Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, những khu du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Sầm Sơn đã sôi động trở lại. Chưa thể nói về một sự hồi sinh thực sự nhưng du lịch Việt Nam đã bắt đầu cựa mình thức dậy sau 2 tháng ngủ đông giữa mùa hè do dịch bệnh COVID-19.
Trở lại hồi tháng 1, dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), hoạt động du lịch trong nước vẫn diễn ra bình thường. Bước sang tháng 2, đã có 16 ca nhiễm bệnh được kiểm soát và chữa khỏi bệnh, ngành du lịch đã sẵn sàng triển khai chương trình kích cầu du lịch với quy mô lớn.
Tuy nhiên, bước sang tháng 3, dịch bệnh đã bùng phát trở lại và chuyển sang giai đoạn khó lường, xảy ra lây chéo trong cộng đồng. Du lịch gần như đã hoàn toàn tê liệt, nhất là khi Việt Nam đóng cửa hàng không quốc tế để đảm bảo an toàn.
Khi hoạt động trở lại, du lịch phải đặt an toàn lên hàng đầu. Ngày 1/5 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã có công văn hướng dẫn với các tiêu chí cho cả doanh nghiệp và khách du lịch.
Đối với doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch:
- Niêm yết bảng thông tin hướng dẫn an toàn, phòng chống dịch
- Nơi đón tiếp đảm bảo đúng giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế
- Đo thân nhiệt, cung cấp khẩu trang cho khách hàng
- Có đầy đủ xà phòng hoặc các sản phẩm vệ sinh rửa tay khô
-Vệ sinh, khử trùng hàng ngày; riêng thang máy, nơi đón tiếp thì vệ sinh, khử trùng tối thiểu 3 lần/ngày
- Chỉ tổ chức các dịch vụ du lịch khi đảm bảo đúng quy định về giãn cách, không ngủ tập thể trong một phòng
- Hướng dẫn viên, nhân viên phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc
Đối với khách du lịch:
- Đeo khẩu trang trừ khi ở phòng ngủ hay khi ăn uống trong nhà hàng
- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân
- Thông báo cho cơ quan chức năng nếu có biểu hiện mắc bệnh COVID-19
Hiện tại, ngành du lịch của Việt Nam đóng góp 8,8% GDP, giải quyết việc làm cho gần 5 triệu lao động. Chưa kể doanh thu cho nền kinh tế, có ít nhất gần 5 triệu gia đình trông mong vào sự hồi sinh của ngành du lịch. Điều đó đang dần trở thành hiện thực khi Việt Nam đã bước sang ngày thứ 19 liên tiếp không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.
Vẫn rất cần cẩn trọng phòng dịch nhưng một khi đã xác định mở cửa lại du lịch nội địa, rõ ràng một bảng tiêu chí du lịch an toàn là chưa đủ, có hệ thống các công ty du lịch là chưa đủ mà còn cần sự mở lại đồng bộ nhịp nhàng giữa đường bay, điểm đến, dịch vụ - những bộ phận không thể tách rời tạo nên "cơ thể" của ngành du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!