Từ trước đến nay, Việt Nam chưa có luật về tạm giữ, tạm giam. Những quy định về tạm giữ, tạm giam đều chỉ dựa trên các văn bản dưới luật. Đối tượng bị tạm giữ, tạm giam là đối tượng hết sức nhạy cảm bởi họ chưa phải tội phạm nên về cơ bản vẫn được hưởng các quyền của con người.
Luật tạm giữ, tạm giam ra đời là một phần quan trọng để giải quyết các vấn đề này. Hôm qua 9/11, khi Quốc hội thảo luận dự thảo của luật này, đã có khá nhiều vấn đề được đặt ra như tình trạng vẫn còn người bị chết, tự sát trong các cơ sở giam giữ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật. Một trong những nguyên nhân theo các đại biểu là dự luật chưa có những quy định để tách bạch hai nhóm đối tượng tạm giữ và tạm giam.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 9/11, ông Nguyễn Anh Sơn - đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định - đã trình bày những quy định cơ bản trong bản dự thảo này: “Quốc hội đã thảo luận và chuẩn bị ban hành luật tạm giữ tạm giam chính là để thực hiện quy định quan trọng về quyền con người. Trong dự thảo luật có rất nhiều quy định cụ thể về quyền tạm giữ, tạm giam, bao gồm 9 nhóm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam như quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản danh dự, quyền tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, chế độ ăn ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế, được gặp thân nhân, quyền tự bào chữa, giao dịch dân sự, khiếu nại tố cáo trong việc tạm giữ, tạm giam”.
Một vấn đề quan trọng trong bản dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam là vai trò của luật sư - người đại diện hợp pháp duy nhất của người bị tạm giữ, tạm giam. Nhưng hiện tại việc tiếp xúc giữa người bị tạm giữ, tạm giam với luật sư rất bị hạn chế. Hiện nay, các văn bản dưới luật cũng có quy định về việc gặp gỡ người bào chữa nhưng khi thực hiện lại gặp phải nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Sơn cho biết, nhiều đại biểu mong muốn vấn đề này sẽ được quy định rõ hơn, cụ thể hơn trong văn bản luật: “Hiện nay, quy định đang khá chung chung. Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu những quy định cụ thể về thời gian mà người tạm giữ, tạm giam được gặp luật sư. Luật tạm giữ, tạm giam ra đời sẽ là cơ sở pháp lý cao hơn những văn bản pháp lý hiện hành và có điều kiện để tuân thủ, bảo vệ đầy đủ cho người bị tạm giữ tạm giam”.
Theo lý giải của ông Nguyễn Anh Sơn, đội ngũ luật sự hiện nay của Việt Nam rất thiếu nên chưa thể đáp ứng yêu cầu của các vụ án. Hơn nữa, người bị tạm giữ, tạm giam không có luật sư riêng như nước ngoài để tham gia kịp thời vào công tác tố tụng. Nhiều trường hợp phải được chỉ định luật sư và có những người không cần luật sư vì không hiểu quyền lợi của mình.
Việc hạn chế tiếp xúc là để đảm bảo một số nguyên tắc trong quá trình điều tra nhưng liệu người bị tạm giữ, tạm giam được đối xử như thế nào trong trại tạm giữ, tạm giam. Và khi đối mặt với những người thi hành công vụ với rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, đối tượng có thực sự đủ tự tin và trình độ để khai đúng. Đây là vấn đề cần phải minh bạch để đảm bảo tránh oan sai và đảm bảo không bức cung nhục hình.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.