Trong quá trình hội nhập, đội ngũ doanh nghiệp chính là những người tiên phong. Kinh tế tư nhân, trong văn kiện Đại hội XII của Đảng đã được coi là động lực quan trọng của phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp Việt Nam còn gặp quá nhiều thách thức, các doanh nghiệp vừa nhỏ còn chật vật để tồn tại. Chỉ riêng tháng 1 vừa qua, cả nước đã có hơn 4.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Trong các buổi làm việc và tiếp xúc với doanh nghiệp gần đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có những lời phát biểu rất chân thành và thể hiện sự thấu hiểu những khó khăn và nỗi khổ mà doanh nghiệp đang gặp phải. Đã có những lời cam kết thể hiện sự quyết liệt thay đổi tư duy và hành động, đem lại hy vọng mới cho doanh nghiệp tư nhân.
Nói về những nỗi khổ của doanh nghiệp, ông Đậu Ngọc Tuấn - Trưởng Ban pháp chế phòng thương mại và công việc Việt Nam cho biết: "Nỗi khổ của Doanh nghiệp gần đây được chia sẻ trên rất nhiều diễn đàn, từ diễn đàn gặp Thủ tướng cho đến diễn đàn cấp tỉnh. Rất nhiều nỗi khổ của doanh nghiệp được chia sẻ, từ thuế, hoàn thuế, thủ tục hành chính, đất đai, phê duyệt... Nhưng một tín hiệu tích cực chúng tôi nhận thấy đó là các lãnh đạo ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã lên tiếng, có hành động mạnh mẽ để thay đổi và tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp. Và như chúng ta đã biết, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn nhất của cả nước, nếu như tại hai thành phố này thay đổi thì sẽ kéo theo sự thay đổi của toàn đất nước"
Đậu Ngọc Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI
Bên cạnh đó, nói về phương hướng giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, đầu tiên cần có những thay đổi trong tư duy, có những chính sách nhằm rút ngắn khoảng cách quyết định hành chính và quyết định kinh doanh. Đặc biệt là cần thanh lọc bộ máy nhà nước, không có tham nhũng trong cán bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Một trong những thay đổi cần thiết nữa cho doanh nghiệp được phát triển là chất lượng đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước. Tôi mong muốn công chức không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng. Để không cần tham nhũng, cán bộ phải có thu nhập đủ sống và không dám tham nhũng là phải có một bộ máy giám sát thật tốt" - ông Đậu Ngọc Tuấn nói thêm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online .