Tại các phiên họp mới đây của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đại diện cho người lao động và phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đại diện cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều quan điểm chênh nhau về phương án mức tăng lương tối thiểu của năm 2019.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho người lao động trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là từ 7,5 - 8 % so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Đề xuất này dựa trên những khảo sát mới nhất về đời sống người lao động, khi mức lương hiện mới đáp ứng 90 - 92% nhu cầu sống tối thiểu.
Trong khi đó, đại diện giới chủ sử dụng lao động là phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tiếp tục đưa ra quan điểm năm 2019 chưa nên tăng lương tối thiểu vì hiện nay doanh nghiệp còn khó khăn, lạm phát thấp, năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều...
Nói về mức lương tối thiểu hiện nay, chuyên gia Phạm Minh Huân - nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia trong nhiều năm cho biết: "Tổng tính 5 năm qua, mức lương tối thiểu tăng hơn 70%. Mục tiêu Đảng và nhà nước đặt ra năm 2019 là lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Còn hiện nay mức lương tối thiểu được cho là đã đáp ứng hơn 90% mức sống tối thiểu. Tăng lương đồng nghĩa với việc tăng chi phí song cần cân đối với mức tăng năng suất lao động để hài hòa".
Tuy nhiên tăng lương mới chỉ là một phần của sự nghiệp bảo vệ quyền lợi người lao động. Ngoài ra việc cải thiện môi trường lao động, an toàn vệ sinh, hỗ trợ về nhà trẻ, trường học, nhà ở, chăm sóc y tế, đào tạo tay nghề cũng quan trọng không kém. Nếu những mặt này cũng được thương thảo hàng năm để có những cải thiện thì đời sống của người công nhân sẽ thay đổi rõ rệt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!