Trong thông báo vào ngày 16/3, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết, nước xả từ trạm thủy điện Cảnh Hồng tăng lên nhằm cung cấp nước khẩn cấp cho các quốc gia hạ lưu sông MeKong. Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết, trạm thủy điện đã tăng lượng nước xả lên 2190 m3/giây. Đây là lượng nước xả cao gấp đôi so với lượng nước xả trung bình 1000 m3/giây.
Trước đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định, Trung Quốc bắt đầu xả lũ từ ngày 15/3 đến 10/4 nhằm giảm bớt tình trạng hạn hán đang diễn ra tại Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Quyết định xả nước của Trung Quốc được đưa ra sau khi Việt Nam đề nghị Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, trong khoảng 2 tuần nữa nước sẽ về đến Đồng bằng sông Cửu Long và chảy qua nhiều vùng đang khát nước.
“Chuyện xả nước là chuyện chưa từng có tiền lệ" - TS. Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam phân tích - "Trong tình hình hạn hán căng thẳng và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ xả nước từ đập chính trên sông Mekong. Đó là đập Cảnh Hồng nằm ở bậc thang cuối cùng trên trạm thủy điện do Trung Quốc đã xây dựng. Chúng ta tính toán nước bạn xả lượng nước khoảng 2300 m3 trong một thời gian dài, liên tục. Chưa nói đến hiệu quả đến Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào nhưng động thái yêu cầu Trung Quốc xả nước cũng là một trách nhiệm của một quốc gia đối với những quốc gia khác đang có thiên tai".
"Tuy nhiên, dù lượng nước xả là 2190 m3 nhưng vì phải đi qua nhiều quốc gia đang chịu hạn hán, nên khi đến Đồng bằng Sông Cửu Long cũng bị hao hụt. Bà con cũng không nên trông chờ quá vào việc xả lũ để phát triển gì cho tương lai gần vì chuyện đẩy mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi cần lượng nước lớn, do đó chỉ với 2000 hay 4000 m3 nước cũng chưa đẩy mặn được. Tuy nhiên, trong tình hình hạn hán, có bao nhiêu quý bấy nhiêu".
Hiện nay, các nước thuộc hệ thống sông Mekong có một cơ chế hợp tác quan trọng thông qua Hiệp hội sông Mekong. Đây là tổ chức liên chính phủ, nối tiếp từ Ủy ban sông Mekong quốc tế thành lập từ năm 1957. Việt Nam cũng là một thành viên trong hiệp hội này.
Theo TS. Đào Trọng Tứ, trong khi Việt Nam chỉ có 5% lượng nước tại chỗ còn 95% là phụ thuộc bên ngoài, câu chuyện chủ động đưa ra giải pháp đảm bảo nguồn nước là điều cần thiết.
"Tôi cho rằng để hạn hạn rồi mới nói tới chuyện xả nước như hiện nay là rất bị động. Chúng ta cần có các giải pháp chủ động hơn" - TS. Đào Trọng Tứ cho biết - "Đầu tiên là vấn đề hợp tác và trách nhiệm giữa các quốc gia trong cùng một dòng sông phải được đưa lên. Thứ hai là chuyện chủ động tối đa để đảm bảo lượng nước, phải có biện pháp công trình để ngăn mặn".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!