Sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản và Viêm gan B là những bệnh có vaccine tiêm phòng và được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Những bệnh này đã có thời gian gần như được khống chế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số dịch bệnh đã xuất hiện trở lại mà nguyên nhân là do người dân tại một khu vực không tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tạo nên "lỗ hổng miễn dịch" tại khu vực - nơi mầm bệnh một khi xâm nhập trở lại có thể lây lan ra cả một cộng đồng.
Trên trường quay chương trình Vấn đề hôm nay ngày 20/7, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đã lý giải nguyên nhân bùng phát dịch bệnh như hiện nay, trong đó có dịch bạch hầu tại Bình Phước.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Như Dương cho biết: “Khi chúng ta đưa bệnh bạch hầu vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vào năm 1985, bệnh này hầu như đã được khống chế trên toàn quốc. Nhưng thời gian qua, mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine cao nhưng cá biệt có những khu vực dân cư đặc biệt khó khăn và tạo ra vùng lõm về tiêm chủng, tích lũy theo thời gian và hình thành lỗ hổng miễn dịch”.
“Điều tối quan trọng là phải tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nếu không tiêm chủng, hoặc tiêm chủng không đầy đủ sẽ gây nguy hiểm cho người nhiễm bệnh rồi trở thành nguồn bệnh, lây cho những người xung quanh và cộng đồng. Chính vì vậy, ý nghĩa của việc tiêm phòng không chỉ là bảo vệ cá nhân mà còn bảo vệ cho cả cộng đồng” - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!