Năm 2015, thép Trung Quốc xuất đi các nước tăng đều, với lượng thép xuất khẩu cao gấp 10 lần sản lượng thép cả năm của nước Anh. Và con số này cần được đặt trong tương quan là tổng sản lượng thép toàn cầu trong năm ngoái đã sụt giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua. Hệ quả tất yếu là ngành thép tại một loạt quốc gia từ châu Âu tới châu Mỹ Latinh rơi vào cảnh lao đao, hàng chục nghìn việc làm bị đe dọa.
Cuộc tranh luận gay gắt liên quan đến tình trạng thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới lại vừa nóng trở lại với động thái mới nhất từ Liên minh châu Âu (EU). Theo Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom, việc sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng tới 50% trong năm 2015 đã khiến thị trường thép toàn cầu và châu Âu mất ổn định. Và trong thông báo ngày 13/4, chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định EU sẽ tăng cường điều tra chống bán phá giá đối với thép của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc Tata - tập đoàn sản xuất thép lớn nhất của Ấn Độ, lớn thứ 6 thế giới mới đây thông báo sẽ bán toàn bộ các nhà máy sản xuất thép tại Anh sau gần 1 thập kỷ hoạt động đã khiến câu chuyện chống bán phá thép Trung Quốc lại càng nóng lên hơn bao giờ hết.
Đã có những lo ngại rằng, sau Tata sẽ có thêm nhứng nạn nhân mới của cuộc khủng hoảng thép, khi mà các nhà sản xuất thép châu Âu đang lâm vào cảnh khó khăn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Theo Hiệp hội thép châu Âu đây là lúc EU cần phải hành động mạnh hơn nữa để bảo hộ ngành thép trong khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.