.

Trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 1/9, ông Nguyễn Quốc Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bàn luận về tính khả thi của đề án truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi.

Ông Nguyễn Quốc Trọng cho biết: "Thực chất việc truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu của sản xuất và thị trường. Muốn truy xuất nguồn gốc thì phải chăn nuôi theo chuỗi, không riêng vì lợi ích của người tiêu dùng mà còn lợi ích cho người sản xuất. Xây dựng một chuỗi sản xuất thì sẽ hạ được giá thành sản phẩm và tạo thành sản phẩm cạnh tranh. Lợi nhuận cũng sẽ chia đều cho tất cả các khâu. Kiểm soát được đầu vào từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Muốn đảm bảo truy xuất nguồn gốc để biết được xảy ra mất an toàn thực phẩm xảy ra ở giai đoạn nào thì bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc".

"Trên cơ sở đó, hiện tại đã có nhiều chuỗi xây dựng một cách hoàn chỉnh. Đối với việc hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang còn nhiều, muốn thực hiện chuỗi sản xuất và truy xuất nguồn gốc thì phải có liên kết ngang giữa các hộ chăn nuôi, ví dụ tạo thành hợp tác xã hoặc các hiệp hội. Trên cơ sở những hiệp hội đó và phối hợp với các doanh nghiệp thì có thể việc truy xuất nguồn gốc sẽ tốt hơn" - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước