Câu chuyện doanh nghiệp Trung Quốc mua các công ty trên khắp thế giới không còn là chuyện mới. Song điều đáng chú ý là con số này đã lên tới mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2016. Theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Trung Quốc cập nhật, quốc gia này đã bỏ ra 134 tỷ USD để mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí mức chi này còn cao hơn tổng của 2 năm trước đó.
Giới tài chính kinh tế thế giới cho rằng đang có một sự bùng nổ làn sóng mua bán sáp nhập từ Trung Quốc. Trong khi hoạt động mua bán, sáp nhập những tháng đầu năm 2016 của châu Âu chỉ nhích nhẹ, Mỹ giảm mạnh, toàn thế giới giảm hơn 50%, Trung Quốc lại vươn lên dẫn đầu tỷ lệ mua bán, sáp nhập trên toàn cầu, cứ 6 thương vụ của thế giới thì có một vụ của Trung Quốc.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, các nhà phân tích cho rằng yếu tố quan trọng nằm ở chiến lược của Trung Quốc trong việc chủ động đi khắp thế giới để thâu tóm nước ngoài. Nhiều quy định đã được nới lỏng để ưu đãi các công ty đem tiền đi mua doanh nghiệp nước ngoài. Rõ ràng, nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty Trung Quốc không thể vươn ra thế giới một cách ồ ạt. Bởi lẽ, một số công ty Trung Quốc khi đi mua công ty nước ngoài còn nợ nhiều hơn cả đối tác của mình.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những ưu tiên khi mua các doanh nghiệp nước ngoài. Họ chú trọng vào khoảng 15 lĩnh vực mang tính chiến lược, trong đó được đặc biệt ưu tiên là các lĩnh vực công nghệ cao. Chính vì vậy, không phải vụ thâu tóm nào của Trung Quốc cũng thành công. Nhiều thương vụ của Trung Quốc đã bị từ chối vì bị coi là có yếu tố nhạy cảm hoặc liên quan đến an ninh quốc gia.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!